Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á được thành lập. Hai tiếng Việt Nam vang lên đầy phấn khởi, tự hào đã khơi nguồn, làm bừng dậy cảm hứng thơ ca, nhạc, họa, mới mẻ, mãnh liệt và sôi nổi, làm cho văn hóa văn nghệ nước nhà đổi sắc thay da. Từ đây nền văn học của ta chỉ còn duy nhất một trào lưu là văn học cách mạng.
Các nhà thơ là những người nhạy cảm nhất, đã nói hộ chúng ta bao điều suy nghĩ, mừng vui, ngậm ngùi, trăn trở và những ước mơ hy vọng về một tương lai sáng lạn của một nước Việt Nam mới. Cảm hứng bao trùm thơ ca cách mạng là niềm vui sướng, say mê, nồng nhiệt trước cuộc “tái sinh” của dân tộc. Xuân Diệu là nhà thơ reo ca hơn bất cứ nhà thơ lãng mạn nào lúc bấy giờ:
Có một suối thơ chảy từ gần gũi
Ra xa xôi về lại gần quanh
(Nguồn thơ mới)
Hoặc “Nước non sinh lực dồi dào/ Còn căng ngọn mạ rào rào mọc lên” (Đồng quê). Xuân Diệu trước Cách mạng Tháng Tám vốn là một nhà thơ luôn khát khao yêu đương nồng nàn, ham sống, ham giao cảm với đời. Sau hơn hai tháng Độc lập, ngày 30/11/1945, Xuân Diệu đã hoàn thành bản trường ca “Ngọn quốc kỳ”, và qua biểu tượng thiêng liêng lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc, nhà thơ đã hân hoan chào đón nước Việt Nam bằng những vần thơ tràn đầy sinh khí:
Gió reo! Gió reo, gió Việt Nam reo
… Việt Nam! Việt Nam! Cờ đỏ sao vàng!
Những ngực nén hít thở ngày Độc lập
Nguồn lực mới bốn phương lên tới tấp.
Xuân Diệu đã phác họa cuộc đấu tranh của dân tộc để giành độc lập “dưới lá cờ đỏ ánh vàng sao”. Cờ đã ngập tràn và tung bay khắp mọi miền Tổ quốc: “Có mấy bữa mà Việt Nam thắm cả/ Khắp Việt Nam cờ mọc với lòng dân”. Lá cờ đã nâng bước chân bao chiến sĩ, vẫy gọi bao khát vọng của đoàn quân, tạo cho họ sức mạnh để vượt qua mọi gian lao nguy hiểm, giành thắng lợi: “Giữ lá cờ sao vàng lấp lánh/ Cờ như mắt mở thức thâu canh/ Như lửa đốt hoài trên chốt đỉnh”.
Đầu năm 1946, Xuân Diệu lại hoàn thành tiếp bản trường ca thứ hai “Hội nghị non sông” để ca ngợi Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam do nhân dân bầu ra. Tác giả đã so sánh với hội nghị Diên Hồng đời nhà Trần. Từ đó khẳng định ý chí đoàn kết, thống nhất của toàn dân quyết tâm chiến đấu bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được, bảo vệ nước Việt Nam non trẻ. “Hội nghị non sông” đã mở rộng vòng tay đón muôn lớp người “tay dao, tay súng” đi xây dựng và bảo vệ Nhà nước Việt Nam độc lập đầu tiên. Ngoài ra, Xuân Diệu còn viết các bài thơ khác như “Một cuộc biểu tình”, “Tổng… bất đình công”… để đả kích, châm biếm bọn Việt gian tay sai đang chống phá chính quyền non trẻ.
Nhà thơ Tố Hữu – lá cờ đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam hân hoan chào đón Cách mạng Tháng Tám ở ngay trên quê hương mình với bài “Huế tháng Tám”, được viết bằng cảm hứng lãng mạn, sôi trào niềm vui ngây ngất, ghi lại những biến cố trọng đại:
Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời
Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi.
Một năm sau, Tố Hữu viết tiếp các bài “Vui bất tuyệt”, “Giết giặc”, “Trường tôi”, “Hồ Chí Minh”… thể hiện niềm tin vào tương lai của nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo tài tình của Bác kính yêu.
