Người bị suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ (thường gọi là chạy thận nhân tạo) để duy trì sự sống. Hiện tỉnh Hà Nam chỉ có Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Tuy nhiên, do số bệnh nhân ngày càng tăng và số máy chạy thận được đầu tư đã lâu, hỏng nhiều, nên dù đã duy trì hệ thống máy chạy gần như suốt ngày đêm nhưng nhiều bệnh nhân trong tỉnh vẫn không có máy, phải đi tỉnh khác trong khi các tỉnh cũng đang quá tải.
Vào Khoa Nội thận – Lọc máu một ngày đầu hè thấy ở các phòng bệnh đều kín bệnh nhân. Những người bệnh thiêm thiếp trên giường, cơ thể được kết nối với chiếc máy lọc máu cạnh giường bằng rất nhiều dây, thiết bị phụ trợ. Nhiều người bệnh khác mệt mỏi ngồi ngoài hành lang chờ đến lượt.
Một bệnh nhân nhà ở Bình Lục đang ngồi ở hành lang chờ đến lượt cho biết, bác bị suy thận nặng do biến chứng từ bệnh tiểu đường, phải chạy thận nhân tạo gần chục năm nay. Bác cho biết mình vẫn còn may mắn khi thời điểm bắt đầu phải lọc máu BVĐK tỉnh vẫn còn máy trống, bây giờ bệnh nhân đông nhưng bệnh viện lại thiếu máy buộc bệnh nhân phải sang tỉnh khác điều trị. Bác cũng chia sẻ thời điểm biết bị suy thận nặng tưởng sống chẳng được bao lâu nữa, nhưng nhờ chạy thận nhân tạo bác đã sống được thêm gần chục năm nay. Bác sỹ nói, nếu giữ gìn sức khỏe tốt, dinh dưỡng hợp lý, bác còn sống lâu.
Bác sỹ Bùi Văn Nhung, Trưởng khoa Nội thận – Lọc máu cho biết: Những bệnh nhân chạy thận nhân tạo mỗi tuần phải đến bệnh viện lọc máu 3 lần, cách một ngày đến lọc 1 lần, trừ thứ 7, chủ nhật. Khoa có tổng số 33 máy lọc máu chu kỳ nhưng hiện 11 máy đã hỏng. Ngoài ra còn có 2 máy lọc máu chu kỳ online nhưng cũng đã hỏng. 22 máy còn đang hoạt động được khoa phải cho chạy gần như liên tục mới đủ phục vụ cho 215 bệnh nhân chạy thận nhân tạo. Mỗi ca chạy thận nhân tạo sẽ mất 4h. Thường theo quy định của ngành y tế, mỗi ngày chỉ duy trì 3, đến 4 ca. Nhưng vì quá thiếu máy, lượng bệnh nhân lại đông nên khoa phải duy trì đến 5 ca/ngày, mỗi ngày hệ thống máy hoạt động từ 6h hôm trước đến 2h đêm hôm sau. Việc phải tăng ca khiến các y, bác sỹ của khoa liên tục phải làm việc ngoài giờ, quá tải, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống. Những bệnh nhân phải lọc máu ở ca đêm cũng mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe bởi đêm hôm phải chầu trực chờ đến lượt. Đấy là còn chưa kể hệ thống máy đều được đầu tư trên dưới 10 năm, khai thác liên tục trong thời gian dài nên hiệu quả hoạt động hạn chế.
Đã hoạt động hết công suất nhưng vẫn thiếu máy, các bác sỹ phải liên hệ với các trung tâm thận nhân tạo ở các tỉnh bạn xung quanh cho bệnh nhân đến điều trị. Bác sỹ Bùi Văn Nhung, Trưởng khoa Nội thận – Lọc máu cho biết: Hiện tại có khoảng 150 bệnh nhân chạy thận nhân tạo đang lọc máu tại các trung tâm thận nhân tạo ở tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Hà Nội. Đây là những bệnh nhân đến khoa nhưng do không còn máy nên khoa liên hệ và giới thiệu sang tỉnh bạn, chưa kể nhiều bệnh nhân khác tự liên hệ khoa không nắm được. Tuy nhiên, điều đáng nói là các trung tâm thận nhân tạo ở tỉnh bạn hiện cũng đã rơi vào tình trạng quá tải, hết máy trống. Mới đây một bệnh nhân vào khoa nhưng do hết máy trống, khoa đã giới thiệu lên BVĐK huyện Mỹ Đức (Hà Nội) và cũng là bệnh nhân cuối cùng bệnh viện tiếp nhận bởi cũng hết máy trống.
Suy thận giai đoạn cuối, một tuần 3 lần đến bệnh viện, sức khỏe yếu, địa điểm chạy thận nhân tạo càng gần nhà càng tốt cho sức khỏe bệnh nhân. Việc bệnh viện trong tỉnh không đủ máy khiến nhiều bệnh nhân phải đi tỉnh khác xa xôi, chật vật tìm chỗ chạy thận đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe bệnh nhân. Còn chưa kể hầu hết bệnh nhân chạy thận nhân tạo đều thuộc hộ nghèo, dù đã được BHYT thanh toán viện phí nhưng việc phải đi xa khiến họ tốn thêm các chi phí.
Theo TS, bác sỹ Phan Anh Phong, Giám đốc BVĐK tỉnh, theo số liệu chưa đầy đủ, hiện Hà Nam có khoảng hơn 400 bệnh nhân chạy thận nhân tạo, cần khoảng 50-60 máy lọc máu mới đáp ứng đủ, đó là chưa kể đến số bệnh nhân mới sẽ ngày càng tăng. Trong khi đó, bệnh viện chỉ còn có 22 máy đang hoạt động và không biết sẽ hỏng lúc nào vì máy mua đã lâu, lại chạy liên tục. Trước tình hình cấp thiết trên, hiện bệnh viện đang có kế hoạch mua thêm 30 máy chạy thận nhân tạo. Tính cả hệ thống lắp đặt nước tinh khiết RO cho chạy thận nhân tạo, tổng chi phí dự kiến khoảng gần 20 tỷ đồng. Về kinh phí mua máy đang có 2 hướng, xin đầu tư từ ngân sách nhà nước, hoặc vay ngân hàng. Giám đốc BVĐK tỉnh cũng nhấn mạnh thêm, những năm qua bệnh viện thực hiện tự chủ chi thường xuyên và cũng gặp khá nhiều khó khăn. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị lớn bệnh viện cần có sự đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Khoa Nội thận – Lọc máu BVĐK tỉnh được thành lập năm 2010 và năm 2012 bắt đầu có hệ thống máy lọc máu đi vào hoạt động. Những bệnh nhân bị suy thận nặng giai đoạn cuối nhờ được chạy máy lọc máu đã duy trì sự sống, có người đã gắn bó với khoa hơn chục năm nay. Ở các tỉnh xung quanh Hà Nam đều có vài trung tâm chạy thận nhân tạo phục vụ người dân. Tại Hà Nam kỹ thuật này mới chỉ có ở BVĐK tỉnh. Người bệnh cũng như BVĐK tỉnh rất mong bệnh viện được đầu tư thêm máy chạy thận nhân tạo để người không may mắc bệnh được điều trị kịp thời không phải đi xa, đồng thời tạo thuận lợi cho BVĐK trong công tác điều trị.
Đỗ Hồng