Để chuẩn bị cho báo cáo trình Thường trực Chính phủ về phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 trở đi, vào ngày 24.8, tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với công tác quản lý chất lượng và thanh tra, kiểm tra khối sở GD-ĐT do Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.HCM, Bộ GD-ĐT đã đưa ra 2 lựa chọn để lấy ý kiến lãnh đạo sở GD-ĐT các địa phương.
Theo đó, hình thức thi tốt nghiệp THPT theo môn, trong đó các môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử (đối với giáo dục phổ thông); ngữ văn, toán, lịch sử (đối với giáo dục thường xuyên) và các môn học lựa chọn ở bậc THPT gồm: vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.
Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT đã đưa ra 2 lựa chọn để khảo sát ý kiến lãnh đạo các sở GD-ĐT về phương án thi tốt nghiệp áp dụng đối với học sinh học theo chương trình GDPT 2018, tức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trở đi.
Theo đó, lựa chọn 1 gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn đã lựa chọn học.
Lựa chọn 2 gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn đã được học, trong đó có cả môn lịch sử.
Trước 2 lựa chọn mà Bộ GD-ĐT đưa ra như trên, hiệu phó một trường THPT có tiếng tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) cho rằng lựa chọn thứ 2 là phù hợp.
Vị hiệu phó này cho rằng, học bắt buộc, chẳng hạn đối với môn lịch sử còn thi là tùy thuộc vào nhu cầu, năng lực. Học theo định hướng nghề nghiệp chứ không còn là kiểm tra kiến thức nên lựa chọn thứ 2 với 3 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn trong số các các môn đã học, bao gồm cả môn lịch sử, là phù hợp với mục tiêu mà chương trình 2028 đã đề ra. Như vậy có 5 môn thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng giúp kỳ thi nhẹ nhàng hơn. Nếu sử dụng lựa chọn 1 như Bộ GD-ĐT từng đưa ra trong dự thảo trước đây sẽ khiến kỳ thi tăng số môn đồng thời nghiêng về các môn khối xã hội.
Đồng thời, hiệu phó này cho rằng các trường ĐH hiện đã có nhiều phương thức tuyển sinh riêng, trong đó ngày các có xu hướng tăng tỷ lệ hình thức xét tuyển bằng học bạ. “Vì thế lựa chọn ít số môn hơn trong đó 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, 2 môn còn lại là tự chọn trong số các môn đã học là phương án phù hợp, giảm áp lực cho thí sinh”, vị hiệu phó nhấn mạnh.
Tương tự ông Tô Lâm Viễn Khoa, Hiệu phó Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), cũng chọn phương án số 2.
Theo ông Viễn Khoa, việc xét tuyển ĐH hiện đã có nhiều phương thức chứ không chỉ là sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do đó phương án thi nào mà giúp học sinh nhẹ nhàng, giảm áp lực thì sẽ là phương án phù hợp nhất.
Còn ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), cũng có ý kiến việc thi 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 2 môn còn lại là tự chọn trong số những môn đã học, bao gồm cả lịch sử sẽ khiến học sinh thấy thoải mái hơn.
“Bên cạnh đó các em sẽ chủ động, linh hoạt trong việc lựa chọn môn thi sau quá trình học bậc THPT theo định hướng nghề nghiệp, phát huy năng lực, tư duy cá nhân”, ông Phú nhấn mạnh.