Với thanh khoản giao dịch thấp, hiệu ứng lan tỏa dòng tiền đến các nhóm ngành sẽ bị ảnh hưởng, các nhịp rung lắc có thể sẽ xuất hiện đan xen các phiên hồi phục tác động tới tâm lý nhà đầu tư.
Góc nhìn TTCK tuần cuối tháng 11: Thời điểm phù hợp để bắt đầu giải ngân, tích lũy cổ phiếu
Với thanh khoản giao dịch thấp, hiệu ứng lan tỏa dòng tiền đến các nhóm ngành sẽ bị ảnh hưởng, các nhịp rung lắc có thể sẽ xuất hiện đan xen các phiên hồi phục tác động tới tâm lý nhà đầu tư.
Sau 2 tuần chịu áp lực điều chỉnh mạnh, VN-Index trong tuần qua đã phục hồi tốt ở hỗ trợ mạnh quanh 1.200 điểm. Đây là vùng hỗ trợ mạnh tâm lý, cũng như đường xu hướng nối các vùng giá thấp tháng 4 – 8/2024, đường xu hướng tăng trưởng từ năm 2020 đến nay. Trong tuần, có 2 phiên tăng điểm tích cực sau nhịp chớm phá mốc 1.200 điểm vào giữa tuần. Nhóm bất động sản, chứng khoán và ngân hàng thu hút dòng tiền sau đó lan tỏa ra các nhóm ngành.
Thị trường vào phiên chiều ngày 22/11 xuất hiện áp lực bán gia tăng do lượng cung cổ phiếu bắt đáy T+ ở vùng 1.200 điểm về tài khoản, tuy nhiên, đánh giá chung là lực cung không quá nhiều và nằm trong khả năng hấp thụ tự nhiên của thị trường.
Dự báo diễn biến giao dịch tuần tới, tâm lý chờ đợi của nhà đầu tư có thể sẽ trở lại trong phiên đầu tuần. Trong kịch bản tích cực, nếu lượng cung tiếp tục chỉ ở mức thấp trong phiên này, thị trường sau đó có thể sẽ tiến nhanh lên vùng 1.240-1.250 điểm, tương ứng MA20 ngày và tạo cân bằng ngắn hạn tại vùng này.
Tuy nhiên, câu chuyện thanh khoản thấp vẫn đang là vấn đề đáng lưu tâm, cho thấy sự dè dặt trong tâm lý của nhà đầu tư.
Chuyên gia Agrisesco cho rằng, thanh khoản thấp thể hiện tâm lý phòng thủ trước các yếu tố vĩ mô tác động kém tích cực vẫn đang duy trì: chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ, áp lực tỷ giá ngắn hạn, căng thẳng leo thang trở lại tại Ukraine-Nga…, trong khi thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
Tuy nhiên, lưu ý về việc thị trường đã liên tục chiết khấu các thông tin trên vào giá cổ phiếu và chỉ số trong gần 2 tháng vừa qua, vì vậy, mức độ ảnh hưởng tâm lý có thể đã ở gần mức bão hòa và dư địa tác động giảm điểm có thể không còn nhiều nếu như không có thêm những rủi ro mới phát sinh cộng hưởng thêm.
Áp lực bán ròng của khối ngoại vẫn tiếp diễn. Tổng kết tuần vừa qua, khối ngoại bán ròng với giá trị hơn 3.800 tỷ đồng trên toàn thị trường. Áp lực bán của khối ngoại diễn ra tại các cổ phiếu trụ với, trong đó VHM bị bán ròng 1.522 tỷ đồng, SSI và HPG cũng bị bán ròng mạnh với giá trị 722 tỷ đồng và 541 tỷ đồng. Qua đó, dòng tiền nước ngoài đã rút ròng khoảng hơn 90.000 tỷ đồng, tương đương 3,5 tỷ USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ đầu năm.
