Sáng 4/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo.
Theo người đứng đầu Chính phủ, phát triển xanh, bền vững là chủ trương của Đảng, Nhà nước. Biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp mà Việt Nam là một trong những nước chịu tác động lớn, gây sụt lún, khô hạn, xâm nhập mặn, việc nỗ lực góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam phấn đấu đạt tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới. Do đó nhu cầu điện phải tăng từ 12-16%/năm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Đoàn Bắc).
Thủ tướng nhấn mạnh định hướng Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là các ngành mới nổi, như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, dữ liệu lớn… Vì thế, nhu cầu năng lượng điện là rất lớn.
Khẳng định phát triển năng lượng xanh và bền vững là yêu cầu cấp bách, phát triển điện hạt nhân là một trong những biện pháp để đáp ứng yêu cầu và phù hợp với xu thế thế giới, Thủ tướng yêu cầu xác định rõ mục tiêu, lộ trình; nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo, từng bộ, ngành, địa phương phải thực hiện trong phát triển hạ tầng; di dân tái định cư.
Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ vấn đề chuyển giao công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; chủ đầu tư; xác định nguồn vốn; các cơ chế chính sách; những vấn đề vướng mắc, khó khăn cần tháo gỡ, trên tinh thần vướng ở đâu gỡ ở đó, xác định rõ ai giải quyết, bao giờ hoàn thành, kết quả là gì, tránh tình trạng trả lời "lòng vòng".
Thủ tướng đánh giá phát triển điện hạt nhân, xây dựng nhà máy điện hạt nhân là vấn đề lớn, đại sự quốc gia, vấn đề khó, nhạy cảm nên cần có sự tập trung, đầu tư công sức, trí tuệ tương xứng, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và cần thiết thành lập Tổ công tác, tổ giúp việc chuyên trách giúp Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng nhấn mạnh phát triển điện hạt nhân là vấn đề đại sự quốc gia (Ảnh: Đoàn Bắc).
Theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, kế hoạch phải xác định rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, xây dựng kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm, từng mốc thời gian phải hoàn thành những công việc cụ thể, từ đó bám sát lộ trình, hàng tháng họp kiểm điểm từng nhiệm vụ để việc triển khai bảo đảm tiến độ, hiệu quả.
Tại Hội nghị Trung ương hôm 25/11/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cơ bản thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.
Việc này nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ và phát triển bền vững đất nước.
Trung ương giao Bộ Chính trị chỉ đạo các cơ quan, địa phương có liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh đây là công việc quan trọng để phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Công việc này cần được thực hiện khẩn trương, đáp ứng yêu cầu cao nhất về đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường.
Trình nội dung này tại kỳ họp Quốc hội thứ 8 vừa qua, Chính phủ nhận định việc phát triển nguồn điện hạt nhân ở Việt Nam mang lại nhiều tác dụng, giúp đa dạng hóa nguồn cung cấp điện, bảo đảm an ninh năng lượng. Đây cũng là giải pháp đáp ứng được nhiệm vụ kép: vừa cung cấp điện nền, vừa đảm bảo môi trường.
Một trong những mục tiêu Chính phủ đặt ra là phát triển điện hạt nhân bảo đảm an toàn ở mức cao nhất, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường; gắn với phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng quốc gia.
Kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ cho biết sẽ xây dựng quy hoạch, chiến lược phát triển điện hạt nhân; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân và nghiên cứu khả năng nội địa hóa công nghệ điện hạt nhân...
Dantri.com.vn
Bình luận (0)