Thủ tướng Campuchia Hun Manet cho biết, đây là lần đầu tiên ông phát biểu trước sinh viên tại nước ngoài và “là một bước ngoặt mới trong công việc bởi khi còn là sinh viên tôi được lắng nghe nhưng hôm nay tôi phát biểu”.
Sáng 12/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã đến thăm, giao lưu với sinh viên, giảng viên Trường Đại học Ngoại thương.
Hai Thủ tướng ấn tượng trước hình ảnh sinh viên với nụ cười rạng rỡ, xếp thành hàng tay cầm cờ Việt Nam, Campuchia chào đón 2 Thủ tướng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ông cảm nhận được sức trẻ, sự nhiệt huyết, tinh thần cống hiến, cũng như được tiếp thêm nguồn cảm hứng mạnh mẽ và tươi trẻ từ sinh viên, “cảm giác như được sống lại một thời sinh viên sôi động và nhiệt huyết của mình”.
Hai Thủ tướng xúc động khi nhận được sự đón tiếp ấm áp, tươi vui từ sinh viên Trường Đại học Ngoại thương.
Nói về quan hệ Việt Nam-Campuchia, Thủ tướng nêu: “Cùng uống chung dòng nước sông Mekong, Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi và có mối quan hệ truyền thống, gắn bó từ lâu đời. Hai dân tộc đã đoàn kết, chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn và hoạn nạn, cùng nhau vượt qua nhiều thăng trầm của lịch sử”.
Thủ tướng điểm lại lịch sử 2 nước và khẳng định chân lý “phải đoàn kết, thống nhất”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại lời chia sẻ với Thủ tướng Campuchia Hun Manet trong cuộc trao đổi ngày 11/12 rằng: “Chúng ta có không yêu quý nhau, không đoàn kết thì cũng chẳng chuyển đi đâu được. Cho nên cuối cùng là phải đoàn kết, phải thương yêu, quý trọng nhau và cùng nhau phát triển, cùng nhau cùng thắng. Đấy là quy luật khách quan”.
Người đứng đầu Chính phủ nhắn nhủ với thế hệ trẻ với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cần mãi khắc ghi và biết ơn sâu sắc công lao to lớn của thế hệ lãnh đạo, nhân dân 2 nước, đặc biệt là sự hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ Việt Nam và Campuchia.
Trên nền tảng đặc biệt và vững chắc, quan hệ Việt Nam và Campuchia liên tục phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Trong giáo dục, Thủ tướng cho biết, khoảng 3.000 sinh viên Campuchia đang theo học tại Việt Nam “là những nhịp cầu nối, chất keo” quan hệ 2 nước.
Thủ tướng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Campuchia luôn tin tưởng chọn Việt Nam là một trong những điểm đến, đối tác hàng đầu trong công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Campuchia.
Thủ tướng đề nghị sinh viên Việt Nam và Campuchia nỗ lực học tập, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, cùng vun đắp những tình bạn tốt đẹp.
Thủ tướng Campuchia tự hào về hợp tác 2 nước
Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Hun Manet vui mừng khi phát biểu trước sinh viên, giảng viên Việt Nam về chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ Hoàng gia Campuchia và sự hợp tác Campuchia-Việt Nam.
Ông cho biết, đây là lần đầu tiên ông phát biểu trước sinh viên tại nước ngoài và “là một bước ngoặt mới trong công việc bởi khi còn là sinh viên tôi được lắng nghe nhưng hôm nay tôi phát biểu”.
Thủ tướng Hun Manet nhất trí với chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính trước đó về quan hệ 2 nước. Về địa lý, Campuchia và Việt Nam có quan hệ rất gần gũi, 2 nước không thể tách xa ra nhau, đó là tính lịch sử.
Nhìn lại lịch sử, 2 nước có sự đan xen và ủng hộ lẫn nhau, Campuchia giúp Việt Nam trong quá trình đấu tranh giành độc lập, trong khi đó Việt Nam cũng giúp đỡ Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng, khắc phục và xây dựng lại đất nước.
Thủ tướng Hun Manet: Việt Nam là điểm nối và cửa ra quan trọng.
Thủ tướng Hun Manet cho rằng nói về lịch sử để thấy được cơ sở quan hệ 2 nước hiện nay cũng như trong tương lai. “Những gì 2 nước chúng ta củng cố ngày hôm nay, đến 20 năm sau, 30 năm sau và tương lai vẫn tiếp tục là lịch sử của 2 dân tộc”, ông chia sẻ.
Ông Hun Manet nhấn mạnh, quan hệ Campuchia-Việt Nam đặc biệt quan hệ Campuchia-Việt Nam-Lào luôn mang ý nghĩa lịch sử, đây là yếu tố và cơ sở vững chắc cho sự đoàn kết “bởi nếu 3 nước tách rời thì chúng ta sẽ rất yếu, nhưng khi đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau tất cả công việc sẽ phục vụ vì lợi ích của nhân dân 3 nước.
Thủ tướng Hun Manet chia sẻ, Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ 7 mới thành lập chỉ hơn 100 ngày, với nhiều Bộ trưởng còn trẻ kế thừa từ các nhiệm kỳ trước sẽ tiếp tục vun đắp và phát huy hơn nữa mối quan hệ 2 nước đã có sẵn.
Ông cho biết, tại Campuchia cũng có một số sinh viên Việt Nam theo học, việc kết nối giáo dục của 2 nước có ý nghĩa quan trọng. Nhấn mạnh vai trò giáo dục, ông cho rằng “nếu không có sức khỏe, không có kiến thức, không có năng lực thì đất nước sẽ không thể phát triển được”. Hai nước đều chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, lấy con người là trung tâm.
Thủ tướng Campuchia tự hào về quan hệ tốt đẹp, gần gũi giữa lãnh đạo và nhân dân 2 nước. Trong bài phát biểu, Thủ tướng Hun Manet đã giới thiệu về chính sách phát triển kinh tế của Campuchia và tiềm năng quan hệ hợp tác kinh tế Campuchia-Việt Nam.
Hai Thủ tướng tại Trường Đại học Ngoại thương.
Việt Nam là đối tác thương mại rất quan trọng của Campuchia, số liệu kim ngạch thương mại là minh chứng về sự hợp tác này. Theo Thủ tướng Campuchia, trong đại dịch Covid 19 thương mại 2 nước vẫn tiếp tục tăng, tăng trưởng hàng năm trung bình là 25% (2017-2022).
Về đầu tư, Việt Nam đã đầu tư trong nhiều lĩnh vực, góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm và sự phát triển chung của Campuchia. Đến năm 2023, tổng số vốn dự án đầu tư của Việt Nam Campuchia đã lên đến 22,6 tỷ USD.
Ông Hun Manet cũng vui mừng về giao lưu nhân dân 2 nước, đặc biệt trong du lịch, khách du lịch Việt Nam vào Campuchia đứng thứ 2.
“Việt Nam đang có nhiều lựa chọn để phát triển trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều chuyển đổi. Campuchia luôn coi Việt Nam là điểm nối, cửa ra hết sức quan trọng cho việc phát triển thương mại quốc tế và cũng như kết nối ngày càng mạnh mẽ trong chuỗi giá trị toàn cầu”, Thủ tướng Campuchia nhận định.