Theo con đường đất gồ ghề, khúc khuỷu dài gần 3km, chúng tôi từ trung tâm xã Phiêng Pằn vào đến bản Co Hày, bản làng nhỏ bé của bà con Xinh Mun. Trên xe, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mai Sơn Trịnh Vinh Hiển, bảo: May mà trời không mưa, nếu mưa thì bắt buộc phải đi bộ, xe máy nhiều khi cũng không đi được.
Nhà văn hóa bản hôm ấy đông vui tấp nập. Cả 27 hộ dân của bản đã có mặt từ sớm, để lắng nghe buổi tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng do anh Hoàng Văn Ký – kiểm lâm địa bàn xã Phiêng Pằn phụ trách.
Sinh năm 1986, từng công tác tại vùng cao Bắc Yên, năm 2017, anh Ký nhận công tác tại Hạt Kiểm lâm Mai Sơn. Anh Ký là người dân tộc Thái, sinh ra tại mảnh đất Tường Tiến, huyện Phù Yên. Tháng 1/2023, anh được phân công làm kiểm lâm viên địa bàn, phụ trách xã biên giới Phiêng Pằn.
Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, kiểm lâm viên Hoàng Văn Ký đã xây dựng kế hoạch họp bản, họp dân của 19 bản trên địa bàn xã để thường xuyên tổ chức tuyên truyền các quy định của Luật Lâm nghiệp, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh, huyện, xã và những quy định có liên quan trực tiếp đến quyền lợi, nghĩa vụ của bà con nhân dân về bảo vệ, phát triển rừng.
Quá trình triển khai tuyên truyền có sự tham gia phối hợp của lãnh đạo UBND xã, cán bộ địa chính – môi trường xã và lực lượng biên phòng.
Anh Ký cùng chính quyền xã đã kiện toàn lại tổ công tác của xã, tổ đội quần chúng bảo vệ rừng của các bản, đảm bảo mỗi bản có từ 10-15 người/tổ, thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng, nhất là trong những ngày nắng nóng cao điểm. Xã cũng phân công rõ nhiệm vụ cho các tổ đội tổ chức trực tại các khu vực trọng điểm, dễ cháy, đảm bảo triển khai kịp thời phương án khi có cháy xảy ra.
Dứt lời, anh Ký vội vã chuẩn bị cho buổi họp tuyên truyền. Nội dung buổi tuyên truyền hôm ấy tiếp tục tập trung vào những quy định mới về xử phạt vi phạm lấn, chiếm, phá rừng làm nương rẫy; chính sách hỗ trợ bà con khoán bảo vệ rừng; các chủ trương của UBND huyện Mai Sơn về quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng cây phân tán năm 2023…
Nằm trọn vẹn trong một thung lũng nhỏ, bao bọc quanh bản là màu xanh tươi mát của những cánh rừng. Trước năm 2002, Co Hày chỉ có 9 hộ dân, nay đã tăng lên thành 27 hộ, 135 nhân khẩu, hiện đang quản lý, bảo vệ hơn 100ha rừng với 12 chủ rừng.
Trưởng bản Co Hày, ông Lò Văn Dong cho biết: Nghe theo lời cán bộ kiểm lâm, chúng tôi biết được tác dụng của rừng. Giữ rừng là giữ môi trường sống, giữ đất, nước, hạn chế mưa lũ, xói mòn. Nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước về bảo vệ rừng còn tạo thu nhập cho bà con để phát triển kinh tế. Bởi thế, bà con luôn bảo nhau không được lấn, chiếm, phá rừng làm nương. Bản cũng thành lập tổ đội cùng với cán bộ kiểm lâm thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng. Những năm gần đây, trên địa bàn bản không có vi phạm về rừng.
Rời Co Hày, trên tuyến đường dọc các bản làng vùng cao, tiếp câu chuyện về những ngày mới đến với Phiêng Pằn, anh Ký tâm sự: Thường cuối tuần tôi mới về nhà, thời gian cao điểm thì ở luôn tại xã, bản. Khó có thể kể hết những vất vả, gian nan của người kiểm lâm địa bàn khi ăn rừng, ngủ rừng, sinh hoạt trong rừng hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Thế nhưng, dù mới gắn bó với mảnh đất này hơn 7 tháng, vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, tôi ngày càng cảm thấy yêu quý mảnh đất, con người nơi đây.
Phiêng Pằn là xã vùng biên còn nhiều khó khăn, có 19 bản, 100% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Qua quá trình tuyên truyền, vui là ý thức giữ rừng của bà con Phiêng Pằn rất cao, bà con hiểu, nắm khá rõ quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Phiêng Pằn hiện có hơn 5.000 ha rừng, cao thứ 3 của huyện Mai Sơn, độ che phủ đạt trên 52%.
Song, bà con chủ yếu sinh sống bằng cây ngô, lúa nước, đời sống còn nhiều khó khăn. Bởi thế, vẫn còn một bộ phận người dân lấn chiếm, phát vén vào rừng. Dù mỗi năm chỉ phát vén một ít diện tích, nhưng nếu không kịp thời xử lý, thì sẽ tạo thành hệ lụy xấu.
Do đó, người cán bộ kiểm lâm địa bàn luôn phải nêu cao tinh thần cảnh giác, dù diện tích nhỏ cũng phải xử lý, yêu cầu hộ dân ký cam kết không tái phạm. Với diện tích đã lấn chiếm, kiên quyết không cho trồng cây nông nghiệp ngắn ngày mà phải trồng phục hồi lại rừng.
Nói rồi, anh Ký kể: Ngay tại bản Co Hày, vừa qua, qua theo dõi diện tích rừng bằng ảnh vệ tinh và kiểm tra thực địa, có 3 hộ có diện tích rừng bị giảm. Tôi đã phối hợp với cán bộ địa chính xã để làm việc với 3 hộ dân. Rất thật thà, người dân bảo: Có “lỡ” phát vén một ít vào rừng để trồng cây ngô, sắn.
Trên quan điểm là phải để người dân hiểu, chứ không nặng về xử phạt, chúng tôi đã nói với các hộ dân rằng: Phát vén vào diện tích rừng được giao bảo vệ thì sẽ bị xử phạt; nếu tiếp tục vi phạm sẽ thu hồi, giao lại rừng cho người khác, vậy có tiếc không? Tần ngần một lúc, họ lắc đầu: Tiếc lắm chứ, và cam kết sẽ trồng phục hồi lại diện tích đã bị phát vén. Thế là thành công rồi!
Kiểm lâm “cắm bản” ở các thôn, bản, cùng sinh hoạt, cùng chung tiếng nói với nhân dân, được nhân dân yêu quý, tin cậy. Từ đó, vận động được phần lớn nhân dân tích cực trồng, bảo vệ được rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Thế nhưng để người dân sống được nhờ rừng vẫn là bài toán còn nhiều chông gai. Hiện nay, Sơn La đang trong hành trình xây dựng, triển khai Đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các-bon rừng. Mong rằng, việc kinh doanh tín chỉ các bon rừng sẽ tạo thêm nguồn thu ổn định cho các chủ rừng mỗi năm, cũng sẽ góp phần giúp những người kiểm lâm “cắm bản” nơi đây vơi bớt khó khăn, áp lực giữ rừng.