Nguyên tác văn học Ơi Cải về đâu từng được chuyển thể thành nhiều phiên bản phim, kịch, trong đó nổi bật là Cải ơi của Sân khấu Kịch Nụ Cười Mới và Rau răm ở lại trên Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Do đó Bùi Quốc Bảo đã chọn hình ảnh đoàn lô tô làm bối cảnh tá túc cho ông Hai Lân (Quang Tuấn) trong hành trình đi tìm đứa con gái riêng của vợ bị thất lạc. Lô tô là một nét văn hóa quen thuộc của người dân miền Nam, từ thành thị Sài Gòn cho đến vùng sông nước, theo một nghĩa nào đó cũng rất hợp với chủ đề liên hoan là Khát vọng phương Nam.
Thay đổi mới cũng khiến câu chuyện không còn là bi kịch của riêng người cha dượng, mà còn là bi kịch của những phận đời nổi trôi – những số phận bị ruồng bỏ bởi miệng đời khắc nghiệt. Mỗi một nhân vật đều có những khát khao của riêng mình, tưởng chừng cố chấp thậm chí dại dột nhưng cũng đáng thương bởi những hạnh phúc mộc mạc giản đơn đôi khi lại rất xa tầm với.
Thắm (Khả Như) vì sợ hãi cái nghèo mà không dám nhận lại cha, để rồi phải mang một mặt nạ khác khi đứng trước vị hôn phu. Bích (Phương Lan), đứa con bị bỏ rơi, luôn khát khao một gia đình với người thương đến mức phải bẽ bàng khi bị vạch trần lời nói dối. Bà chủ vựa gạo (Hồng Trang) vốn có tấm lòng nhân hậu lại phải trở nên nhẫn tâm để ngăn cản mối tình đồng tính của con trai. Người xem có thể không đồng tình với hành động ở nhân vật, nhưng một mặt nào đó lại có thể đồng cảm với lý do của họ, với những giá trị và nỗi đau họ theo đuổi.
Có được điều đó là nhờ cách kể chuyện chân phương của Bùi Quốc Bảo cùng diễn xuất tự nhiên, nhập tâm của dàn diễn viên giàu kinh nghiệm: Quang Tuấn, Khả Như, Lan Phương, Hồng Trang, Huỳnh Phương, Huỳnh Quý, Hữu Đằng, Lâm Nguyễn, Dương Thanh Vàng… Bên cạnh đó, các mảng miếng hài cũng được phát huy giúp vở diễn không quá nặng nề, tập trung ở các nhân vật phụ chứ không lạm dụng làm gãy cảm xúc ở dàn nhân vật chính. Nhờ vậy Ông già đoàn lô tô có sự cân bằng giữa bi và hài, giữa yếu tố ý nghĩa và giải trí, không chỉ thích hợp với đi thi mà còn dễ tiếp cận với công chúng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/them-mot-vo-dien-cam-tac-tu-oi-cai-ve-dau-cua-nha-van-nguyen-ngoc-tu-185241201144558886.htm