Nhân dịp này, Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị về những kỷ niệm của ông với Hà Nội, đồng thời cũng khẳng định niềm tin về một Thủ đô sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai.
Mỗi dịp tháng Mười lịch sử, Hà Nội lại ngập tràn cảm xúc tự hào nhớ về không khí hào hùng của những ngày đón chào đoàn quân chiến thắng trùng trùng tiến về giải phóng Thủ đô. Nhiều năm sống và gắn bó với Hà Nội, cảm xúc của ông trong thời điểm này thế nào?
– Tôi đã có hơn năm mươi năm được sống, học tập, công tác ở Thủ đô. Được trải qua những năm tháng hết sức đáng nhớ, từ “một thời đạn bom, một thời hào hùng”, rồi những năm tháng hòa bình, Hà Nội vươn mình trong công cuộc đổi mới. Tôi yêu và tự hào về mảnh đất này. Tình cảm, tình yêu ấy cứ lớn dần theo năm tháng, rất tự nhiên nhưng cũng vô cùng đặc biệt. Yêu văn hóa, yêu con người, yêu những vẻ đẹp riêng có của Thủ đô. Hàng nghìn năm qua, trên mảnh đất Thăng Long – Hà Nội đã trải qua hơn chục cuộc chiến tranh chống ngoại xâm và kết thúc trong ca khúc khải hoàn. Ngày tiếp quản – Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 – một trong những mốc son chói sáng đã đi vào lịch sử, mở ra thời kỳ mới của thời đại Hồ Chí Minh.
70 năm qua, truyền thống nghìn năm văn hiến và nguồn sức mạnh hết sức to lớn của cả nước đã giúp Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân Thủ đô chiến đấu, xây dựng và phát triển, lập nên những kỳ tích tiêu biểu cho khí phách dân tộc, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân cả nước.
Những ngày tháng Mười lịch sử, là dịp chúng ta ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang, nhìn lại quá trình phát triển của Thủ đô, để càng thêm tin yêu mảnh đất lắng hồn núi sông nghìn năm, nơi hội tụ và tỏa sáng của tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tình hữu nghị và khát vọng vươn lên. Tôi nghĩ rằng, những ai đã sinh ra, sống, làm việc hay đã từng biết đến Hà Nội đều có chung cảm xúc đó. Trong chiến tranh hay trong hòa bình, mỗi khi phải xa Hà Nội… mọi người đều luôn nhớ, luôn yêu, luôn tự hào về nơi đây.
Bởi Hà Nội của chúng ta là một Thủ đô thật đặc biệt, trước hết, đấy là Thủ đô nghìn năm văn hiến, là “Thành phố vì hòa bình” như tổ chức UNESCO vinh danh; là Thủ đô ngay trong khói lửa chiến tranh đã từng được thế giới ngợi ca là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”,… những cách gọi, cách nói ấy đều là những nét đặc trưng rất tiêu biểu thật đáng tự hào của Thủ đô Hà Nội.
Mười năm, hai nhiệm kỳ trên cương vị người đứng đầu Đảng bộ Thủ đô, một quãng thời gian không dài trong tiến trình phát triển của Hà Nội nhưng đấy lại là thời kỳ Thủ đô Hà Nội đã có những đổi thay lớn lao và có rất nhiều dấu ấn trên chặng đường phát triển, tiếp nối quá khứ hào hùng. Điều này đã được ông nói đến trong cuốn sách “Đi tìm một vì sao”, ở chương “Mười năm, một lát cắt thời gian…”. Ông có thể chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ trong “lát cắt thời gian” đó?
– Trong cuốn sách “Đi tìm một vì sao” tôi cũng đã viết, đã “tường trình” một cách chân thực và sống động những công việc, những sự kiện, mà đấy cũng là những dấu ấn, kỷ niệm tôi đã từng gắn bó trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội. Không ít lần tôi thầm nghĩ, may sao tôi lại được làm việc, được cống hiến đúng vào giai đoạn Thăng Long – Hà Nội tròn một nghìn năm tuổi, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội xây dựng Luật Thủ đô, Hà Nội đổi mới, phát triển và hội nhập… Đó là giai đoạn Hà Nội vươn mình mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới. Đấy là cơ duyên nghìn năm có một, được sống, được cống hiến…
Đó cũng là một thập niên Hà Nội vươn mình trong vận hội và thách thức với biết bao công việc. Nhiều công trình xây dựng hiện đại, khang trang, bề thế đã được hoàn thành và rất nhiều công trình vẫn còn đang tiếp tục. Mười năm, một khối lượng công việc vô cùng đồ sộ, với biết bao sự kiện, chứng nhân. Đấy là thành quả to lớn hết sức đáng tự hào của Đảng bộ và Nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Sống trong thời kỳ phát triển vô cùng sôi động, tôi thực sự cảm nhận được sức nóng, sự va đập, ảnh hưởng, tác động nhiều chiều qua từng công việc, từng ngày, từng tháng, từng năm… Qua những trang sách, tôi đã bộc bạch tâm tư của mình trong những thời khắc, sự kiện, vấn đề hết sức đáng nhớ. Những bộn bề công việc chưa từng có tiền lệ cùng khó khăn chồng chất ở thời điểm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, từ công tác tổ chức – cán bộ, những trăn trở để phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân đến vấn đề làm thế nào để vừa giữ được bản sắc của hai vùng văn hóa mà vẫn tạo ra được một văn hóa chung Hà Nội sau khi mở rộng.
