Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu có vướng mắc phải chỉ rõ vướng mắc gì, ở đâu, ai giải quyết, giải quyết trong bao lâu; phải chỉ rõ ai chịu trách nhiệm nếu triển khai các công việc chậm trễ.
Chiều 6-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, chủ trì họp phiên thứ 15 của Ban Chỉ đạo.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, cố gắng, chủ động khắc phục các khó khăn để triển khai công việc, đa số các dự án đang được triển khai bám sát kế hoạch đề ra.
Mục tiêu hoàn thành ít nhất 3.000km cao tốc
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp lần thứ 14, các địa phương đã tích cực triển khai công tác giải phóng mặt bằng và có sự chuyển biến đáng kể, phần diện tích bàn giao tăng trên 20%.
Tuy nhiên tại một số dự án, tiến độ triển khai còn chậm, do còn có một số khó khăn, vướng mắc như phần diện tích giải phóng mặt bằng còn lại chủ yếu là đất ở, việc triển khai xác định nguồn gốc, phương án đền bù phức tạp nên khối lượng tại một số địa phương còn rất lớn, chưa đáp ứng yêu cầu…
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì vậy cần đạt mục tiêu hoàn thành ít nhất 3.000km cao tốc, thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau, đây cũng là mục tiêu có tính chất pháp lệnh, đã được đưa vào nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Trong triển khai dự án, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tiến độ, chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, vệ sinh môi trường. Đặc biệt không lấy đấu thầu làm nơi trú ẩn an toàn cho “quân xanh, quân đỏ”.
“Khi kiểm tra, thanh tra thì đấu thầu rất hoành tráng, mất rất nhiều thời gian nhưng vẫn sai phạm, vẫn phải kỷ luật, xử lý cán bộ và dự án vẫn kéo dài, đội vốn” – Thủ tướng nêu.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu có vướng mắc phải chỉ rõ vướng mắc gì, ở đâu, ai giải quyết, giải quyết trong bao lâu; phải chỉ rõ ai chịu trách nhiệm nếu triển khai các công việc chậm trễ.
Các địa phương phải huy động sức mạnh tổng lực của cả hệ thống chính trị, các lực lượng và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, giao việc cho các nhà thầu phụ ở địa phương để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp địa phương lớn mạnh.
Chống tham nhũng, tiêu cực
Các chủ đầu tư không được chia nhỏ các gói thầu; phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đấu thầu, chống ngay từ phương pháp, cách làm; những nhà thầu làm tốt thì ưu tiên giao triển khai giai đoạn tiếp theo, công trình, dự án tiếp theo.
Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường vận động người dân để hoàn thành bàn giao mặt bằng các dự án đúng tiến độ yêu cầu; quan tâm bảo đảm đời sống cho người dân. Nhà thầu tăng cường máy móc thiết bị, nhân lực thi công với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua bão gió”.
Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương rà soát các quy định để kịp thời khắc phục các thiếu sót trong thủ tục đầu tư, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, chống tham ô và đặc biệt là thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí.
Các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Nai hoàn thành thủ tục cấp mỏ, nâng công suất các mỏ; tỉnh Lâm Đồng khẩn trương hoàn thành phê duyệt dự án Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương; UBND TP.HCM khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ khai thác đường sắt đô thị Bến Thành – Suối Tiên.
Với dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hạ tầng kết nối, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao sau khi Thủ tướng đi thực tế công trường ngày 3-12 vừa qua.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thu-tuong-quyet-tam-thong-tuyen-cao-toc-tu-cao-bang-toi-ca-mau-20241206211913918.htm