TP Thủ Đức đang đổi thay ngoạn mục, vụt sáng trở thành đại đô thị hiện đại.
Còn nhớ vùng bưng biền chiến khu…
Lịch sử vẫn còn ghi dấu những chiến tích anh hùng của vùng Bưng sáu xã ngày xưa gồm: Long Trường, Phú Hữu, Bình Trưng, An Phú, Phước Long và Tăng Nhơn Phú của TP Thủ Đức.
Nằm ngay cửa ngõ Sài Gòn, suốt 30 năm chiến tranh, Bưng sáu xã là vùng căn cứ của những chiến sỹ cách mạng do được bao bọc bởi một màu xanh ngát của rừng dừa nước, cỏ năn, gò tràm, sông rạch chằng chịt. Địa hình tự nhiên thuận lợi và cả tình thương yêu, đùm bọc của bà con vùng bưng đã giúp các chiến sỹ hoạt động bí mật giành được nhiều thắng lợi.
Trên vùng đất này, đến nay vẫn còn nhiều dấu tích truyền thống cách mạng được lưu giữ. Đó là di tích của trụ sở Huyện ủy Thủ Đức và Mặt trận Liên Việt tại ấp Long Thuận (Long Phước) hay khu vườn nhà ông Hai Quảng (Phước Long) chính là nơi bộ đội đặt pháo bắn vào những cứ điểm quan trọng như Dinh Độc Lập, sân bay Tân Sơn Nhất, kho xăng Nhà Bè trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Rạch Mương Chùa (Long Trường) với những rặng dừa nước xanh, chính là nơi bộ đội ta đã tiêu diệt 300 quân Pháp vào ngày 20/5/1948.
Ở khu di tích Bưng sáu xã, thế hệ trẻ ngày nay thật xúc động khi được lần xem lại những lá thư gửi cho đồng đội của các chiến sỹ năm xưa cũng đồng bưng ngày ấy, những dòng viết gửi gia đình nồng thắm hơi ấm niềm tin về một ngày chiến thắng, những kỷ vật giản dị mà người dân chắt chiu nuôi chiến sỹ cách mạng vẫn còn được lưu lại.
Vươn lên thành một “New City”
Tháng 12/2020 đặt dấu mốc quan trọng cho sự ra đời của TP Thủ Đức với mục tiêu nơi này sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế, mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sự phát triển của TP Hồ Chí Minh và của cả vùng Đông Nam Bộ.
Năm 2021, bất ngờ “cơn bão” Covid-19 ập đến, gây sụt giảm nghiêm trọng ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế của TP Hồ Chí Minh và TP Thủ Đức. Nhưng bằng nội lực, quyết tâm, Thủ Đức đã nhanh chóng vượt qua tâm bão và đạt được những thành tích ấn tượng: tổng thu ngân sách năm 2023 đạt 11.921 tỷ đồng, đạt 66,23% so với dự toán (18.000 tỷ đồng) và bằng 59,39% so với cùng kỳ (20.074 tỷ đồng).
Giá trị sản xuất ngành công nghiệp là 32.339 tỷ đồng, tăng 8,39% so với cùng kỳ, đạt 100,9% kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công là 2.532 tỷ đồng, đạt 98,2% kế hoạch.
Nghị quyết 98/NQ-QH của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh chính thức có hiệu lực từ 1/8/2023, trong đó Quốc hội dành riêng một điều khoản về những cơ chế đặc thù cho Thủ Đức, đã tạo nên một động lực mạnh mẽ để TP tiếp tục phát triển.
Cả hệ thống chính quyền và người dân lại hối hả bắt tay vào công cuộc kiến thiết. TP đang đổi thay từng ngày với việc thúc đẩy hàng loạt công trình trọng điểm như dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, đại lộ Mai Chí Thọ, hầm vượt 3 tầng Mỹ Thủy, giai đoạn 1 sân bay Long Thành… sớm về đích, góp phần tạo cú hích cho việc phát triển vùng đô thị vệ tinh ở cửa ngõ phía Đông.
“Đất lành, chim đậu”, Thủ Đức được xem là nơi hội tụ nhiều dự án đô thị hiện đại, đẳng cấp. Sự đổ bộ của các “đại gia” bất động sản như BCG Land, Masterise, Vingroup, Gamuda Land… với loạt các dự án cao cấp là một minh chứng cho việc Thủ Đức đang chuyển mình, định vị là vùng đất đáng sống, đáng đầu tư.
Đến “Thung lũng silicon” đổi mới sáng tạo
Trong quy hoạch phát triển, dự kiến năm 2030, dân số toàn TP Thủ Đức sẽ đạt khoảng 1,5 triệu người, năm 2040 đạt khoảng 2,2 triệu người, trở thành nền kinh tế thứ 3 cả nước, chỉ sau TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Những mong ước trên là có cơ sở, bởi Thủ Đức ngày nay kế thừa nhiều lợi thế đặc biệt là nguồn lực tri thức khi sở hữu Khu Đại học Quốc gia và Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh (CNC) mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã ví như “thung lũng Silicon” của Việt Nam.
CNC quy tụ một hệ sinh thái của những tri thức có tầm nhìn, khao khát đổi mới sáng tạo, và đông đảo các nhà đầu tư tầm cỡ. Khu CNC hiện có tới 160 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư tương đương 12,036 tỷ USD, vốn đầu tư trung bình là 75,225 triệu USD/dự án.
Nơi đây đã trở thành điểm đến đáng tin cậy cho đầu tư công nghệ cao của thế giới. Minh chứng là đã có hơn 10 tập đoàn hàng đầu thế giới hiện diện như: Intel, Jabil, Rockwell Automation (Mỹ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Sonion (Đan Mạch), Datalogic (Ý), Sanofi (Pháp), TTI (Đức).
Giá trị sản xuất lũy kế của toàn khu CNC đạt 120 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu sản phẩm CNC liên tục tăng qua các năm. “Nơi đây thấm đẫm tinh thần sống khác, nghĩ khác và làm khác, tinh thần doanh nhân mới.
Sức mạnh của “thung lũng Silicon Việt Nam” đến từ tinh thần khởi nghiệp của các doanh nhân và sự thuận lợi từ công tác chỉ đạo điều hành của chính quyền”- bà Tina Trần, Giám đốc tư vấn phát triển công nghệ mới của một quỹ đầu tư đến từ Nhật Bản chia sẻ.
TP Thủ Đức xác định, 10 khu vực trọng điểm cần phát triển gồm: khu trung tâm tài chính quốc tế Thủ Thiêm; khu đô thị thương mại, dịch vụ cảng, công nghiệp Cát Lái – Thạnh Mỹ Lợi; khu đô thị thương mại, văn hóa, sáng tạo, tương tác cao Trường Thọ; khu công viên và đô thị Tam Phú; khu đô thị sản xuất tiên tiến, thương mại dịch vụ Linh Trung…
Đồng thời, lãnh đạo TP cũng chú trọng việc giữ gìn và phát huy các lợi thế về yếu tố lịch sử, văn hóa, du lịch đặc trưng. Dùng tư duy kinh tế thị trường để thu hút nguồn vốn ngoại lực, xã hội hóa để khởi động các dự án hiện đại, nhưng vẫn chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, chắc chắn Thủ Đức sẽ là một “new city” không những hiện đại mà còn là một TP đáng sống, một điểm đến đầu tư lý tưởng.