Các triệu chứng phổ biến nhất của kháng insulin là vô cùng khát nước, cảm thấy đói sau mỗi bữa ăn, đi tiểu thường xuyên, tay và chân có cảm giác ngứa ran, mệt mỏi hơn, nhiễm trùng thường xuyên, theo tờ Indian Express (Ấn Độ).
Đi bộ thực sự giúp ích: Nghiên cứu đã chứng minh rằng lối sống ít vận động có thể tác hại đến mức insulin. Như vậy, tích cực hoạt động chắc chắn sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn, tiến sĩ Garima Goyal, chuyên gia dinh dưỡng nổi tiếng của Ấn Độ, cho biết.
Nghiên cứu, được công bố trên tạp chí về bệnh tiểu đường Journal of Diabetes Science and Technology (Mỹ), đã phát hiện người bệnh tiểu đường, đi bộ mỗi ngày 30 phút, 5 ngày một tuần trong 12 tuần, đã tăng độ nhạy insulin và giúp kiểm soát lượng đường trong máu, tiến sĩ Anurag Saxena ở Bệnh viện Chuyên khoa Primus Super, New Delhi (Ấn Độ) cho biết.
Tập thể dục có thể giúp giảm lượng đường trong máu vì nó đốt cháy glucose để tạo năng lượng cho cơ bắp.
Đi bộ, đặc biệt là đi bộ nhanh, ít nhất 45 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần, sẽ kích hoạt một loại protein trong cơ thể, giúp tăng độ nhạy của tế bào đối với insulin và kiểm soát quá trình chuyển hóa đường, do đó có thể giảm dùng thuốc, tiến sĩ Mukul Gupta từ Bệnh viện đa khoa Narayana Jaipur (Ấn Độ) cho hay.
Ngoài ra, tập thể dục cũng giúp giảm mỡ trong cơ thể, vốn có liên quan đến tình trạng kháng insulin, tiến sĩ Gupta cho biết thêm.
Để tăng số bước hằng ngày, đơn giản chỉ cần làm việc nhà, đứng lên đi tới đi lui sau mỗi giờ, vươn vai nhiều hơn, vừa đi vừa nói chuyện, đi cầu thang bộ.
Giảm mỡ bụng: Đây cũng là một kỹ thuật tuyệt vời để cải thiện độ nhạy insulin.
Giảm căng thẳng: Các hoạt động giúp giảm căng thẳng như yoga, thiền và ngủ đủ giấc cũng giúp cải thiện hoạt động của insulin trong cơ thể. Cô Goyal nhấn mạnh rằng nên tăng cường vận động để kiểm soát lượng đường trong máu, theo Indian Express.