Lễ khởi công được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp kết nối trực tuyến giữa 7 điểm cầu: Hoài Đức, Thanh Oai, Sóc Sơn, Thường Tín, Bắc Ninh, Hưng Yên, Đồng Tháp.

Dự lễ khởi công dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô ở điểm cầu Hoài Đức có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Đinh Tiến Dũng và lãnh đạo Thành phố Hà Nội. Cùng dự Lễ khởi công hai dự án quan trọng này tại các điểm cầu còn có lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo TP Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Đồng Tháp và đại diện nhân dân các địa phương…

Về phía lãnh đạo Bộ Quốc phòng có Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội.

Trong đó, tại điểm cầu Sóc Sơn có sự tham dự của đại diện Binh đoàn 12 – là một trong những nhà thầu thi công dự án.

Tiết mục văn nghệ chào mừng lễ khởi công. 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham dự Lễ khởi công Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội và cao tốc Cao Lãnh – An Hữu giai đoạn 1 tỉnh Đồng Tháp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tại điểm cầu Hoài Đức.

Thượng tướng Vũ Hải Sản, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dự lễ khai mạc. 
Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (giữa); Trung tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội dự lễ khai mạc.

* Dự Lễ khởi công tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong; đồng chí Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cùng đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố: An Giang, Cần Thơ, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long và đông đảo bà con nhân dân trong Vùng dự án.

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cùng đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương tham dự Lễ khởi công cao tốc Cao Lãnh – An Hữu. 

Phát biểu tại Lễ khởi công, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong quá trình phối hợp triển khai thực hiện, bằng sự quyết tâm, khẩn trương của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương, công tác chuẩn bị đầu tư Dự án thành phần 1 đã hoàn thành đúng kế hoạch đề ra. “Tôi cũng mong nhận được sự hỗ trợ hết mình từ cơ quan chủ đầu tư, các nhà thầu, tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công cùng toàn thể bà con nhân dân trong vùng dự án để chúng ta có được một công trình chất lượng, đúng tiến độ, đưa vào vận hành hiệu quả như tất cả chúng ta hằng mong đợi”, đồng chí Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.

 Sau Lễ khởi công các trang thiết bị, máy móc sẵn sàng thực hiện dự án.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu là công trình có tầm quan trọng đặc biệt nhằm kết nối mạng lưới cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa đến các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, tạo động lực phát triển vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung, Đồng Tháp nói riêng.

Cao tốc Cao Lãnh-An Hữu giai đoạn 1 có tổng chiều dài 27,4km. Điểm đầu giao với tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh thuộc địa phận huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp; điểm cuối giao với tuyến cao tốc Trung ương – Mỹ Thuận thuộc địa phận huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Dự án được chia làm quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc khai thác là 80km/giờ với tổng mức đầu tư khoảng 5.800 tỷ đồng. Dự kiến công trình hoàn thành vào cuối năm 2025.

leftcenterrightdel
 Khởi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh – An Hữu.

Dự cao tốc Cao Lãnh-An Hữu, chia làm 2 thành phần. Trong đó: Dự án thành phần 1: Có chiều dài 16km, từ Km 0 đến Km16+000 nằm toàn bộ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, có tổng mức đầu tư hơn 3.600 tỷ đồng. Dự án thành phần 2, từ Km16+000 đến Km27+430, dài 11,4km nằm trên địa phận tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp với mức đầu tư trên 2.200 tỷ đồng. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 5.800 tỷ đồng. Dự án thành phần 1 có 533 hộ nằm trong vùng dự án với diện tích đất thu hồi trên 101ha. Đến nay, có 513/533 hộ ở 8 xã của huyện Cao Lãnh đã đến nhận tiền bồi thường và giao đất cho dự án, đạt tỷ lệ trên 96%.

Khi hoàn thành, cao tốc Cao Lãnh – An Hữu sẽ kết nối với cao tốc Bắc-Nam phía Đông theo trục dọc, gồm: TP Hồ Chí Minh – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ – Cà Mau. Ở phía Tây, sẽ nối vào cao tốc Bắc-Nam đang hình thành, gồm: đường Hồ Chí Minh – Mỹ An – Cao Lãnh – Lộ Tẻ – Rạch Sỏi.

Đại diện nhà thầu trao tặng 16 căn nhà cho bà con có nơi ở ổn định, vươn lên thoát nghèo. 

Để hỗ trợ cho các hộ nghèo, khó khăn về nhà ở nơi có đường cao tốc đi qua, tại Lễ khởi công, đại diện nhà thầu Liên doanh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C-Công ty TNHH Một thành viên Cơ khí và Xây dựng Thiên An – Công ty TNHH Đầu tư xây dựng DACINCO trao tặng 16 căn nhà cho bà con có nơi ở ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Báo Quân đội nhân dân Điện tử sẽ tiếp tục cập nhật.

THANH HƯƠNG – PHÚ SƠN – THÚY AN