Sinh thời, Bác nhắc: “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta” nên Hà Nội phải gương mẫu ở vị trí đầu tàu để làm sao “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.
Tình cảm sâu nặng, dấu ấn không quên
Ba chữ “Thủ đô ta” chứa đựng biết bao tình cảm sâu nặng, gần gũi và sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Hà Nội, chỉ riêng Hà Nội mới có được vinh dự ấy. Hà Nội cũng là nơi ghi những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người; một trong những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc lâu nhất, cũng là nơi có nhiều địa danh in dấu chân Bác và đã từng được Người dành sự quan tâm, đến thăm và căn dặn. Qua các bài nói, bài viết, bức điện hay những chuyến thăm của Người đều để lại dấu ấn không thể nào quên.
Mùa Thu lịch sử năm 1945, Hà Nội lần đầu tiên đón Bác khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công. Ngày 23/8/1945, Bác về đến Phú Gia (nay là Phú Thượng, Tây Hồ) và đến 25/8, các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp đến đón Người về ở số nhà 48 Hàng Ngang của đại thương gia yêu nước Trịnh Văn Bô. Đây chính là nơi Bác dự thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ.
Theo các tư liệu lịch sử, sau này nhớ lại, Bác nói đấy là những giây phút sung sướng nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng khi Người về sống và làm việc ở Hà Nội. Ngày 2/9/1945, khi Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình và ra mắt Chính phủ lâm thời cũng đã mang hàm ý chọn Hà Nội là Thủ đô, sau này Quốc hội đã chính thức công nhận điều này.
Ngay ngày làm việc đầu tiên của Chính phủ cách mạng lâm thời, Hồ Chí Minh đã nêu ra những nhiệm vụ cấp bách xây dựng đất nước, chăm lo đời sống Nhân dân, đặc biệt là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Phong trào hưởng ứng diễn ra sôi nổi ở khắp nơi, người dân Thủ đô nghe theo lời hiệu triệu của Bác đã không tiếc công, tiếc của để ủng hộ, có người hiến cả gia sản giúp cách mạng, giúp Nhân dân.
Sau 9 năm kháng chiến, mùa Thu lịch sử năm 1954, Hà Nội đã được đón Bác và Chính phủ trở về. Chủ tịch Hồ Chí Minh có mối quan tâm đặc biệt với Nhân dân Hà Nội. Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) là người nghiên cứu về tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua các tư liệu lịch sử cho thấy, với Nhân dân Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm trìu mến, sự quan tâm đặc biệt và đặt niềm tin vào khả năng to lớn của các tầng lớp Nhân dân.
Từ Tết Ất Mùi (1955), gần như năm nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đi chúc Tết Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Nội. Sống và làm việc tại Thủ đô trong một thời gian dài, nên Người có điều kiện đi đến nhiều nơi, các cơ sở, bệnh viện, nhà máy, trường học, đơn vị bộ đội; trực tiếp gặp gỡ, thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp Nhân dân Hà Nội. Theo thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, có 173 điểm di tích ở nội thành và 44 điểm di tích ở ngoại thành từng ghi dấu tình cảm và kỷ niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Nhân dân Thủ đô.
Tết Kỷ Dậu năm 1969, trên đồi cây của xã Vật Lại (huyện Ba Vì), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham gia trồng cây, mở đầu “Tết trồng cây” lần thứ 10 do chính Người khởi xướng. Bác chúc Tết động viên cán bộ, công nhân Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Cao su, Xà phòng, Thuốc lá, Nhà máy đèn Bờ Hồ, Nhà máy Diêm Thống nhất, Công trường và nhà máy bê tông đúc sẵn ở Chèm…; dự cuộc ngâm thơ mừng Xuân của các cụ phụ lão và văn nghệ sĩ Hà Nội tại Văn Miếu; gửi thư, tới thăm hỏi giáo viên và học sinh Hà Nội, thăm Tết người lao động nghèo ở Thủ đô…
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, một điều đặc biệt là Bác Hồ rất chú ý tới khu vực ngoại thành Hà Nội khi nhiều lần trực tiếp đến thăm hoặc gửi thư động viên Nhân dân. Có thể là khi đó người dân ngoại thành Hà Nội còn vất vả nên Người dành mối quan tâm sâu sắc hơn và mong muốn: “Các Đảng bộ, chi bộ ở ngoại thành cần lãnh đạo đưa phong trào ngoại thành tiến lên mạnh mẽ hơn nữa, làm cho ngoại thành thật sự trở thành vành đai đỏ của Thủ đô xã hội chủ nghĩa”.