Nguyễn Đình Thi cũng phơi phới một niềm vui khôn cùng trước đất trời giải phóng, trước lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió:
Reo reo hò cờ rực đỏ ánh cây
Thoáng sao vàng nghiêng nghiêng vẫy…
Được biết đến là một thi ca lãng mạn với những áng thơ khuất khúc trong tình yêu đôi lứa, thế nhưng, không khí cách mạng đã phủ lên thơ Thâm Tâm một màu sắc mới, cảm nhận về Đất nước, Dân tộc trong sắc đỏ, sắc vàng của lá cờ Tổ quốc, qua lăng kính cách mạng đẹp biết bao “Hồn thiêng khắp hết cõi bờ/ Sáng nay óng ánh trên tơ vải điều”. Cũng như Thâm Tâm, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh trước Cách mạng Tháng Tám đã từng viết những vần thơ bí hiểm, bế tắc, thì nay đã thể hiện nỗi mừng vui qua những chi tiết rất thực của đời sống dung dị:
Ta khát vô biên ngọn sóng vang
Ta mừng hội gió lúc lên đàng
Nhà thơ – chiến sĩ Trần Mai Ninh lúc này đang hoạt động ở Nam Trung Bộ cũng đã gởi tình yêu mến sâu nặng với đất nước, con người qua hai bài thơ “Tình sông núi” và “Nhớ máu”. Tình đất nước là tình của sông núi, tình của những con người biết “Trộn hòa lao động với giang san”. Những địa danh Nam Trung Bộ giàu đẹp và khắc nghiệt ùa vào bài thơ với giọng điệu phóng túng, táo bạo, tự hào, và bằng một bút pháp tạo hình rất ấn tượng:
Trăng nghiêng trên sông Trà Khúc
Mây lồng và nước reo
Nắng bộn chen dừa Tam Quan
Gió buồn uốn éo
Bồng Sơn dìu dịu như bài thơ
Mờ soi Bình Định trăng mờ
Phú Phong rộng
Phù Cát lì
An Khê cao vun vút…
Những chiến sĩ với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” lại trực tiếp lao vào cuộc chiến đấu mới:
Cả nghìn chiến sĩ
Cả nghìn con bạc, con vàng của Tổ quốc
Sống… trong đáy âm thầm
Mà nắm chắc tối cao vinh dự
Quắc mắt nhìn vào thăm thẳm tương lai.
(Nhớ máu)
Nhà thơ Đoàn Văn Cừ – tác giả của những “bức tranh thơ” nổi tiếng như: “Chợ Tết”, “Đường về quê mẹ”, “Trăng hè” trước Cách mạng Tháng Tám, nay đã diễn tả một nét mới trong hồn dân tộc đang hồi sinh tươi tắn với những sắc màu truyền thống:
Bao thôn nữ hôm qua còn yếm đỏ
Miệng hoa cười tươi tựa ánh bình minh
Hôm nay đều ra khỏi lũy tre xanh
Với dòng máu quật sôi trong huyết quản.
Thơ ca chào mừng nước Việt Nam mới tập trung vào chủ đề Đất nước – Dân tộc với Độc lập – Tự do, đã xây dựng được một hình tượng văn học gây xúc động lòng người. Đó là hình tượng Bác Hồ – người sáng lập Đảng ta, người khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nổi bật là hai bài “Hồ Chí Minh” của nhà thơ Tố Hữu và “Hồ Chí Minh” của Tế Hanh. Tố Hữu lúc này tuy viết về Bác chưa thật hay như một loạt các bài viết về Bác sau này, nhưng đã khắc họa được hình ảnh của vị anh hùng dân tộc kiểu mới, kết tinh được những nét đẹp truyền thống:
Hồ Chí Minh
Hỡi ngọn đuốc thiêng
Trên đầu ta, ngọn cờ dân tộc
Trăm thế kỷ trong tên Người: Ái Quốc
Bạn muôn đời của thế giới đau thương.
Nhà thơ Tế Hanh lại khẳng định môt cách chắc chắn vai trò của Bác đối với con thuyền cách mạng qua những suy nghĩ chân thành, khái quát về đức độ của Người:
Sáng láng, ôn tồn, thành tâm, quyết chí
Sóng gió khinh, sấm sét chẳng kinh hoàng
Hồ Chí Minh, chỉ là Người có thể
Đưa con thuyền Tổ quốc đến vinh quang.
Thơ ca mừng ngày Độc lập, chào đón nước Việt Nam mới là hơi thở của hồn thiêng sông núi, là tiếng đồng vọng của muôn triệu lớp người. Đó là niềm tin, niềm vui bất tuyệt của dân tộc ta, phần lớn được viết theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn. Những vần thơ đa sắc, đa thanh tô thắm vườn thơ ca cách mạng hiện đại. Nó đánh dấu một bước ngoặt của lịch sử dân tộc, một sự đổi đời sau 80 năm nô lệ. Nó tuôn chảy từ huyết quản của những nhà thơ – chiến sĩ. Nó động viên, khích lệ bao lớp người. Nguồn suối thơ ấy đã gần 8 thập kỷ trôi qua nhưng đọc lại ta vẫn thấy tươi tắn, vẫn thấy hừng hực tính thời sự như mới ngày nào.