Sáng 25/6, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội giai đoạn 1 được khởi công tại ba địa phương Hà Nội, Bắc Ninh và Hưng Yên.
Tại Hà Nội, 4 điểm khởi công gồm vị trí giao cắt giữa vành đai 4 với quốc lộ 2, thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; giao cắt với đường gom đại lộ Thăng Long, thuộc xã Song Phương, huyện Hoài Đức; giao trục phía nam tại Km45+700, thuộc xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai và nút giao với quốc lộ 1A cũ tại Km52+600, thuộc xã Văn Bình, huyện Thường Tín.
Tỉnh Bắc Ninh tổ chức khởi công tại lý trình Km35+200 thuộc đoạn tuyến nối cao tốc Nội Bài – Hạ Long, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh.
Tỉnh Hưng Yên chọn huyện Văn Giang làm điểm khởi công cho dự án vành đại 4 đi qua tỉnh.
Tại điểm cầu chính ở xã Song Phượng (huyện Hoài Đức, Hà Nội), tới dự Lễ khởi công có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Chủ nhiệm – Bộ trưởng VPCP Trần Văn Sơn.
Tại điểm cầu Thanh Oai, ông Bùi Văn Sáng – Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, chính quyền và người dân huyện Thanh Oai rất háo hức, mong chờ sự kiện khởi công đường Vành đai 4.
Dự án không chỉ giúp giao thông thuận tiện mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương nói riêng và kinh tế cả nước nói chung.
Theo ông Sáng, ngay từ khi có chủ trương triển khai dự án đường Vành đai 4, người dân trên địa bàn huyện Thanh Oai đã rất ủng hộ và đồng thuận nên công tác giải phóng mặt bằng không gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, dự án được thành phố quan tâm nên công tác chuẩn bị khởi công dự án rất thuận lợi.
“Hiện nay, công tác GPMB dự án Vành đai 4 trên địa bàn đã đạt được khoảng 80% với sự đồng thuận và ủng hộ của người dân”, ông Sáng nói.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 7 dự án thành phần (3 dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; 3 dự án đầu tư xây dựng đường song hành (đường đô thị) theo hình thức đầu tư công và 1 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Tổng chiều dài dự án khoảng gần 113 km. Trong đó, đoạn tuyến trên địa bàn TP. Hà Nội khoảng 58,2 km; Đoạn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên khoảng 19,3 km; Đoạn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh khoảng 35,3 km.
Dự án được đầu tư phân kỳ đường cao tốc với quy mô 4/6 làn xe, hạn chế tốc độ 80 km/h với bề rộng 17 m. Đầu tư phân kỳ đường song hành (không liên tục) với quy mô mỗi bên có bề rộng 12 m. Tổng mức đầu tư dự án hơn 85,8 nghìn tỷ đồng.
Theo kế hoạch, dự án sẽ cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
PHẠM DUY
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo