Với việc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang phục hồi mạnh mẽ, Việt Nam dần ưu tiên hơn cho thu hút đầu tư FDI công nghệ cao.
Điểm sáng thu hút FDI
Năm 2023, thu hút vốn FDI của Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, tiến sát mức trước đại dịch Covid-19. Bước sang năm 2024 – năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm giai đoạn 2021-2025, ngay từ đầu năm, hoạt động thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam đã rất sôi động với những dự án trăm triệu USD. Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, ngay trong tháng 1/2024, Việt Nam đã thu hút FDI đạt hơn 2,3 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm 2023; vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 1,48 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023.
Không chỉ tăng về giá trị vốn thu hút, nhiều tổ chức quốc tế còn đánh giá Việt Nam đang nổi lên như một điểm sáng thu hút FDI trong các lĩnh vực đầu tư mới như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp công nghệ cao… Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC còn nhận định, Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ (cùng với Singapore, Malaysia). Xu hướng này mang lại hy vọng phục hồi cho Việt Nam khi chu kỳ kinh tế thay đổi.
Chỉ tính riêng với nhóm nhà đầu tư châu Âu, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, trong một khảo sát gần đây, các doanh nghiệp châu Âu không chỉ bình chọn Việt Nam thuộc top 10 điểm đến đầu tư hàng đầu thế giới, trong đó gần 20% lãnh đạo các doanh nghiệp được khảo sát xếp Việt Nam ở vị trí ưu tiên số 1. Những lĩnh vực doanh nghiệp châu Âu tự tin để triển khai đầu tư tại Việt Nam là công nghệ, tài chính…
Minh chứng cho sức hấp dẫn này, ngay sau Tết Nguyên đán 2024, Trina Solar – một tập đoàn lớn trong lĩnh vực pin năng lượng mặt trời đã quyết định đầu tư dự án sản xuất với tổng vốn đầu tư 454,4 triệu USD và dự kiến sẽ chính thức hoạt động vào tháng 3/2025. Trong khi đó, Hana Micron (Hàn Quốc), doanh nghiệp chuyên đóng gói và kiểm định chất bán dẫn đã khánh thành giai đoạn 2 và nâng tổng mức đầu tư tại Việt Nam lên 1 tỷ USD; LG Innotech (Hải Phòng) đã đầu tư mở rộng dự án thêm 1 tỷ USD trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm điện tử; Tập đoàn
Shenzhen MTC Trung Quốc đầu tư tổng vốn đăng ký 24 triệu USD để sản xuất bộ định vị tuyến, thiết bị chuyển đổi tín hiệu số, đèn led chiếu sáng và tivi…
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, đây chính là thời cơ để Việt Nam có thể tạo sự lan truyền về việc sử dụng công nghệ cao, ứng dụng năng suất lao động mới, làm thay đổi toàn bộ cấu trúc nền sản xuất tại Việt Nam. Kỳ vọng này hoàn toàn có cơ sở nhờ vào việc Việt Nam đã ký 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với rất nhiều quốc gia trên thế giới, thuộc Top 20 quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2023, đặc biệt là nền chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng hàng chục năm liên tiếp và đều ở mức cao…
Tăng cường giải pháp thu hút FDI công nghệ cao
Tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao đang là chiến lược mà nhiều địa phương bám sát. Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban quản lý các khu chế xuất – công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza) cho biết, thành phố sẽ ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp sạch, các dự án sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường… Các dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư thấp, công nghệ lạc hậu, thâm dụng lao động… sẽ bị hạn chế.
Tương tự, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng vừa ban hành quyết định về phê duyệt Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2024, trong đó tập trung thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án sử dụng tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững.
Còn trên cả nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường; ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, hàm lượng công nghệ cao, có sự liên kết với doanh nghiệp trong nước, tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, cụ thể là điện, điện tử, bán dẫn; năng lượng tái tạo; nông nghiệp hiệu quả cao; kinh tế số, chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; và trung tâm tài chính…
Tuy nhiên, bên cạnh những điều đáng mừng thì cũng nhiều thách thức rất đáng lo. Một chuyên gia lý giải, lực lượng lao động công nghệ trình độ cao chưa nhiều, chưa đáp ứng được ngay nhu cầu trước mắt của các tập đoàn lớn; các nhà đầu tư vào công nghệ cao mới dừng lại ở khâu đóng gói, lắp ráp, chế tạo đơn thuần; thuế tối thiểu toàn cầu đã bắt đầu lộ trình thực hiện tại Việt Nam trong năm nay, khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì tất cả các doanh nghiệp đa quốc gia đều chịu thuế suất tối thiểu 15%…
Khi rót vốn vào công nghệ cao, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh còn cho rằng, các nhà đầu tư rất quan tâm đến cơ sở hạ tầng như điện, nước, đường truyền… Nếu các hệ thống này không ổn định thì họ không thể nghiên cứu ứng dụng và sản xuất trơn tru được. Do đó, vị chuyên gia này nhấn mạnh, Việt Nam cần tránh xảy ra tình trạng thường xuyên bị mất điện như năm 2023 và phải quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện xử lý chất thải, khí thải đáp ứng các yêu cầu xanh hoá nền kinh tế, sản xuất, giúp sản phẩm của các tập đoàn đáp ứng được yêu cầu về giảm phát thải theo xu hướng chung.
Riêng về thuế tối thiểu toàn cầu, một chuyên gia cho rằng, đây là thách thức về mặt lợi thế cạnh tranh nhưng lại là cơ hội để Việt Nam nâng cấp chiến lược thu hút FDI. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, để thích nghi với quy định mới, Việt Nam sẽ phải cải thiện được môi trường đầu tư tốt hơn, nhân lực chất lượng cao để thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghệ tiên tiến. Quan trọng là nâng tầm doanh nghiệp Việt để bắt tay với các doanh nghiệp nước ngoài, tham gia vào chuỗi giá trị để gia tăng lợi nhuận. Trình độ nhân lực, công nghệ trong nước cũng nhờ thế sẽ tăng lên.