Và những câu chuyện “hậu trường” chuẩn bị cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, những việc tưởng nhỏ, tưởng dễ nhưng không dễ, không nhỏ chút nào: lựa chọn quà tặng nhân dịp Đại lễ, quá trình soạn bức thư 1.000 chữ gửi tới mai sau, chuyện Hà Nội có xây năm cổng chào… Cùng đó là hàng trăm công trình trọng điểm trong dịp Đại lễ cần phải hoàn thành cùng biết bao câu chuyện, công việc phải xử lý vừa tinh tế, vừa gai góc, nhạy cảm…
10 năm làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, như tôi đã viết, đấy là một sự trải nghiệm, chiêm nghiệm và đúc kết cá nhân: “Việc Hà Nội nhiều như nước sông Hồng” hay những khó khăn, thách thức mang dấu ấn rất riêng của Hà Nội thể hiện trong câu nói “Hà Nội không vội được đâu” thường bị hiểu theo nghĩa cán bộ Hà Nội trì trệ, không năng động, tháo vát.
Đối với Hà Nội, Thành phố nghìn năm văn hiến, Thành phố Anh hùng, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo, yếu tố văn hóa luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Hà Nội có thể không phải thành phố dẫn đầu về kinh tế nhưng phải là thành phố đi đầu, dẫn đầu về văn hóa, là nơi tụ hội và tỏa sáng, đại diện cho văn hóa Việt Nam; và phải luôn xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng để xây dựng Thủ đô phát triển bền vững. Đây đều là những vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với công cuộc xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị
Nhưng những ai đã từng ngồi vào ghế lãnh đạo ở Thủ đô đều sẽ hiểu, mọi sự năng động, tháo vát ở đây đều luôn đứng trước sự cân nhắc cực kỳ thấu đáo. Phải tìm hiểu, lắng nghe, nắm bắt, dự báo… trước khi quyết định. Và việc gì diễn ra ở Thủ đô cũng sẽ nhận được ý kiến nhiều chiều từ báo chí, từ dư luận, các nhà khoa học, người về hưu, lãnh đạo các cấp, ngành, rồi cả những động thái, dư luận quốc tế… Lắng nghe ý kiến dư luận là hết sức cần thiết, nhưng nghe nhiều mà không dám quyết thì công việc sẽ không xong.
Trong mười năm ấy, tôi rất vui vì đã được tham gia đóng góp cùng với Đảng bộ Hà Nội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Mười năm trôi qua, tầm vóc, diện mạo của Thủ đô Hà nội thân yêu đổi thay, lớn lên từng ngày. Giờ đây mỗi lần đi trên những nhịp cầu hiện đại mới bắc qua sông Hồng nhìn về phía nội thành Hà Nội, bức tranh toàn cảnh của một Thủ đô đang vươn tới cả về tầm cao và chiều rộng hiện lên trước mắt mọi người với biết bao công trình mới mọc lên. Người đi xa nay trở lại có khi khó nhận ra nơi chốn cũ.
Với cá nhân tôi, vẫn luôn đeo bám trong lòng bởi những món nợ, nhiều công việc chưa làm xong và cả những công việc có thiếu sót, khuyết điểm. Với tình yêu và sự gắn bó với Thủ đô, mỗi sáng tối đi về trên các ngả đường Hà Nội, tôi luôn có được niềm vui, niềm tự hào được làm công dân của Thủ đô Hà Nội, được tham gia cống hiến, được cùng chia ngọt, sẻ bùi, và được chứng kiến Thủ đô Hà Nội của chúng ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong ước.
Như ông đã nói, đến nay ai cũng nhận thấy Hà Nội đang trên đà phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế, văn hóa, đời sống; sự hòa hợp của những sắc thái văn hóa, của các vùng miền khác nhau… Cá nhân ông nhận định thế nào về những đổi thay toàn diện của Hà Nội cho đến hôm nay?
– Hà Nội cùng với cả nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đang đổi thay, lớn lên từng ngày. Mọi người đều có thể cảm nhận được sự phát triển đi lên mạnh mẽ của Hà Nội, không chỉ là tốc độ tăng trưởng cao, là đầu tàu, động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước. Đặc biệt, sau thời điểm 2008, thực hiện chủ trương về mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có được không gian để phát triển, xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại, xứng với đất nước có quy mô dân số lớn hàng đầu cả nước.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố vào đầu tháng 4/2024, mức sống, thu nhập dân cư đến năm 2022 bình quân đầu người tại Hà Nội trong 10 năm qua đã tăng nhanh đáng kể.
