TP.HCM đang xây dựng chiến lược phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) dọc các tuyến metro và đường Vành đai 2, 3. Việc này không chỉ giảm áp lực giao thông, còn đặt nền móng xây dựng môi trường sống hiện đại, tiện lợi.
9 vị trí phát triển TOD
Mô hình TOD đang là giải pháp tối ưu mà các thành phố lớn trên thế giới đã áp dụng thành công. TOD không chỉ giúp giảm thời gian di chuyển mà còn tạo ra các khu vực đô thị kết nối hiệu quả giữa nơi ở, nơi làm việc và giải trí.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, giai đoạn 2024-2025, TP.HCM dự kiến phát triển TOD tại 9 vị trí. Trong đó, metro số 1 sẽ phát triển TOD quanh ga Phước Long (khu Trường Thọ, TP Thủ Đức), với diện tích hơn 160ha. Tại metro số 2, 3 sẽ thực hiện TOD ở các vị trí Tây Thạnh, Trung tâm Triển lãm Tân Bình, khu C30 gần ga Lê Thị Riêng…
Với đường Vành đai 3, có 5 vị trí phát triển TOD, gồm: Khu đất Nông trường Dừa và khu đất Long Bình ở TP Thủ Đức; khu Tân Hiệp, khu số 6 Xuân Thới Thượng và khu Xuân Thới Sơn, thuộc huyện Hóc Môn.
Tổng diện tích các TOD này rộng trên 1.000ha và mỗi điểm đô thị gần như một đô thị vệ tinh thu nhỏ của các khu vực trung tâm.
Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, mô hình này không chỉ giúp giảm xe cá nhân, giảm ùn tắc giao thông mà còn khuyến khích lối sống thân thiện, giúp các khu vực xung quanh trạm metro gia tăng giá trị, là địa điểm thuận lợi để phát triển dịch vụ, thương mại.
Ông Sơn cho rằng, trước mắt TP.HCM cần tập trung làm tốt ở tuyến metro số 1. Để metro phát huy hiệu quả, TP cần giải quyết thách thức từ việc tổ chức xe buýt kết nối, xây dựng bãi đỗ xe phù hợp, cho đến phát triển đô thị dọc tuyến.
Quan trọng hơn, cần thời gian và chiến lược để thay đổi thói quen di chuyển của người dân, khuyến khích họ chuyển sang đi metro và chịu khó đi bộ ở chặng ngắn.
Ba mô hình dự kiến
TP.HCM đưa ra ba mô hình triển khai TOD dọc các tuyến metro, vành đai. Thứ nhất, mô hình TOD tại vùng lõi nhà ga (trong phạm vi bán kính từ 400 – 500m).
Mô hình này sẽ phát triển đô thị mật độ cao tối ưu; đất sử dụng hỗn hợp, đa chức năng, thương mại – dịch vụ kết hợp ở; đi bộ là hình thức đi lại chủ yếu trong khu vực TOD; giao thông đối ngoại chủ yếu bằng đường sắt đô thị.
Thứ hai, mô hình TOD tại vùng chuyển tiếp nhà ga (ngoài phạm vi bán kính 400 – 500m và thuộc bán kính 800 – 1.000m), phát triển đô thị mật độ cao; sử dụng đất hỗn hợp với nhà ở và công trình dịch vụ xã hội; giao thông nội khu chủ yếu đi bộ và xe đạp; kết nối giao thông với nhà ga bằng xe buýt hoặc xe cá nhân nhẹ (xe đạp, xe điện…); giao thông đối ngoại chủ yếu vẫn là đường sắt đô thị.
Cuối cùng, mô hình đô thị tập trung tại vùng phụ cận các nút giao thông của đường Vành đai 3. Mô hình này phát triển theo hướng hình thành các khu dân cư tập trung, khu chức năng đô thị, các khu công nghiệp, logistics…
Trong đó, phát triển đô thị trung – cao tầng quanh lõi trung tâm, sử dụng đất hỗn hợp khu ở và dịch vụ xã hội; giao thông nội khu chủ yếu xe đạp, xe điện; giao thông đối ngoại chủ yếu kết nối đường nhánh và giao thông công cộng.
Đủ năng lực triển khai
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM nhận định, TP.HCM hoàn toàn có thể triển khai mô hình TOD bởi năng lực quy hoạch và công nghệ xây dựng đều trong tầm tay.
Trong ba mô hình TOD nêu trên, ông Nguyên cho rằng các phương án 2 và 3 sẽ phù hợp hơn. Không chỉ chú trọng đến kết nối hạ tầng giao thông, các khu vực TOD cần được thiết kế toàn diện, bao gồm hệ thống giao thông nội khu, bãi đỗ xe, không gian công cộng và các dịch vụ phụ trợ.
Các khu vực này cần được tích hợp hài hòa với các chức năng đô thị như nhà ở, thương mại, dịch vụ, và tiện ích xã hội để không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại mà còn nâng cao chất lượng sống cho cư dân.
“Metro giống như một dòng sông, các dự án TOD như nhánh sông, nước chảy đến đâu sẽ khiến nơi đó màu mỡ, phát triển mạnh mẽ hơn. Do đó, việc tận dụng hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường Vành đai 3 và các tuyến metro để phát triển đô thị là rất cần thiết”, ông Nguyên nói.
Ông Nguyên cũng cho rằng, nếu các khu vực TOD được xây dựng hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế rõ rệt. Đầu tiên, giá trị bất động sản xung quanh các nhà ga metro sẽ tăng mạnh nhờ vào kết nối giao thông thuận tiện và môi trường sống chất lượng.
TOD sẽ thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ và tạo ra cơ hội việc làm. Việc giảm phụ thuộc vào phương tiện cá nhân và khuyến khích sử dụng giao thông công cộng sẽ giảm ùn tắc giao thông, tiết kiệm chi phí vận chuyển và giảm ô nhiễm, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cho cả thành phố và doanh nghiệp.
Mô hình TOD còn thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ như xây dựng, vật liệu, điện, nước, y tế và giáo dục. Đồng thời, các khu vực ngoại ô cũng được phát triển nhờ kết nối giao thông tốt, tạo ra các cơ hội kinh tế mới.
Việc giảm ùn tắc và ô nhiễm còn giúp giảm chi phí xã hội liên quan đến tai nạn giao thông và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Cuối cùng, môi trường sống và làm việc thuận tiện ở các khu TOD sẽ thu hút nguồn lao động tài năng, tạo nền tảng cho sự phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo và công nghệ cao. TOD không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp mà còn tạo dựng một đô thị bền vững, năng động và chất lượng.
Về tiến độ triển khai, trong quý IV/2024 và quý I/2025, TP.HCM giao các đơn vị xác định cụ thể ranh giới, tình trạng pháp lý quy hoạch, đất đai, các chức năng phát triển đô thị của từng khu vực.
Từ quý I đến quý III/2025 tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch; quý III, IV/2024 thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư. Trong năm 2025 sẽ ban hành quyết định phê duyệt dự án.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/tphcm-dot-pha-voi-tod-doc-metro-duong-vanh-dai-192241202234039213.htm