Việc Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng (từ 19-21/5) theo lời mời của nước chủ nhà Nhật Bản cùng những thể hiện của ông tại đây đã nói lên nhiều điều.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng, ngày 20/5 ở Hiroshima, Nhật Bản. (Nguồn: Reuters) |
Cùng hợp tác trước một Trung Quốc đang trỗi dậy
Chỉ vài giờ trước cuộc họp của nhóm Bộ tứ và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước Công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Nhật Bản ngày 20/5, Thủ tướng Modi khẳng định, Ấn Độ ủng hộ việc tôn trọng chủ quyền và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trả lời phỏng vấn tờ Yomiuri Shimbun (Nhật Bản) ở Hiroshima, ông Modi nói: “Ấn Độ nỗ lực bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình đồng thời thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế” khi đề cập các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Đứng trước giới truyền thông tại Thượng đỉnh G7, Thủ tướng Modi còn tìm cách tạo sức hút để các thành viên G7 và nhóm Bộ tứ tập trung vào các hành động của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.
Theo tờ Yomiuri Shimbun, khi Ấn Độ giữ chức Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Thủ tướng Modi phải thực hiện một sứ mệnh ngoại giao quan trọng nhằm đạt được sự hợp tác mạnh mẽ hơn nhiều giữa G20 và G7 để đối phó với một Trung Quốc ngày càng trỗi dậy.
Trong cùng một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí tại Nhật Bản, ông Modi nhấn mạnh, Hội nghị thượng đỉnh G7 và G20 là “nền tảng quan trọng cho hợp tác toàn cầu”.
Nhà lãnh đạo nói: “Với tư cách là Chủ tịch G20, Ấn Độ sẽ đại diện cho các quan điểm và ưu tiên của Nam Bán cầu tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Hiroshima. Việc tăng cường hợp tác giữa G7 và G20 đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, gián đoạn chuỗi cung ứng, phục hồi nền kinh tế, bất ổn năng lượng, chăm sóc sức khỏe, an ninh lương thực, hòa bình và an ninh”.
The Sunday Guardian cho rằng, việc Thủ tướng Modi đề cập sự hợp tác giữa G7 và G20 vì “hòa bình và an ninh” nên được nhìn nhận trong bối cảnh ông có kế hoạch đoàn kết cộng đồng toàn cầu để đối phó với một Trung Quốc trỗi dậy, tác động tới an ninh, hòa bình thế giới.
Các nguồn tin cho biết, Thủ tướng Modi đã đề cập tất cả những điểm này trong cuộc gặp song phương với người đồng cấp Nhật Bản Kishida Fumio ở Hiroshima, đồng thời thảo luận với nhà lãnh đạo Nhật Bản về những thách thức ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Các nhà phân tích coi đây là một động thái ngoại giao được Thủ tướng Modi chuẩn bị nhằm thu hút sự ủng hộ của các quốc gia G7 trước những hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông hay Biển Hoa Đông.
Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp tới tại New Delhi sẽ thể hiện nỗ lực của người đứng đầu chính phủ Nhật Bản nhằm đảm bảo sự phối hợp giữa các nhóm khác nhau để ứng phó với các thách thức an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có Biển Đông.
Ấn Độ – đối tác tiềm năng
Sự hiện diện của Thủ tướng Narendra Modi tại Hiroshima cũng cho thấy G7 rất cần sự hợp tác của Ấn Độ để hiện thực hóa những mục tiêu tương lai của nhóm.
Ấn Độ, với tư cách là Chủ tịch G20 năm nay, đang tự xây dựng mình như một nhà lãnh đạo của các nước Nam bán cầu. Tham dự Hội nghị G7 năm nay, Thủ tướng Ấn Độ Modi đã đưa ra lời kêu gọi hành động 10 điểm, bao gồm tạo ra một hệ thống lương thực toàn diện, tập trung vào những người nông dân dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, củng cố chuỗi cung ứng phân bón toàn cầu bằng cách dỡ bỏ các rào cản chính trị; phát triển các hệ thống chăm sóc sức khỏe linh hoạt, theo đuổi các hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn diện và y học cổ truyền, đồng thời thúc đẩy y tế kỹ thuật số để bảo đảm bảo hiểm y tế toàn cầu…
Hầu hết các nước G7, không chỉ riêng Mỹ và Nhật Bản, đều đang xây dựng chính sách theo hướng gắn kết nhiều hơn với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong vài năm qua, Vương quốc Anh, Pháp và Đức – các thành viên G7 đến từ châu Âu – đã xây dựng các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của riêng họ. Gần đây, Italy cũng thể hiện xu hướng can dự vào khu vực này.
Với việc trung tâm kinh tế và địa chính trị toàn cầu đang chuyển dịch sang Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các nước G7 rất mong muốn được hưởng lợi từ các cơ hội kinh tế mà khu vực này mang lại. Tuy nhiên, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có những thách thức riêng với một Trung Quốc đang mở rộng dấu ấn kinh tế và chiến lược của mình.
Đối với các nước phương Tây, New Delhi đã nổi lên như một đối tác chiến lược lớn, đặc biệt là ở phần Ấn Độ Dương của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.