Doanh nghiệp xuất khẩu “nín thở” theo dõi tình hình đơn hàng Doanh nghiệp có phụ nữ trong cơ cấu chủ sở hữu tại Việt Nam chiếm 51% |
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương mới đây, đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho biết, cơ hội để doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu đang rất lớn, nhất là trong bối cảnh nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã và đang lựa chọn Việt Nam là “điểm dừng chân”, các tập đoàn này đã rót hàng tỷ USD, thậm chí nhiều tỷ USD vào Việt Nam để xây dựng nhà máy và coi Việt Nam là “cứ điểm” sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của họ.
Nhiều tập đoàn toàn cầu chọn Việt Nam là “điểm dừng chân” (Ảnh: SEVT) |
Đặc biệt, trong quá trình đầu tư và hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới cũng bày tỏ mong muốn tìm kiếm những nhà cung ứng linh phụ kiện trong nước để giảm chi phí về tiền bạc, chi phí về thời gian cho doanh nghiệp do phải nhập khẩu linh, phụ kiện từ nước ngoài. Điển hình trong số đó là Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, doanh nghiệp này hiện đã đầu tư vào Việt Nam với số vốn lên tới gần 20 tỷ USD, hiện diện tại nhiều tỉnh, thành phố của Việt Nam như: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Đặc biệt, tập đoàn này cũng rất mong muốn tìm kiếm những nhà sản xuất linh, phụ kiện trong nước. Để hiện thực hoá mong muốn đó, Samsung đã phối hợp với Bộ Công Thương trong việc phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thông qua Dự án Hợp tác phát triển nhà máy thông minh vào năm 2023 cho các doanh nghiệp tại các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên và Vĩnh Phúc. Trước đó vào năm 2020, Samsung Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công Thương khởi động Dự án tư vấn cải tiến doanh nghiệp Việt Nam khu vực phía Nam…
Có thể nói, cơ hội cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang rộng mở, tuy nhiên để nắm bắt được cơ hội này lại không hề đơn giản, nhất là theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có tới trên 97% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, họ yếu và thiếu về nhiều mặt, trong đó nói như TS Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), “vấn đề đầu tiên là tiền đâu” – một thách thức không nhỏ của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thiếu vốn khiến doanh nghiệp bỏ lỡ cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu (Ảnh minh hoạ) |
Ông Lưu Văn Đại – Giám đốc Công ty Cổ phần Metal Heat Việt Nam cho rằng: Làm thế nào để tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn lớn là một bài toán mà nhiều doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đang “đau đầu” đi tìm lời giải. Bởi doanh nghiệp nhìn thấy rất nhiều cơ hội, nhưng không có tiền nên không dám đầu tư và cũng không có khả năng để đầu tư.
Thách thức này càng trở nên khó khăn hơn, khi sản phẩm tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn phải đáp ứng được ít nhất 2 tiêu chí, đó là chất lượng và giá thành. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có công nghệ tốt, tìm được phương thức sản xuất tối ưu để giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm. Bởi công nghệ tốt sẽ tối ưu hoá sản xuất, tạo ra những dòng sản phẩm có chất lượng tốt, và giá thành hợp lý.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, tiếp cận công nghệ tiên tiến trên thế giới hay đi học công nghệ tiên tiến không phải chuyện khó của doanh nghiệp Việt Nam, nhưng vốn lại là vấn đề lớn nhất mà các doanh nghiệp cơ khí trong nước đang rất yếu. Bởi để đầu tư công nghệ mới doanh nghiệp cần rất nhiều tiền, nhưng một doanh nghiệp nhỏ thì rất khó có đủ tiềm lực tài chính đầu tư những công nghệ hiện đại, những doanh nghiệp startup thì càng khó khăn hơn trong việc tiếp cận công nghệ này.
Vốn tự có của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam thực sự rất khó đủ để đầu tư công nghệ mới. Vay vốn ngân hàng thì lại có rất nhiều rào cản bởi không chỉ phải chịu mức lãi suất cao, doanh nghiệp còn phải có tài sản thế chấp. Trong khi đó, doanh nghiệp nhỏ và startup thì lấy đâu ra tài sản thế chấp? Vậy thì liệu có bao nhiêu doanh nghiệp dám đầu tư công nghệ mới?. Chưa kể lãi suất vay ngân hàng cao thì giá bán của doanh nghiệp cũng phải cao, nên doanh nghiệp nội địa mất đi tính cạnh tranh so với doanh nghiệp ngoại.
Thực tế, đã có nhiều chính sách của Chính phủ về việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên khi áp dụng vào thực tiễn doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn, rào cản khi tiếp cận được nguồn vốn từ ngân hàng, hoặc có tiếp cận được thì tốn kém rất nhiều chi phí về thời gian và cơ hội của doanh nghiệp.
Theo đó, gỡ khó về vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được đánh giá là một trong những giải pháp tối ưu hiện nay, nhằm mang lại cơ hội cho doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Bởi doanh nghiệp chính là xương sống của nền kinh tế, không chỉ tạo ra tăng trưởng GDP, mà còn tạo công ăn việc làm cho người lao động.