(MPI) – Chiều ngày 18/10/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tham dự và phát biểu tại Diễn đàn đa phương năm 2024 với chủ đề “Phát triển con người và công nghệ Hướng tới một xã hội bao trùm số tại Việt Nam” (MSF 2024).
Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Samsung Việt Nam tổ chức. Tham dự Diễn đàn có ông Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam; cùng đại diện các tổ chức quốc tế, các nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia từ các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ, các viện nghiên cứu, trường đại học.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Diễn đàn là sự kiện thường niên do Samsung Việt Nam khởi xướng nhằm thúc đẩy hợp tác hành động giải quyết các vấn đề phát triển của Việt Nam. Đồng thời đánh giá cao chủ đề của Diễn đàn tập trung vào việc xây dựng một tương lai số bao trùm cho mọi người dân, đặc biệt là những nhóm người yếu thế và kém may mắn trong xã hội, để đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau” trong bối cảnh chuyển đổi số.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 về phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Một trong những nhiệm vụ của Chiến lược là đảm bảo mục tiêu “Phát triển kỹ năng số, công dân số, văn hóa số theo hướng phổ cập kỹ thuật số toàn diện để hình thành nên một xã hội số công bằng và bao trùm, khơi dậy tiềm năng, sự tự hào Việt Nam và niềm tin của người dân trên không gian số.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp về Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền nhiều cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án để thúc đẩy chuyển đổi số, đảm bảo phát triển bền vững, công bằng.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng giao Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Bộ triển khai những chương trình, dự án cụ thể để nâng cao năng lực số cho lực lượng lao động, cho người dân theo nguyên tắc đào tạo bao trùm số cho cả những người yếu thế, khó tiếp cận công nghệ như đào tạo kỹ năng số cho công nhân thông qua chương trình “Cơ hội mới” cho công nhân, đào tạo kiến thức trí tuệ nhân tạo (AI) căn bản cho người dân…
Thời gian qua, đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân tích cực hành động để xây dựng một tương lai số bao trùm, để công nghệ phục vụ cuộc sống của tất cả mọi người, giúp mỗi cá nhân khai phá tiềm năng và hiện thực hóa ước mơ của mình.
Theo nghiên cứu về nền kinh tế số của Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng (tương đương 74 tỷ đô la Mỹ).
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số: đến năm 2030, sẽ phổ cập kỹ năng số cho mọi tầng lớp trong xã hội, tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70% là một thách thức rất lớn; đặc biệt, đối với đối với những nhóm dễ bị tổn thương.
Bên cạnh đó, để đảm bảo “thu hẹp khoảng cách số” cũng đang là một thách thức rất lớn trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển rất mạnh. Những nhóm người dân dễ bị tổn thương đang đứng trước nguy cơ tụt hậu hơn về kỹ năng số trong đời sống và công việc. Điều đáng lo ngại là vẫn còn một bộ phận lớn trong xã hội chưa được tiếp cận công nghệ số như người già, người khuyết tật, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa hay những người có hoàn cảnh khó khăn vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản trong việc sử dụng công nghệ số.
Do vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, nâng cao năng lực số là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự chung tay của cả xã hội. Bằng việc tạo ra một môi trường học tập thuận lợi, cung cấp các công cụ cần thiết, chúng ta có thể giúp người khuyết tật, công nhân, người dân ở vùng sâu, vùng xa hòa nhập vào xã hội số, được hưởng những lợi ích mà công nghệ số mang lại.
Để làm được điều đó, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương cần khuyến khích các nghiên cứu, các trao đổi để hiểu rõ hơn về nhu cầu và thách thức của nhóm người yếu thế, từ đó tìm ra những giải pháp hiệu quả nhất để hỗ trợ người yếu thế tiếp cận kỹ năng số. Cùng với đó là thiết kế các khóa đào tạo phù hợp về kỹ năng số cho nhóm người yếu thế, giúp họ dễ hơn trong việc học tập và tự tin hơn trong việc tham gia vào thị trường lao động.
Đồng thời, cần khuyến khích các công ty công nghệ, các công ty khởi nghiệp (startup) tạo ra các sản phẩm công nghệ phục vụ cho người khuyết tật và nhóm người yếu thế, như ứng dụng giao tiếp, nền tảng học trực tuyến, hay công cụ hỗ trợ di chuyển. Ngoài ra, cần tạo dựng nhiều mạng lưới kết nối giữa các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và nhóm người yếu thế, để đảm bảo rằng các dịch vụ và sản phẩm công nghệ được phát triển theo nhu cầu thực tế của người yếu thế.
Toàn cảnh Diễn đàn. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Trần Quốc Phương bày tỏ tin tưởng rằng Diễn đàn đa phương 2024 với chủ đề “Phát triển con người và công nghệ: Hướng tới Xã hội hòa nhập Số cho Việt Nam” do Samsung Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phối hợp tổ chức sẽ góp phần mang đến một cái nhìn toàn diện về bao trùm số; thông qua Diễn đàn MSF 2024, các tổ chức, cá nhân sẽ thêm động lực cùng nhau hợp tác để xây dựng một tương lai số bao trùm, hướng tới hỗ trợ những người yếu thế và dễ bị tụt hậu về kỹ năng số trong xã hội.
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá cao và cảm ơn sự đồng hành của Samsung Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững của Việt Nam; cảm ơn các tổ chức, cá nhân thời gian qua đã tham gia các chương trình, hoạt động chuyển đổi số, nâng cao năng lực số cho người dân, doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Mục tiêu của MSF 2024 là thúc đẩy hợp tác đa phương và đổi mới sáng tạo thông qua các giải pháp công nghệ nhằm mở rộng khả năng tiếp cận, thu hẹp khoảng cách số, và khai phóng tiềm năng con người, đặc biệt cho các nhóm thiệt thòi và dễ bị tổn thương. Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong chuyển đổi số với mục tiêu đảm bảo công bằng xã hội, dựa trên ba trụ cột: kinh tế số, chính phủ số và xã hội số. MSF 2024 sẽ là nền tảng kết nối giữa chính sách, công nghệ và nhu cầu xã hội, tạo động lực xây dựng một tương lai số bao trùm cho mọi người dân./.
Nguồn: https://www.mpi.gov.vn/portal/Pages/2024-10-18/Thu-truong-Tran-Quoc-Phuong-tham-du-Dien-dan-Phat-7n5o70.aspx