ANTD.VN - Thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh so với cùng kỳ do trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, song thu nội địa lại tăng trưởng tích cực.
Theo dữ liệu của Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách Nhà nước tháng 01/2025 đạt 276,6 nghìn tỷ đồng, bằng 14,1% dự toán, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong đó: Thu nội địa đạt 15,7% dự toán, tăng 7,9% so cùng kỳ; Thu từ dầu thô đạt 6,6% dự toán, giảm 28,9% so cùng kỳ; Thu từ cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 5% dự toán, giảm 40,2% so cùng kỳ.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành, kết quả thu ngân sách nội địa trong tháng 1/2025 có tín hiệu khả quan. Thời gian tới, ngành Thuế sẽ tập trung triển khai các giải pháp đẩy mạnh thu các khoản thu có tiềm năng, nhất là kỳ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp kỳ đầu năm.
Đối với công tác triển khai các biện pháp phòng, chống buôn bán và sử dụng hóa đơn trái pháp luật, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cho biết, hiện nay ngành Thuế đang triển khai chạy 6 ứng dụng về phòng, chống gian lận hóa đơn điện tử; đồng thời đang triển khai xây dựng và triển khai 20 chuyên đề về chống thất thu ngân sách.
Thu ngân sách nội địa vẫn tăng trưởng tích cực trong tháng đầu năm |
Về chi ngân sách, tổng chi cân đối NSNN tháng 01 ước đạt 134,4 nghìn tỷ đồng, bằng 5,3% dự toán, tăng 4,8% so cùng kỳ 2024. Trong đó, tập trung kinh phí thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, tiền lương, lương hưu, trợ cấp xã hội cho các đối tượng; đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời các khoản nợ lãi đến hạn.
Kinh phí hoạt động của bộ máy Nhà nước, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trong các tháng đầu năm và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp 6,7 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
Riêng chi đầu tư phát triển, trong tháng 01, các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tập trung hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, thanh toán vốn cho các dự án thuộc kế hoạch năm 2024; đồng thời, đang trong quá trình phân bổ, giao kế hoạch vốn chi tiết năm 2025 cho các chủ đầu tư, nên tiến độ chi tháng 01 đạt thấp, ước đạt 1,26% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 1,18% kế hoạch vốn năm 2025 (cùng kỳ năm 2024 đạt 2,58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, năm 2025, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng năm 2025 đạt khoảng 8%; giai đoạn 2026-2030 đạt tối thiểu 10%. Bám sát mục tiêu này, các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính đang phối hợp chặt chẽ để xây dựng kế hoạch triển khai. Trong đó khẩn trương nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước; xây dựng khung NSNN 5 năm giai đoạn 2026-2030.
Đối với chính sách tài khóa giai đoạn 2020-2024, mỗi năm NSNN đã dành ra khoảng 200 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất. Các chính sách hầu hết tập trung vào các khoản thu có đối tượng thụ hưởng rộng để hỗ trợ được nhiều. Năm 2025, Bộ Tài chính đã đề xuất và được phê duyệt áp dụng kéo dài việc giảm thuế Giá trị gia tăng trong 6 tháng đầu năm.
Bộ trưởng cho biết, ngay từ đầu năm, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí phù hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang khẩn trương nghiên cứu, rà soát các chính sách để kịp thời báo cáo đề xuất trong tháng 2 năm 2025.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng, cần cân nhắc các chính sách hỗ trợ về thuế có trọng tâm, trọng điểm và cần có sự đồng hành của các cấp các ngành, với hiệu quả của các chính sách tài chính, hiện nay, hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp đang phục hồi và phát triển.
Đồng thời vẫn cần có những chính sách động viên, khuyến khích với tư duy là: “hỗ trợ thuế đúng, trúng, trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân có nguồn lực để kinh doanh tốt hơn, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu, phát triển kinh tế - xã hội”.
Liên quan đến công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Tài chính cần phối hợp chuẩn bị sẵn sàng để khi cơ cấu mới của Bộ chính thức đi vào hoạt động phải đảm bảo thông suốt, không để ảnh hưởng tới việc triển khai các nhiệm vụ.
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính (sau hợp nhất) trình Chính phủ đúng thời gian quy định song song với việc xử lý tài sản công, trụ sở… đảm bảo nguyên tắc “một việc chỉ có một cơ quan đảm nhiệm”.
Nguồn: https://www.anninhthudo.vn/thu-ngan-dau-nam-tich-cuc-khan-truong-nghien-cuu-cac-chinh-sach-giam-thue-phi-post603112.antd
Bình luận (0)