(CLO) Việc phe đối lập do Ankara hậu thuẫn lật đổ chế độ Assad và xây dựng chính phủ chuyển tiếp cho phép Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng địa chính trị của mình trong khu vực. Tuy nhiên, không dễ cho Thổ Nhĩ Kỳ gặt hái “chiến lợi phẩm”.
Tham vọng của Thổ Nhĩ Kỳ
“Chiến lợi phẩm” ở đây có thể là các vùng lãnh thổ phía bắc Syria (với Aleppo là trung tâm kinh tế của đất nước), giải quyết vấn đề người Kurd, củng cố vị thế ở Trung Đông, và tất nhiên là việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Qatar qua Ả Rập Xê Út, Jordan, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu.
Thực tế, việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Qatar qua Ả Rập Xê Út, Jordan, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu được Chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ấp ủ từ lâu, kể từ những năm 2000, có thể làm giảm đáng kể sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu (EU) vào khí đốt Nga, đồng thời là một bước đi nghiêm túc về địa chính trị và kinh tế.
Bởi lẽ, đối với Ankara, đây sẽ là một nguồn thu nhập lớn khi họ đang giành được ưu thế trước Brussels; đồng thời, có thể sử dụng đòn bẩy này hiệu quả hơn nhiều so với Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ lấy được tiền từ trong túi các nước châu Âu, mà còn có thể “mặc cả” với các nước này về việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ. Hay thậm chí là cả vấn đề bảo vệ cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức và các quốc gia châu Âu khác.
Tuy nhiên, vào những năm 2000, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã cản trở tham vọng địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ. Chính quyền Damascus từ chối cho phép đường ống đi qua lãnh thổ của mình, bởi giới phân tích cho rằng, quyết định của ông Assad là dễ hiểu khi bảo vệ lợi ích của Nga (vốn là nhà cung cấp khí đốt chính cho châu Âu và giảm sự cạnh tranh từ đường ống dẫn khí đốt từ Qatar) và Iran (vốn cũng muốn gửi khí đốt của mình tới châu Âu).
Cũng có ý kiến khác cho rằng, sự từ chối của chính quyền cũ ở Damascus là một trong những lý do khiến Thổ Nhĩ Kỳ đẩy mạnh cuộc chiến ủy nhiệm nhằm lật đổ Tổng thống Assad, tăng cường hậu thuẫn cho Lực lượng Quốc gia Syria (SNA).
Hiện nay, khi các nhóm đối lập, trong đó có lực lượng SNA do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đã lật đổ được chế độ Assad, thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp chính trị, tạo thời cơ thuận lợi để Ankara có thể khai thác “chiến lợi phẩm” tại Syria.
Những rào cản không dễ vượt qua
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Gevorg Mirzayan, Khoa Khoa học chính trị, Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Nga cho rằng, sẽ không dễ để Chính quyền Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hiện thực hóa kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt qua Syria. Điều này xuất phát từ mấy nguyên nhân sau:
Thứ nhất, vấn đề ổn định Syria để tiến hành việc xây dựng đường ống là trở ngại lớn nhất. Bất đồng quan điểm và xung đột lợi ích quyền lực giữa các lực lượng tuyên bố tham gia vào việc phân chia di sản của chính quyền Assad là rất lớn – giữa người Sunni và người Shiite, người Kurd và người Thổ Nhĩ Kỳ, người Alawite và người Druze, các chính trị gia thế tục và những người theo trào lưu chính thống Hồi giáo, giữa những người ôn hòa và những người cấp tiến.
Liên minh hỗn tạp chống lại chính quyền Assad sẽ rất khó duy trì sau khi ông bị lật đổ. Do đó, không một lực lượng nào có thể bảo đảm an toàn cho việc xây dựng và quan trọng nhất là hoạt động của đường ống, tương tự như bài học ở Libya. Trong điều kiện như vậy, sẽ không có ai đầu tư hàng tỷ USD vào việc xây dựng đường ống.
Thứ hai, Qatar hiện xuất khẩu khí đốt bằng tàu chở dầu tới Đông Á và các thị trường đối tác khác – và nước này đã đầu tư rất nhiều vào việc mở rộng hoạt động xuất khẩu này, đặc biệt là trong việc xây dựng các thiết bị hóa lỏng.
Gửi khí đốt qua đường ống (mặc dù có chi phí rẻ hơn) đến châu Âu đồng nghĩa với việc tước đi một phần xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và nói chung sẽ làm giảm giá khí đốt toàn cầu. Do đó, khoản lợi nhuận chênh lệch của Qatar cũng không đáng là bao.
Về mặt lý thuyết, Qatar có thể chấp nhận những tổn thất trên, nếu Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra những điều khoản phù hợp. Và việc đa dạng hóa các tuyến cung cấp khí đốt cũng đang được một số lãnh đạo Qatar quan tâm. Nhưng điều này làm nảy sinh trở ngại khác, đó là từ Ả Rập Xê Út, nơi mà chiều dài đường ống đi qua là lớn nhất.
Thực tế, mối quan hệ giữa Ả Rập Xê Út và Qatar luôn đối mặt với những khó khăn, thách thức. Xung đột địa chính trị, mối quan hệ cá nhân phức tạp giữa giới lãnh đạo hai nước, quan điểm khác biệt về hồi giáo và các nhóm khủng bố ở Trung Đông, đã dẫn đến những mâu thuẫn, bất đồng, mà cao trào là cuộc khủng hoảng vùng Vịnh từ năm 2017 đến năm 2021.
Mặc dù, cuộc khủng hoảng ngoại giao đã được giải quyết, song không có gì bảo đảm rằng, Ả Rập Xê Út sẽ không lặp lại cách tiếp cận cũ khi mà những mâu thuẫn, bất đồng giữa các bên vẫn còn tồn tại. Kết quả là, sẽ rất khó để vận hành một đường ống dẫn khí đốt quan trọng, thậm chí mang tính chiến lược giữa Qatar và Ả Rập Xê Út.
Thứ ba, người Mỹ cũng không hài lòng với kế hoạch này của Thổ Nhĩ Kỳ. Vào những năm 2000, Mỹ đã tích cực ủng hộ mọi kế hoạch “đa dạng hóa” nguồn cung cấp khí đốt của Nga sang châu Âu với chi phí của các nhà cung cấp khác.
Tuy nhiên, cục diện hiện nay đã khác. Mỹ chắc hẳn sẽ không muốn các nguồn cung cấp khác đe dọa đến vai trò “chiếm lĩnh” của các công ty Mỹ đối với thị trường châu Âu đối với LNG. Và Qatar cũng sẽ phải để ý đến thái độ của Mỹ. Xét cho cùng, vai trò của Mỹ đối với môi trường an ninh ở quốc gia này lớn hơn nhiều so với Thổ Nhĩ Kỳ.
Rõ ràng, với những trở ngại trên, không dễ để chính quyền Tổng thống Erdogan có thể hiện thực hóa kế hoạch xây dựng đường ống dẫn khí đốt qua Syria, qua đó thực hiện tham vọng địa chính trị, kinh tế của mình.
Hùng Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/tho-nhi-ky-gap-kho-trong-khai-thac-chien-loi-pham-o-syria-post327170.html