Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ, trao đổi với doanh nghiệp để thảo luận, thống nhất cam kết triển khai các nhiệm vụ cụ thể, đồng thời tích cực tham gia thực hiện các dự án trọng điểm, góp phần thúc đẩy sự phát triển của đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các doanh nghiệp - Ảnh: ĐOÀN BẮC
Kết luận hội nghị Thường trực Chính phủ ngày 10-2 về thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Xây dựng thể chế thông thoáng cho doanh nghiệp
Kinh tế tư nhân hiện đóng góp gần 45% GDP, hơn 40% vốn đầu tư toàn xã hội, tạo việc làm cho 85% lao động cả nước, chiếm 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Sắp tới, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, các cơ quan sẽ xây dựng đề án phát triển doanh nghiệp dân tộc đóng vai trò dẫn dắt và đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là giai đoạn tăng tốc, bứt phá để đạt tăng trưởng tối thiểu 8%, tạo đà cho tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo. Đây cũng là năm tập trung sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh đột phá khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Vì vậy, Thủ tướng kỳ vọng doanh nghiệp, doanh nhân tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đóng góp hiệu quả vào ba đột phá chiến lược: thể chế, hạ tầng, nhân lực; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh và tích cực tham gia đảm bảo an sinh xã hội...
Trước những băn khoăn, kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng cam kết rà soát, hoàn thiện thể chế theo hướng thông thoáng, xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời xóa bỏ cơ chế xin - cho, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí tuân thủ.
Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng với chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, hiệu quả. Phát triển hạ tầng chiến lược, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí logistics và đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Nhiều hiến kế của doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu bộ ngành cam kết rõ
Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã hiến kế và đề xuất với Thủ tướng về việc tham gia các dự án lớn của đất nước. Chủ tịch THACO Trần Bá Dương mong muốn sản xuất toa tàu cho đường sắt đô thị, trong khi Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long cam kết đầu tư 10.000 tỉ đồng xây dựng nhà máy sản xuất ray và cung cấp thép chế tạo cho các dự án đường sắt.
Chủ tịch KN Holdings Lê Văn Kiểm đề xuất đầu tư hệ thống pin tích trữ và kêu gọi sớm thông qua cơ chế mua bán điện trực tiếp, cải cách hành chính. Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải Nguyễn Viết Hải kiến nghị hoàn thiện cơ chế, pháp lý để yên tâm đầu tư hạ tầng và bảo hành dự án trong 10 năm.
Cùng đó, chủ tịch Tập đoàn BRG, bà Lê Thị Nga, cam kết xây dựng thành phố thông minh tại phía Bắc Hà Nội, hướng đến mô hình trung hòa carbon đầu tiên trên thế giới, giúp giảm 50% chi phí năng lượng cho các hộ gia đình. Bà kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ về tiền thuê đất, thuế phí và đề xuất một chương trình quốc gia về đổi mới sáng tạo.
Trong khi đó, nhằm triển khai hiệu quả nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về khoa học và đổi mới sáng tạo, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC, ông Nguyễn Trung Chính, đề xuất Nhà nước sớm hoàn thiện thể chế, hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi cho các dự án đầu tư từ 700 triệu USD đến 1 tỉ USD, đồng thời gắn liền với đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Chủ tịch điều hành Tập đoàn T&T Group, ông Đỗ Quang Hiển, chia sẻ về việc hợp tác đầu tư trong lĩnh vực hàng không, bao gồm sân bay, đô thị sân bay và tổ hợp hàng không, với việc nắm giữ 75% cổ phần Vietravel Airlines và làm việc với Boeing. Ông cũng kiến nghị đầu tư vào hạ tầng đường vành đai 4, giải quyết vướng mắc trong đàm phán giá điện và đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng, nhấn mạnh việc cần tháo gỡ bất cập về thể chế để xử lý dứt điểm các dự án đình trệ, tránh lãng phí. Đồng thời, ông đề xuất xác định rõ giá trị mà doanh nghiệp tư nhân đóng góp thông qua các dự án PPP, cũng như tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ, trở thành doanh nghiệp dân tộc.
Trả lời các kiến nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để thảo luận, cam kết triển khai các nhiệm vụ, dự án lớn của đất nước.
Cụ thể, trong dự án đường sắt tốc độ cao, Bộ Giao thông vận tải cần có cam kết với Hòa Phát về cung cấp đường ray, với THACO về toa tàu, với Đèo Cả, Xuân Trường về đào hầm, làm đường... Thủ tướng nhấn mạnh mọi hợp tác phải đảm bảo lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời loại bỏ tiêu cực, tham nhũng.
Thủ tướng cũng kêu gọi doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh đúng pháp luật, tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng văn hóa kinh doanh mang đậm bản sắc dân tộc.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thu-tuong-giao-cac-bo-ban-thao-cam-ket-cung-doanh-nghiep-tu-nhan-lam-cac-du-an-lon-20250210140723511.htm
Bình luận (0)