Thiếu nhân lực phục vụ người giàu có
Thị trường tài chính Việt Nam đã phát triển đáng kể trong những năm gần đây, song hành với nhu cầu quản lý gia sản ngày càng gia tăng của khách hàng. Theo ước tính của hãng tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey, đến năm 2027, Việt Nam được dự đoán sẽ trở thành thị trường tư vấn tài chính cá nhân (PFA) trị giá khoảng 600 tỉ USD. Tương ứng tăng trưởng với tốc độ 11%/năm từ mức PFA cơ bản khoảng 360 tỉ USD tính đến cuối năm 2022.
Dù có dư địa vô cùng to lớn nhưng ông Bruce Delteil – Giám đốc điều hành McKinsey & Company Việt Nam – đánh giá ngành quản lý gia sản tại Việt Nam vẫn chưa phát triển tương xứng và hầu như không theo kịp nhu cầu của khách hàng. Những thách thức bắt nguồn từ chính bên trong ngành dịch vụ tài chính cũng như các ngành khác đang kéo chân lĩnh vực quản lý gia sản của Việt Nam.
Trong những điểm bất cập được chỉ ra khiến ngành quản lý gia sản của Việt Nam tụt lại phía sau, đại diện từ McKinsey nhấn mạnh vào chất lượng của chuyên viên khi không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
“Một trong những thách thức lớn trong thị trường quản lý gia sản của Việt Nam là hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển hoạt động dịch vụ khách hàng giàu có. Đây là chủ đề xuất hiện nhiều lần trong các cuộc trò chuyện của chúng tôi với các bên trong ngành” – ông Bruce Delteil nói.
Đồng quan điểm, ông Ngô Thành Huấn – Giám đốc điều hành CTCP Quản lý gia sản FIDT – cho biết: “Khi nhu cầu hoạch định tài chính toàn diện gia tăng trong thì đương nhiên sau đó phải là nhu cầu tìm hiểu các kiến thức và kinh nghiệm về quản trị tài chính một cách bài bản và hệ thống; chứ không phải là những kiến thức góp nhặt từ đồng nghiệp, bạn bè hay mạng xã hội.
Đã đến lúc chức danh tư vấn tài chính hay chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân cần có một khuôn khổ pháp lý về tiêu chuẩn năng lực, tiêu chuẩn hành nghề và cả tiêu chuẩn đạo đức như các quốc gia phát triển đang làm”.
Ngành nghề dựa trên nền tảng đạo tức
Để ngành nghề hoạch định tài chính trở nên chuyên nghiệp và phát triển tại Việt Nam, ông Ngô Thành Huấn nhấn mạnh cần chú trọng vai trò cốt yếu của đạo đức trong quá trình tác nghiệp. Bởi ngành này được xây dựng dựa trên sự tin tưởng và tín nhiệm mà khách hàng đặt vào các nhà hoạch định tài chính của họ. Nếu các nhà hoạch định tài chính hành xử phi đạo đức, họ có nguy cơ làm tổn hại danh tiếng của ngành và làm tổn hại đến lợi ích của khách hàng, gây mất niềm tin.
Ông Huấn dẫn chứng một nghiên cứu bởi Bigel vào năm 1998 với các nhà hoạch định tài chính hành nghề tại Hoa Kỳ. Kết quả cho thấy các nhà hành nghề tư vấn tài chính có chứng chỉ CFP đã nhận được đánh giá đạo đức cao hơn so với những người không có bằng cấp này. Điều này cho thấy việc thực hành các quy tắc đạo đức ảnh hưởng đến việc ra quyết định có đạo đức của những người hành nghề hoạch định tài chính.
Bên cạnh đó, ông Bruce Delteil gợi ý các đơn vị có thể mạnh dạn tìm kiếm nhân tài không chỉ trong lực lượng lao động truyền thống của ngành quản lý gia sản. Ví dụ như xem xét cả lực lượng lao động của các nhà bán lẻ cao cấp và đại lý bán xe hơi sang trọng. Đây là những người có sở trường về dịch vụ khách hàng và quản lý quan hệ khách hàng. Việc hợp tác với các tổ chức uy tín để cùng phát triển các chương trình chứng nhận có thể nâng cao uy tín và tạo ra giá trị khác biệt nhằm thu hút đội ngũ nhân sự chất lượng cao.