Hôm qua theo giờ Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh tham vọng khí hậu, Hội nghị Cấp cao về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với đại dịch; và có hàng loạt cuộc gặp song phương thực chất, hiệu quả.
Phát thải ròng bằng 0
Thông điệp mạnh mẽ nhất của người đứng đầu Chính phủ VN tại Hội nghị Thượng đỉnh tham vọng khí hậu là “xác lập tầm nhìn mới, tư duy mới, quyết tâm mới, hành động quyết liệt cho phát triển xanh, phát thải ròng bằng 0“. Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu đó, Thủ tướng cho rằng “cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh công bằng và công lý; trong đó lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Từ tham vọng đó, Thủ tướng kêu gọi các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế tích cực hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển về công nghệ xanh, tài chính xanh, quản lý xanh và đào tạo nguồn nhân lực xanh; xây dựng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và các hệ thống truyền tải điện thông minh… “Đặc biệt, chúng ta cần xây dựng các mối quan hệ đối tác thế hệ mới, đồng thời đẩy mạnh huy động tài chính xanh cho khí hậu theo hình thức công – tư, trong đó đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói. Mặc dù là một quốc gia đang phát triển còn gặp không ít khó khăn, nhưng “với tinh thần hành động vì trái đất xanh”, Thủ tướng khẳng định: VN quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Trên thực tế, VN là một trong 30 nước nộp bản Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và là một trong 3 quốc gia đang phát triển đầu tiên tham gia quan hệ đối tác về chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). “Chúng tôi sẽ có thể phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050”, Thủ tướng nói thêm.
Tại Hội nghị Cấp cao về sẵn sàng phòng chống và ứng phó với đại dịch, phát biểu trước nguyên thủ các quốc gia tại trụ sở LHQ ở New York, Thủ tướng cũng gửi gắm rằng hợp tác và đoàn kết quốc tế về cả song phương và đa phương có ý nghĩa quyết định trong nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh, nhất là ở các nước đang phát triển. Thủ tướng đề nghị ưu tiên tăng cường khả năng tiếp cận vắc xin kịp thời và bình đẳng, năng lực điều trị, dự báo, công nghệ, an toàn, hiệu quả, ý thức người dân, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất vắc xin, thuốc điều trị và hỗ trợ tài chính hiệu quả cho các nước đang phát triển, kém phát triển.
Thủ tướng khẳng định VN ủng hộ kêu gọi cộng đồng quốc tế đồng ý đưa an ninh y tế toàn cầu thành một ưu tiên trong chương trình nghị sự để sớm ngăn ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó hiệu quả với các loại dịch bệnh; với tinh thần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết để phát triển bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Không dùng biện pháp phòng vệ với nông sản vì sinh kế của nông dân
Cuộc gặp giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan được quyết định chóng vánh nhưng lại là cuộc gặp có không khí đặc biệt chân thành với nội dung trao đổi thực chất, hiệu quả. Để nhanh chóng triển khai những kết quả quan trọng của chuyến thăm VN vừa qua của Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phía Mỹ ưu tiên thúc đẩy lộ trình công nhận Quy chế kinh tế thị trường của VN, không dùng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa VN, nhất là nông sản vì liên quan đến sinh kế của người nông dân, trên cơ sở bảo đảm cân bằng, bình đẳng, cùng có lợi.
Ông Sullivan nhất trí với Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc cần thiết hiện thực hóa các nội hàm của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện và cho biết sẽ thúc đẩy để Mỹ sớm công nhận VN là nền kinh tế thị trường. Ông Sullivan cũng khẳng định ủng hộ VN tăng cường hợp tác với Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi năng lượng xanh, hợp tác chống biến đổi khí hậu, giáo dục – đào tạo…, nhằm tiếp tục đưa hợp tác giữa hai nước ngày càng sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Ông Sullivan khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN, đánh giá cao vai trò chủ động, tích cực của VN tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, APEC, LHQ. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới.
thanhnien.vn