(CLO) Sau khi liên minh ba đảng trong chính quyền của Thủ tướng Đức Olaf Scholz tan rã trong tuần này, ông đã tuyên bố vào thứ Sáu (8/11) rằng ông sẵn sàng thảo luận về việc tổ chức bầu cử sớm.
Đối mặt với áp lực từ các đảng đối lập, ông Scholz gợi ý về khả năng tổ chức bầu cử vào tháng 3, tức sớm hơn nửa năm so với lịch trình ban đầu, nhưng phe đối lập yêu cầu bầu cử ngay từ tháng 1 để khôi phục ổn định chính trị.
Cuộc khủng hoảng chính trị của Đức diễn ra hôm thứ Tư, đúng lúc ông Donald Trump thắng cử Tổng thống Mỹ với các tác động chưa rõ ràng đối với thương mại xuyên Đại Tây Dương và các cuộc chiến ở Ukraine và Trung Đông. Tình trạng này khiến hai phần ba cử tri Đức kêu gọi thành lập chính phủ mới nhanh chóng, đặc biệt khi nền kinh tế Đức đang đối mặt với nhiều khó khăn và biến động địa chính trị.
Thái độ cứng rắn từ phe đối lập
Phe đối lập đe dọa sẽ chặn mọi dự luật của chính quyền liên bang của ông Scholz, nếu ông không nhanh chóng tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm để mở đường cho một cuộc bầu cử sớm. Tuy nhiên, ông Scholz yêu cầu các phe đối lập, đặc biệt là phe bảo thủ CDU/CSU, trước hết hỗ trợ thông qua các dự luật quan trọng.
Ông phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh EU ở Budapest rằng cần có một “cuộc tranh luận bình tĩnh” trong Quốc hội Đức về những dự luật nào có thể thông qua trong năm nay. Điều này, theo ông, có thể giúp xác định thời điểm thích hợp để tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm.
Ông Scholz cũng nhấn mạnh rằng “ngày bầu cử không phải là một quyết định thuần túy chính trị”, mà cần đủ thời gian để tổ chức một cuộc bầu cử công bằng và dân chủ.
Phe đối lập bảo thủ dường như đã bác bỏ đề xuất của ông Scholz ngay lập tức. “Trước tiên là bỏ phiếu tín nhiệm, sau đó chúng ta có thể bàn về các vấn đề”, nghị sĩ bảo thủ Alexander Dobrindt nói với tờ Rheinische Post. Tờ báo Bild kêu gọi Scholz “dọn đường” cho một chính phủ mới.
Marion Horn, biên tập viên của tờ Bild, viết rằng: “Ông Scholz, ông đã thử và thất bại. Hãy để cử tri tái giao quyền lực… nhanh nhất có thể”. Theo khảo sát của đài ARD, khoảng 65% cử tri Đức đồng tình, trong khi chỉ 33% ủng hộ thời gian biểu chậm rãi hơn của Scholz.
Cuộc khủng hoảng nội bộ trong liên minh của Scholz, chủ yếu xoay quanh các vấn đề kinh tế và chính sách tài khóa, đã lên đến đỉnh điểm khi ông sa thải bộ trưởng tài chính Christian Lindner, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (FDP). Điều này đã khiến chính phủ hiện tại chỉ còn gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Scholz và đảng Xanh.
Tuần này, Thủ tướng Scholz còn phải chịu chỉ trích bất ngờ từ tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk – một đồng minh quan trọng vừa giúp ông Trump thắng cử – khi Musk gọi ông là “Narr” (kẻ ngốc) trên mạng xã hội X. Trước câu hỏi về bình luận này, Scholz chỉ trả lời ngắn gọn rằng đó là một lời “không mấy thân thiện” và nhấn mạnh rằng các công ty internet “không phải là cơ quan nhà nước, vì vậy tôi không quan tâm đến điều đó”.
Chiến dịch tranh cử đã bắt đầu
Với việc chính phủ Scholz có thể sẽ kết thúc sớm, các chính trị gia Đức nhanh chóng chuyển sang chế độ vận động bầu cử. Người dẫn đầu trong các cuộc thăm dò hiện là Friedrich Merz, lãnh đạo đảng CDU bảo thủ của cựu Thủ tướng Angela Merkel. Lindner, người đóng vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng, cho biết ông muốn trở lại làm Bộ trưởng Tài chính trong chính quyền tiếp theo – sau khi vừa bị ông Scholz miễn nhiệm.
Trong khi đó, ông Scholz cũng muốn tái tranh cử, nhưng theo cuộc thăm dò của Forsa, ông chỉ nhận được 13% sự ủng hộ, so với 57% dành cho Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius, một nhân vật lâu nay được lòng công chúng.
Phát biểu tại Budapest, ông Scholz cho biết nhiều lãnh đạo châu Âu đã bày tỏ sự đồng cảm với ông về tình cảnh phức tạp trong việc liên kết các đảng. “Nhiều người đã vỗ vai tôi động viên”, ông chia sẻ trong cuộc họp báo. “Nhiều người có kinh nghiệm về chính phủ liên minh và biết rằng điều này sẽ không dễ dàng hơn mà ngày càng khó khăn hơn – không chỉ ở Đức mà còn ở nhiều quốc gia khác”.
Cao Phong (theo CNA, Reuters)
Nguồn: https://www.congluan.vn/thu-tuong-duc-va-phe-doi-lap-tranh-cai-ve-thoi-gian-bau-cu-som-post320659.html