Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn trân trọng, lắng nghe và đề nghị các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam tiếp tục tư vấn chính sách, hỗ trợ hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị quốc gia.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam và đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam. (Nguồn: VGP) |
Chiều 24/10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và Trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc tại Việt Nam, nhân kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Liên hợp quốc (24/10).
Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Điều phối viên thường trú, các vị Trưởng đại diện các tổ chức Liên hợp quốc và cán bộ, nhân viên Liên hợp quốc tại Việt Nam, đồng thời gửi lời chúc mừng tới Tổng thư ký, các lãnh đạo và nhân viên của Liên hợp quốc nhân dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Liên hợp quốc.
Ôn lại quá trình khôi phục và hàn gắn vết thương chiến tranh, gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; thực hiện chính sách quốc phòng “bốn không”.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam kiên trì và ủng hộ mạnh mẽ chủ nghĩa đa phương với Liên hợp quốc đóng vai trò trung tâm, những giải pháp toàn cầu, toàn dân, toàn diện, tổng thể, thúc đẩy đối thoại và hợp tác, đề cao đoàn kết quốc tế, tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, đặt người dân ở vị trí trung tâm; sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp chủ động, tích cực hơn vào công việc chung của Liên hợp quốc và giải quyết các vấn đề lớn của thế giới, vì lợi ích hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển bền vững trên thế giới.
Theo Thủ tướng, tầm nhìn của Liên hợp quốc như nêu tại Hiến chương hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam; khẳng định đối với Việt Nam, Liên hợp quốc là người bạn tin cậy, gắn bó lâu dài; Việt Nam luôn ghi nhớ sự hỗ trợ quý báu của Liên hợp quốc trong hơn bốn thập kỷ qua và nỗ lực đóng góp vào các hoạt động của Liên hợp quốc.
Gần đây nhất, Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vị trí Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, gia tăng đóng góp lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Để góp phần bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu, Việt Nam có thể xuất khẩu khoảng 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023, đồng thời tích cực đóng góp cho việc triển khai sáng kiến của Tổng thư ký Liên hợp quốc về chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Điều phối viên thường trú, Trưởng đại diện các tổ chức Liên hợp quốc đã trao đổi một số trọng tâm cụ thể trong hợp tác giữa Việt Nam với hệ thống phát triển Liên hợp quốc trong thời gian tới, đặc biệt là trong hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long, triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. (Nguồn: VGP) |
Thủ tướng cho biết, Việt Nam nỗ lực thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở phát huy tinh thần tự lực, tự cường cùng sự hỗ trợ của quốc tế, trong đó có Liên hợp quốc. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn trân trọng, lắng nghe và đề nghị các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam tiếp tục tư vấn chính sách, hỗ trợ hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực quản trị quốc gia.
Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy và tạo điều kiện tốt nhất có thể để triển khai hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác của Liên hợp quốc dành cho Việt Nam; đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp rà soát, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình, dự án theo hướng đổi mới, đơn giản hóa thủ tục, hài hòa giữa quy định, kế hoạch của các bên nhưng vẫn đảm bảo được vai trò, định hướng sử dụng viện trợ, tập trung nguồn lực vào những dự án trọng tâm, trọng điểm giúp xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, tránh manh mún, dàn trải, hài hòa lợi ích giữa các bên.
Thủ tướng đề nghị phía Liên hợp quốc chia sẻ với những khó khăn, thách thức trong điều kiện Việt Nam là một nước trải qua nhiều năm chiến tranh, cấm vận, đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi.
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc và Trưởng đại diện các tổ chức của Liên hợp quốc đều ghi nhận, đánh giá rất cao sự chủ động, năng động, đóng góp tích cực của Việt Nam tại Liên hợp quốc và với các công việc chung của cộng đồng quốc tế, nhất là trong góp phần bảo đảm an ninh lương thực, giữ gìn hòa bình…
Các ý kiến cũng đánh giá cao các định hướng, cam kết, nỗ lực, thành tựu phát triển của Việt Nam trong hơn 35 năm đổi mới và thời gian qua, nhất là trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, phòng chống Covid-19, khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội sau đại dịch, phòng, chống HIV/AIDS, phổ cập và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, đào tạo nhân lực, bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ, của người lao động, bảo vệ môi trường và bảo tồn các di sản, phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia…
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu. (Nguồn: VGP) |
Các đại biểu nêu một số khuyến nghị, đề xuất các định hướng hợp tác và khẳng định cam kết hợp tác mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa với Việt Nam.
Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc Pauline Tamesis cho biết Liên hợp quốc rất tự hào được đồng hành cùng Việt Nam trong suốt hành trình từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá, bị bao vây, cấm vận và bị đe dọa bởi nạn đói trở thành một quốc gia bảo đảm an ninh lương thực cho người dân, đạt nhiều thành tựu giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế nhanh và hiện nay đang khẳng định vị trí, vai trò trong khu vực và trên toàn cầu, trong đó có việc đảm nhận vai trò thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, một trong những nước đóng góp hàng đầu cho các hoạt động giữ gìn hòa bình.
Bà khẳng định Liên hợp quốc đánh giá cao quan điểm của Việt Nam đề cao chủ nghĩa đa phương, đây là minh chứng cho cam kết chung với hòa bình, phát triển, lấy con người làm trung tâm, hạnh phúc, thịnh vượng, hợp tác – những trụ cột của chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Những nỗ lực của Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng đều nhằm đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
Thủ tướng bày tỏ cảm ơn, trân trọng các khuyến nghị tại cuộc gặp và giao các bộ ngành nghiên cứu, tiếp thu các khuyến nghị này trong xây dựng, thực thi chính sách thời gian tới.