Tháng 10/2024 đưa vào khai thác cầu cảng số 3
Ngày 19/3, ghi nhận của PV Báo Giao thông, đến thời điểm này, cầu cảng số 3, cảng Vũng Áng có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng do Công ty CP Cảng Quốc tế Lào – Việt làm chủ đầu tư đến nay đã hoàn tất.
Tại đây, các hạng mục như: bến cập tàu, khu nước trước bến, kè gầm bến, bãi chứa hàng… đã thi công xong. Thời điểm này, các đơn vị thi công đang rốt ráo làm các hạng mục còn lại là tôn tạo mặt bãi cảng, làm các tuyến đường, hệ thống thoát nước.
Ông Nguyễn Trinh Cường, Phó giám đốc Cảng quốc tế Lào – Việt cho biết, hàng hóa thông quan qua cảng Lào – Việt hiện nay xấp xỉ khoảng 3,6 triệu tấn/năm vượt xa thiết kế ban đầu của cảng số 1 và số 2 là 2,6 triệu tấn/ năm.
“Nhu cầu hàng hóa các nơi đổ về cảng Vũng Áng tương đối nhiều, đặc biệt là hàng kali từ Lào về. Do hệ thống bến bãi tại cầu cảng số 1 và số 2 chật hẹp nên đơn vị phải chia sẻ sang các cảng Hòn La (Quảng Bình) và Cửa Lò (Nghệ An)…”, ông Cường thông tin.
Cũng theo ông Cường, bến cảng số 3 Vũng Áng được thiết kế với công suất hàng hóa thông qua khoảng gần 2 triệu tấn/năm. Năng lực đón tàu đến 45.000 tấn.
“Khi cầu cảng số 3 của cảng Vũng Áng hoàn thành đi vào khai thác, khối lượng hàng hóa thông qua cảng Vũng Áng dự kiến tăng thêm khoảng 2 – 3 triệu tấn/năm và có thể tăng lên 10 triệu tấn. Trong đó, hàng quá cảnh của Lào qua cảng sẽ đạt 40 – 50%”, ông Cường thông tin.
Ngay bên cạnh cầu cảng số 3 là cầu cảng số 4 do Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn làm chủ đầu tư cũng đang được đơn vị thi công hoàn thiện các hạng mục cuối cùng.
Bến cảng số 4 có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, tiếp nhận tàu trọng tải đến 45.000 DWT, bao gồm các hạng mục chính: bến cập tàu dài 330m, bãi chứa hàng và khu hậu cần logistics.
“Sau một thời gian thi công, đến nay, công trình Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn đã hoàn thành trên 90% khối lượng. Công ty quyết tâm hoàn thành, đưa vào hoạt động vào cuối năm nay” lãnh đạo Tập đoàn Hoành Sơn thông tin.
Lo ngại không phát huy hiệu quả khi chưa có đê chắn biển
Theo ông Cường, việc đưa vào khai thác các cầu cảng số 3 và số 4 sẽ tạo tiền đề vững chắc về cơ sở hạ tầng, thu hút được thêm các hãng tàu lớn, các tuyến vận tải quốc tế cũng như các nhà đầu tư vào Khu kinh tế Vũng Áng cũng như góp phần giảm tải cho hệ thống cầu cảng số 1 và số 2 đang trong tình trạng quá tải.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay là việc tuyến đê chắn sóng cảng Vũng Áng (giai đoạn 1) với chiều dài khoảng 370m mới chỉ “phủ sóng” được cầu cảng số 1 và số 2.
“Đê chắn sóng hiện hữu nằm ở phía Bắc của bến số 1 và số 2. Việc đưa vào khai thác cầu cảng số 3 và số 4 sẽ giảm công năng khai thác cũng như không đảm bảo an toàn để làm hàng nếu như đê chắn biển (giai đoạn 2) chưa triển khai xây dựng” ông Cường nói.
Ngoài ra, vị trí quy hoạch vùng quay trở tàu trước đó được quy hoạch trước cầu cảng số 2 chỉ đáp ứng cho cầu cảng số 1 và số 2. Nếu vẫn giữ nguyên vị trí quy hoạch vùng quay trở tàu như cũ thì không đảm bảo an toàn khi các tàu ra, vào cập bến.
Được biết, dự án đầu tư bến cảng số 3, cảng Vũng Áng do Công ty CP Cảng quốc tế Lào – Việt làm chủ đầu tư được khởi công từ năm 2015 gồm các hạng mục: Bến cập tàu, khu nước trước bến, kè gầm bến, bãi chứa hàng, hệ thống đường trong cảng và các hạ tầng kỹ thuật, công trình phụ trợ khác.
Cầu cảng số 4 có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng do Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn làm chủ đầu tư có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 45.000 DWT, bao gồm các hạng mục chính: bến cập tàu dài 330m, bãi chứa hàng và khu hậu cần logistics.
Cụm cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) có độ sâu lý tưởng và vị trí “vàng” trên hành lang hàng hải quốc tế, được quy hoạch là cảng loại I trong hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030. Dự báo trong thời gian tới, KKT Vũng Áng sẽ được “lấp đầy” với nhiều dự án, nhà máy sản xuất công nghiệp lớn và lượng hàng hóa quá cảnh từ Lào, Thái Lan đến nước thứ 3 thông qua cảng Vũng Áng ngày càng lớn.
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, logistics đầu tư, phát huy công suất cảng biển, góp phần xây dựng Vũng Áng trở thành trung tâm logistics và dịch vụ cảng biển vùng Bắc Trung Bộ.