Khối ngoại bán ròng là xu hướng không chỉ ở Việt Nam, mà còn ở các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Philippines, Malaysia trong bối cảnh DXY mạnh lên khi Tổng thống Donald Trump đắc cử tổng thống. Dòng tiền đang quay trở lại thị trường chứng khoán Mỹ đưa các chỉ số Dowjones hay S&P500 liên tục phá đỉnh. Đà tăng của chỉ số DXY và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục gây sức ép lên tỷ giá VND trong thời gian tới, phần nào đó tác động đến xu hướng rút ròng của khối ngoại.
Trong trường hợp VN-Index có mức chiết khấu đủ sâu đưa định giá thị trường về vùng được xem là hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, đà bán ròng của khối ngoại có thể chững lại và thậm chí đảo chiều
Chuyên gia Agrisesco cho rằng, về mặt định giá, P/E toàn thị trường tính tới hết phiên 22/11 là 12,9x lần, thấp hơn đáng kể so với trung bình 5 năm gần nhất (15,x lần). Ngoài ra, nhiều cổ phiếu bluechips có nền tảng tăng giá dài hạn vững chắc đã chiết khấu về vùng giá hấp dẫn, phù hợp để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng và tích lũy cổ phiếu trong giai đoạn hiện tại. Với diễn biến tích cực của chỉ số VN-Index trong hai phiên vừa qua, vùng 1.200 điểm đang đóng vai trò là ngưỡng hỗ trợ đáng tin cậy khi thành công kích hoạt lực cầu “bắt đáy” ngắn hạn.
Tuy nhiên, với thanh khoản giao dịch thấp, hiệu ứng lan tỏa dòng tiền đến các nhóm ngành sẽ bị ảnh hưởng, các nhịp rung lắc có thể sẽ xuất hiện đan xen các phiên hồi phục tác động tới tâm lý nhà đầu tư. Bởi vậy, mặc dù đây là thời điểm phù hợp để bắt đầu giải ngân, tích lũy cổ phiếu cho danh mục trung và dài hạn, nhà đầu tư vẫn nên chú ý chỉ duy trì tỷ trọng thấp đối với các vị thế trading, lướt sóng T+ để đảm bảo an toàn cho tài khoản và tuân thủ kỷ luật cắt lỗ trong kịch bản thị trường lui về kiểm định lại các mốc hỗ trợ sâu hơn trong ngắn hạn.
Theo góc nhìn của chuyên gia Công ty Chứng khoán SHS, thị trường đã có 1 năm biến động trong biên độ hẹp, dưới áp lực bán ròng đột biến của khối ngoại, áp lực tỷ giá, áp lực dòng tiền của nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn là bất động sản… VN-Index cũng nhiều lần kiểm tra lại vùng hỗ trợ mạnh quanh 1.200 điểm, tương ứng vùng vốn hóa toàn thị trường khoảng 62% GDP 2024. Đây là vùng vốn hóa tương đối hấp dẫn của thị trường so với quy mô nền kinh tế khi tăng trưởng GDP năm 2025 kế hoạch tăng 6,5-7%. Với những diễn biến hiện tại, cho thấy chất lượng nội tại trung hạn của thị trường đang cải thiện dần sau thời gian dài tích lũy với nhiều mã, nhóm mã đang ở vùng giá tương đối hấp dẫn, mở ra nhiều cơ hội tốt.
SHS cho rằng, thị trường sẽ phân hóa mạnh. Ngoại trừ các yếu tố bất định mới VN-Index kỳ vọng tạo đáy ở vùng giá 1.200 điểm tương ứng vùng giá cao nhất năm 2018, cũng như hỗ trợ các đường xu hướng tăng trưởng trung dài hạn. Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng hợp lý. Tỷ trọng dưới mức trung bình, quản trị rủi ro tốt nên xem xét giải ngân các mã cơ bản tốt, có quý III tăng trưởng tốt, kỳ vọng tiếp tục duy trì tăng trưởng. Mục tiêu đầu tư hướng tới các mã cổ phiếu đầu ngành, nền tảng cơ bản tốt.
Nguồn: https://baodautu.vn/goc-nhin-ttck-tuan-cuoi-thang-11-thoi-diem-phu-hop-de-bat-dau-giai-ngan-tich-luy-co-phieu-d230823.html