Thông tin được đại diện Cục thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT) chia sẻ tại hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”.
Chương trình do Bộ NNPTNT cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức vào sáng 25.11 tại Khánh Hòa.
Trung Quốc thay đổi chính sách mua tôm hùm
Tại hội nghị, ông Trần Công Khôi - Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản cho biết, đối với tôm hùm, giá trị kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đạt gần 130 triệu USD, gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng cao nên tôm hùm liên tục tăng giá, có thời điểm tăng gấp đôi, lên mức 1,7 triệu đồng/kg đối với tôm hùm bông và 1,3 triệu đồng/kg đối với tôm hùm xanh...
Hiện nay, tôm hùm giống đang phụ thuộc nhiều vào nguồn tôm nhập khẩu từ Indonesia, Philippines, Myanmar, Sri Lanka, Singapore. Năm 2022, số lượng giống nhập về là 81 triệu con; 6 tháng đầu năm 2023, con số này là 59 triệu.
Tuy nhiên, ngành tôm hùm gặp một số khó khăn như một số nước cấm xuất khẩu nên nguồn cung thiếu ổn định; tháng 7.2023, ngành chức năng phát hiện 5 lô tôm giống nhập khẩu từ Malaysia nhiễm bệnh đốm trắng do virus - WSSV.
Trong khi đó, ông Phan Quang Minh - Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết thông tin về thông báo chính thức của phía Trung Quốc liên quan đến việc thu mua tôm hùm nuôi.
Đây là vấn đề được nhiều người nuôi biển ở Việt Nam đặc biệt quan tâm, nhất là trong bối cảnh nhiều vựa tôm hùm ở nước ta đang đến kỳ thu hoạch.
Ông Phan Quang Minh cho biết, biện pháp quản lý tôm hùm được Trung Quốc thay đổi năm 2023, định nghĩa tôm hùm nuôi là phải bắt nguồn từ con giống F2.
Cần tập trung nghiên cứu, tháo gỡ trước yêu cầu từ phía Trung Quốc
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đề cập đến các yêu cầu sắp tới của Trung Quốc về con giống và đề nghị các đơn vị liên quan cần tập trung nghiên cứu và tháo gỡ.
Ông Phùng Đức Tiến cũng nhìn nhận một số vấn đề của nuôi biển hiện nay, như về giống còn chưa chủ động, giống giả, kém, không rõ nguồn gốc, nhập lậu còn nhiều. Về thức ăn, vẫn dùng cua, cá là chính, nên gây ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có quy hoạch tổng thể, điều này tạo ra khó khăn cho giao mặt nước biển. Chưa kể, thu hoạch, chế biến cũng chưa tạo ra giá trị gia tăng lớn.
Về nuôi biển, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh đây là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng với diện tích mặt biển trên 1 triệu km2, do đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22.10.2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.
“Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 1664 đặt mục tiêu sản lượng thủy sản đến năm 2025 đạt 800.000 tấn nhưng hết năm 2022, chúng ta đã đạt được 740.000 tấn và sẽ sớm về đích mục tiêu 800.000 tấn”- Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Nguồn
Bình luận (0)