Dấu ấn nữa là sự thay đổi lớn về diện mạo Thủ đô cả ở khu vực đô thị và nông thôn. Một không gian đô thị xanh, văn minh, hiện đại đang dần trở thành hiện thực với rất nhiều khu đô thị mới mọc lên, những tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, những cây cầu lớn, các tuyến đường sắt trên cao và Metro… Diện mạo nông thôn Hà Nội đổi thay nhanh chóng theo hướng ngày một văn minh, hiện đại, mà ở đó các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ và phát huy.
Đến nay toàn thành phố đã có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 186 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 68 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 18/18 huyện, thị xã đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đấy là thành tích thật đáng tự hào của Thủ đô Hà Nội.
Trong tiến trình hội nhập quốc tế, Hà Nội ngày càng khẳng định vị thế khi có quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhiều thủ đô, thành phố trên thế giới. Trong ngôn ngữ giao tiếp, nhiều khi chỉ cần nói danh xưng Hà Nội là mọi người trên thế giới đều nghĩ đang nói tới Việt Nam. Điều đó thể hiện vị thế, tầm ảnh hưởng của Thủ đô Hà Nội. Hàng năm, nhiều sự kiện đối ngoại kinh tế, văn hóa quy mô lớn do Thủ đô Hà Nội chủ trì hoặc được tổ chức trên địa bàn nhận được sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế. Cùng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên của Việt Nam được tổ chức UNESCO công nhận là thành viên của “Mạng lưới Thành phố sáng tạo”; cùng với đó Hà Nội cũng đang hướng đến phát triển “Thành phố thông minh”…
Thật tự hào khi Thủ đô của chúng ta trong nhiều năm liền được thế giới đánh giá là điểm đến an toàn, hấp dẫn. Nguyên thủ nhiều quốc gia trong những chuyến thăm Việt Nam có thể thoải mái đi dạo, đạp xe, thưởng thức ẩm thực đường phố của Hà Nội. Thật sự không có nhiều Thủ đô trên thế giới có được môi trường an ninh, bình yên như thế.
Là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước, Hà Nội có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển. Theo ông, từ dấu mốc 70 năm sau ngày Giải phóng, Hà Nội nên tập trung khai thác nguồn lực nào để xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại?
– Hà Nội còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế về con người, tri thức, khoa học – công nghệ, điều kiện tự nhiên, khả năng thu hút đầu tư… Đây là những nguồn lực vẫn cần tiếp tục được khơi dậy, phát huy tốt hơn nữa. Mặt khác, trong quá trình phát triển cho thấy, những tiến bộ trong lĩnh vực văn hóa – xã hội chưa đồng bộ, tương xứng với sự phát triển về kinh tế. Mức sống được nâng lên, nhưng văn hóa ứng xử cũng đang đặt ra những vấn đề cần phải lưu tâm. Việc quản lý trật tự xây dựng, quy hoạch đang còn nhiều bất cập; mất cân đối trong phát triển đô thị, hạ tầng xã hội không theo kịp sự phát triển của nhà ở và dân cư. Vẫn còn một số nơi thiếu trường học, nhiều khu chung cư cũ đã xuống cấp, thành phố muốn cải tạo, xây mới mà chưa làm được, rồi vấn đề môi trường bị ô nhiễm… Phía trước vẫn còn rất nhiều công việc phải làm.
Kỳ vọng thì rất nhiều, ai cũng muốn Hà Nội làm nhanh hơn, làm tốt hơn. Thủ đô lại đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, những bất cập nảy sinh cũng là điều khó tránh khỏi. Để giải quyết được, bên cạnh trách nhiệm trực tiếp của thành phố, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa của các bộ, ngành T.Ư, như phải khẩn trương hơn việc di dời trụ sở các bộ, ngành, trường học, bệnh viện ra khỏi nội đô…
Mọi người cần phải nhận thức thật đúng vị trí, vai trò, nghĩa vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Thủ đô Hà Nội “là trung tâm đầu não chính trị – hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế”. Thật ra những vấn đề đó đều đã được khẳng định không chỉ trong Luật Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và cả trong Hiến pháp.
Bên cạnh những điểm chung về quyền hạn và trách nhiệm giống các tỉnh thành, Thủ đô Hà Nội có những yêu cầu, đòi hỏi mang tính đặc thù, khách quan riêng. Có rất nhiều công việc đòi hỏi Thủ đô phải đảm nhiệm mà các địa phương khác không phải làm hoặc không được giao. Chưa nói những vấn đề khác biệt về quy mô, tính chất của những công việc tổ chức, quản lý trên địa bàn đô thị có quy mô lớn.
Vừa qua Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có những quy định phân cấp mạnh mẽ, trao cho Hà Nội những cơ chế, chính sách, quyền hạn đặc thù, vượt trội. Cùng với đó, là cơ chế, chính sách, khuyến khích cán bộ, nhất là người đứng đầu phát huy tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì sự nghiệp phát triển của Thủ đô.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/thu-do-ha-noi-nhung-buoc-chuyen-minh-lon-lao.html