Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến 20/4/2024, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt hơn 9,27 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế đến nay, cả nước có 40.049 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 478,58 tỷ USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân.
Đặc biệt, chỉ số niềm tin kinh doanh tại Việt Nam chứng kiến sự gia tăng. Trong Quý I/2024, chỉ số niềm tin kinh doanh từ cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu vào nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức cao nhất từ năm 2022, đạt 52,8. Điều này thể hiện sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam, đặc biệt trước những chính sách chủ động, tập trung vào nhà đầu tư và nỗ lực liên tục nâng cao sự ổn định và khả năng cạnh tranh toàn cầu của thị trường.
Dòng vốn FDI tăng trưởng và đa dạng về ngành hàng đi kèm chỉ số niềm tin kinh doanh tiếp tục ở mức khả quan đã cho thấy Việt Nam là thị trường tiềm năng cho nhiều loại hình doanh nghiệp, từ đó kéo theo nhu cầu về văn phòng càng gia tăng.
Hoạt động cho thuê văn phòng cũng diễn ra hết sức sôi động. Đơn cử trong quý I/2024, thị trường Hà Nội ghi nhận khách thuê nhóm ngành công nghệ thông tin chiếm nhiều diện tích nhất với 71% diện tích giao dịch cho thuê. Theo sau là khách thuê thuộc ngành Sản xuất với 17% và Luật với 12%.
Đặc biệt, xu hướng lựa chọn văn phòng của khách thuê phụ thuộc vào nhiều yếu tố và giá cả không phải là yếu tố duy nhất mà doanh nghiệp cân nhắc, nhất là với các khách thuê có xu hướng nâng cấp văn phòng lên các tòa nhà hạng A. Đối với nhiều công ty, việc chuyển đến các tòa nhà văn phòng có chứng nhận xanh là ưu tiên hàng đầu hoặc thậm chí là yêu cầu bắt buộc, bởi đó là một phần trong cam kết ESG toàn cầu với các cổ đông của họ và cả các quy định pháp luật liên quan.
Đôi khi các công ty sẵn sàng trả thêm phí để có tòa nhà chất lượng tốt hơn với chứng nhận xanh, mang lại môi trường làm việc hiệu quả cho nhân viên và xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực đối với khách hàng. Vì vậy, mặc dù giá cả rõ ràng là một yếu tố rất quan trọng, nhưng nó không phải yếu tố quyết định.
Theo ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, đơn vị này cũng đã ghi nhận sự khác biệt giữa các tòa nhà được chứng nhận xanh và các tòa nhà không được chứng nhận. Các tòa nhà cũ, không đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh hiện sẽ đứng trước áp lực giảm giá thuê lớn hơn khi không thể cạnh tranh với các tòa nhà có chứng nhận xanh. Bằng chứng là một số chủ nhà, đặc biệt đối với văn phòng hạng B, đã phải giảm giá thuê để giữ chân khách, khiến giá thuê gộp tại thị trường Hà Nội trong Quý I/2024 ghi nhận mức giảm nhẹ, 1% theo quý và 2% theo năm.
“Yếu tố giá cả rõ ràng là quan trọng. Nhưng giống như bất kỳ thứ gì khác, nhiều người sẵn sàng trả tiền cho những trải nghiệm chất lượng. Giống như việc mua xe hơi, quần áo hoặc túi xách, đôi khi sự chênh lệch về giá là có thể chấp nhận đối với các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao hơn”, ông Matthew Powell cho biết.
Tuy nhiên, dù giá cả không phải là yếu tố then chốt, nhưng giảm giá lại là ưu đãi được nhắc đến nhiều trong việc giữ chân khách thuê. Về vấn đề này, ông Matthew Powell cho rằng, chi phí đầu tư cho các tòa nhà xanh là chi phí đầu tư mang tính dài hạn. Trong khi đó, câu chuyện về giảm giá là câu chuyện ngắn hạn.
Vì khách thuê văn phòng thường sử dụng lâu dài, tối thiểu 5-10 năm, thậm chí lâu hơn. Vậy nên, những tòa nhà văn phòng xanh được phát triển bền vững là yếu tố hết sức quan trọng để chủ đầu tư giữ được khách thuê ở lại lâu dài. Như vậy, bài toán hiện tại dành cho chủ đầu tư các dự án xanh chính là đầu tư dài hạn.
Nguồn: https://www.congluan.vn/thi-truong-van-phong-khong-chi-la-bai-toan-canh-tranh-ve-gia-post294819.html