Cuối ngày 28-8, giá USD tại nhiều ngân hàng (NH) thương mại chốt ở mức mức 24.680 đồng/USD mua vào, 25.020 đồng/USD bán ra. Trong ngày, có thời điểm giá USD rớt khỏi mốc 25.000 đồng, xuống chỉ còn 24.990 đồng/USD. Nếu tính từ đầu tháng 8 tới nay, giá USD trong NH đã giảm khoảng 400 đồng (1,6%).
Bà Nguyễn Thị Thảo Như, Giám đốc Cao cấp Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), phân tích nguyên nhân chính của sự suy yếu đồng USD trên thị trường tiền tệ toàn cầu được cho là kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm lãi suất trong tháng 9. Lãi suất thấp làm giảm sức hấp dẫn của USD với các nhà đầu tư, khiến đồng tiền này mất giá so với các đồng tiền khác.
Ở thị trường trong nước, NH Nhà nước (NHNN) đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm ổn định tỉ giá, bao gồm tăng cường thanh khoản VNĐ thông qua điều tiết thị trường liên NH và bán USD ra thị trường. Việc bơm tiền thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) với lãi suất giảm dần từ 4,5% xuống 4,25% đã giúp hạ nhiệt đáng kể tỉ giá USD/VNĐ.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Maybank, cũng cho rằng FED gần như chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9, giúp giảm chênh lệch lãi suất USD-VNĐ – một trong những nguyên nhân chính khiến VNĐ mất giá so với đồng USD. “Khi lý do gốc rễ nêu trên được giải quyết, VNĐ cũng tăng giá trở lại so với USD. Với nền kinh tế nói chung, giá cả hàng hóa nhập khẩu sẽ hạ nhiệt, giảm bớt áp lực lạm phát. Áp lực tỉ giá giảm cũng giúp NHNN có nhiều không gian điều hành chính sách tiền tệ hơn” – ông Lâm nói.
Về nhóm ngành liên quan khi tỉ giá hạ nhiệt, theo chuyên gia của Maybank, các nhóm nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cao như thép, xăng dầu, đồ uống hay các nhóm có tỉ lệ vay nợ ngoại tệ cao như hàng không, điện, thép, ô tô… cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp.
Chuyên gia của chứng khoán Rồng Việt nhận định tỉ giá hạ nhiệt mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế, đặc biệt là giảm áp lực lạm phát, tăng cường sức mua nội địa và củng cố niềm tin tiêu dùng, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo bà Nguyễn Thị Thảo Như, khi USD giảm, những ngành phụ thuộc lớn vào nguyên liệu, máy móc, và hàng hóa nhập khẩu như công nghiệp chế biến, sản xuất công nghệ và tiêu dùng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc chi phí nhập khẩu giảm.
Ngành bán lẻ cũng được hưởng lợi từ chi phí nhập khẩu hàng hóa nhập khẩu giảm, tạo điều kiện tăng sức cạnh tranh và cải thiện biên lợi nhuận, đặc biệt là đối với các sản phẩm công nghệ, điện tử, và hàng tiêu dùng cao cấp.
“Các doanh nghiệp (DN) trong ngành xây dựng và bất động sản hưởng lợi gián tiếp từ chi phí nhập khẩu vật liệu xây dựng giảm, giúp triển khai các dự án với chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, tỉ giá giảm lại đặt ra thách thức cho các DN xuất khẩu như dệt may, thủy sản và vận tải… ảnh hưởng đến sức cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế” – bà Thảo Như phân tích.
Tác động tích cực
Ông Trần Vũ Khánh, Giám đốc Công ty Hiệp Quang Agro chuyên nhập khẩu các loại nông sản như: bắp, đậu nành, lúa mì…, cho biết tỉ giá giảm mạnh sẽ hỗ trợ tích cực đến giá thành nhiều mặt hàng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu. Ông Khánh cũng đánh giá công tác điều hành tỉ giá USD/VNĐ của NHNN rất tốt, biên độ biến động nhỏ, giúp các DN dễ dàng trong việc hoạch định kinh doanh. “Ở nhiều nước đồng tiền nội địa mất giá đến 2 con số so với đồng USD, việc tiêu thụ hàng nhập khẩu rất khó khăn” – ông Khánh nói.
Trước đó, một số hãng hàng không nói rằng một trong những khó khăn đối với hoạt động kinh doanh của các hãng là chi phí đầu vào tăng do biến động tỉ giá. Do đó, tỉ giá giảm sâu sẽ tác động rất tích cực đến hoạt động của các hãng.
Nguồn: https://nld.com.vn/tho-phao-voi-ti-gia-196240828203513775.htm