Lời Bác dạy như ngọn đèn soi sáng
Ba chữ “Thủ đô ta” được Bác Hồ nhiều lần nhắc đến khi nói về Hà Nội cũng nói lên vị trí, trách nhiệm, gắn với vai trò tiên phong, gương mẫu của Thủ đô. Với Đảng bộ và chính quyền Hà Nội, Bác không những trực tiếp chỉ đạo, theo dõi việc lớn ở tầm chiến lược, vĩ mô và cả những công việc hết sức cụ thể, chi tiết và thiết thực hàng ngày.
Trong những lời phát biểu, những bài nói chuyện tại các kỳ Hội nghị Đảng bộ Hà Nội, các đại hội đại biểu Nhân dân Hà Nội…, Người rất chú ý tới vấn đề xây dựng và phát triển Thủ đô vững mạnh toàn diện. Người khẳng định “Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta”, nên “Thủ đô ta” phải phấn đấu để “thành một Thủ đô bình yên tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Bác cũng luôn yêu cầu Hà Nội xác định và bảo đảm hoàn thành trách nhiệm vị trí “đầu tàu”, vai trò “gương mẫu” với cả nước.
Nếu tính từ cuối tháng 8/1945 đến 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hơn 17 năm sống và làm việc ở Thủ đô. Hà Nội là nơi lưu dấu ấn về những quyết sách lớn của Đảng, Chính phủ đối với đất nước trong mỗi bước đi lên nhưng cũng là nơi in đậm hình ảnh của Bác Hồ với biết bao niềm tự hào, xúc động thân thương và tình cảm đặc biệt mà Người dành cho Thủ đô.
Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô xác định là kim chỉ nam, ngọn đèn soi sáng để xây dựng Hà Nội ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại như sinh thời Bác hằng mong muốn. Trong 70 năm qua, kể từ ngày Thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng, thực hiện những lời căn dặn và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô Hà Nội đã không ngừng phấn đấu, cố gắng vươn lên, trở thành Đảng bộ gương mẫu, đi đầu về nhiều mặt. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới, Hà Nội không chỉ trở thành một trung tâm kinh tế trọng điểm, mà còn là nơi khởi nghiệp của nhiều giá trị tinh hoa trong nước và quốc tế, là động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình hội nhập và toàn cầu hóa của cả nước.
Như PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc đã nhận định: Bác mong muốn Hà Nội sau chiến tranh là một Thủ đô đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Hà Nội đã làm được điều đó. Hà Nội có thể tự hào báo công với Bác, thực hiện lời Bác dạy, từ TP bị tàn phá khủng khiếp trong chiến tranh, Hà Nội đã vươn lên, phát triển vượt bậc, đã và đang khẳng định vị trí trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Hà Nội đang đổi thay từng ngày, diện mạo TP khang trang, hiện đại với hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, kinh tế trọng điểm được đưa vào khai thác. Thành quả đó nhờ vào nhiều yếu tố, nhưng trong đó có nghị lực của Nhân dân Hà Nội.
Kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô cũng là dịp để người Hà Nội tự hào về truyền thống, tự hào về những danh hiệu cao quý mà bạn bè thế giới đã yêu mến dành cho, đây cũng là dịp mỗi người nhìn để ý thức hơn về trách nhiệm phải làm cho TP Hà Nội giàu đẹp hơn, văn hóa, văn minh hơn, xứng đáng “là Thủ đô ta” như Bác Hồ từng mong lúc sinh thời.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/bac-ho-voi-thu-do-ta-801520.html