Các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga đang bị mắc kẹt trong tình trạng lấp lửng, khi có thêm sự không đồng thuận của Hy Lạp. Cùng với Hungary, giới quan sát bình luận, “cặp đôi” đang tìm cách trì hoãn thỏa thuận về các biện pháp hạn chế chống Nga bởi cùng một lý do khá nhạy cảm.
Sau thời gian chủ yếu “chơi một mình” trong Liên minh châu Âu (EU) khi đơn phương phản đối các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, Budapest hiện đang nhận được sự ủng hộ từ Athens – có chung sự hoài nghi đối với các biện pháp hạn chế mới nhất mà EU muốn sử dụng để ngăn chặn dòng tài chính chảy về Moscow.
Hungary và Hy Lạp đều không hài lòng với danh sách các doanh nghiệp của mình bị Ukraine gọi là “Nhà tài trợ cho xung đột quân sự”. (Nguồn: Getty Images) |
EU hiện đang thảo luận về gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine hơn một năm trước.
Nếu 10 gói trừng phạt trước đây, tập trung vào các biện pháp nhằm suy giảm tối đa ngân quỹ của Tổng thống Nga Putin – được cho là để cung cấp tài chính cho chiến dịch quân sự tại Ukraine, Brussels hiện muốn củng cố các biện pháp trừng phạt, tránh các hiện tượng bị lách luật. Vì vậy, trong một bước đi chưa từng có, gói trừng phạt thứ 11 có thể nhắm vào các quốc gia khác được cho là đang giúp Moscow tránh lệnh cấm vận thương mại từ EU.
Nhưng diễn biến mới nhất là Budapest và Athens đã “bắt tay nhau” để cùng ra điều kiện về một vấn đề gai góc liên quan Nga và Ukraine.
Trước đó, Kiev đã liệt kê một danh sách dài các công ty tư nhân và họ gọi là “Nhà tài trợ cho xung đột quân sự”, trong đó bao gồm một số công ty của châu Âu.
“Cặp đôi” Hungary-Hy Lạp đặt điều kiện để một số công ty của họ được loại khỏi danh sách trên, trước khi họ đồng ý với gói trừng phạt chung của châu Âu nhằm vào Nga.
Thông thường, những vấn đề này được cho là không liên quan với nhau, nhưng Hungary và Hy Lạp đã lấy việc đồng thuận với gói trừng phạt thứ 11 làm đòn bẩy chính trị, để đưa các công ty của họ ra khỏi danh sách do Ukraine lập ra. Và chính điều này đã làm dấy lên căng thẳng tại cuộc họp các ngoại trưởng EU hồi tuần trước – nơi Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã trực tiếp chỉ trích Hungary.
Tại một cuộc họp của các đại sứ EU mới đây, Hy Lạp đã đi đầu, dẫn dẵt cuộc thảo luận về đẩy lùi các biện pháp lách luật trừng phạt chống Nga.
“Hy Lạp cho rằng, nếu có bằng chứng cụ thể về việc vi phạm các biện pháp trừng phạt, các quốc gia thành viên liên quan cần quan tâm ở cấp độ kỹ thuật, để việc này được điều tra đầy đủ và sau đó sẽ có hành động thích đáng”, một nhà ngoại giao cho biết.
Khi nhắc tới các công ty Hy Lạp, Athens lên tiếng bênh vực và cho rằng, “trong danh sách đáng xấu hổ mà Ukraine đưa ra, các công ty Hy Lạp đã bị buộc tội là “Nhà tài trợ cho xung đột quân sự”, dù họ không vi phạm các biện pháp hạn chế chống lại Nga”.
Một nhà ngoại giao EU khác nói rằng, dù họ đồng cảm với lập trường của Hy Lạp nhưng “câu hỏi được đặt ra là vấn đề đang gây thiệt hại tới nền kinh tế Hy Lạp đến mức nào?”.
Trong khi Athens khẳng định phải chịu thiệt hại rất lớn, thì một thành viên EU khác lại có quan điểm không thấy vấn đề gì lớn – dù hiện tại họ vẫn cho ý kiến độc lập. Và cuối cùng, nhiều thành viên EU vẫn mong muốn tiến tới gói trừng phạt thứ 11.
Nhà ngoại giao hàng đầu EU Josep Borrell tuyên bố sẽ tìm giải pháp giải quyết những điểm bất đồng trong bản danh sách do Ukraine đưa ra.
Trong khi đó, một nhà ngoại giao EU khác tiết lộ, nếu Hungary và Hy Lạp từ chối đồng ý về bất cứ điều gì trước khi các công ty của họ được ra khỏi danh sách, thì gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga chưa thể có tiến triển mới.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao EU cũng nói rằng, họ hiện có cái nhìn khác nhau về Athens và Budapest. Mức độ thất vọng đối với Budapest cao hơn nhiều so với Athens, do đường lối thân Nga và thân Trung Quốc của họ thường ngăn cản EU đạt được sự nhất trí trong các tuyên bố về Moscow hay Bắc Kinh. Hiện họ cũng đang ngăn chặn việc phê duyệt đợt chuyển tiền thứ tám của EU dành cho Ukraine, để thực hiện cam kết viện trợ quân sự.
Đến nay, phiên bản cập nhật của gói trừng phạt thứ 11 nhằm vào Nga vừa được gửi tới các đặc phái viên EU, không bao gồm những thay đổi lớn. Dự thảo này đã điều chỉnh một số ngôn ngữ kỹ thuật liên quan đến việc giải phóng tài sản bị đóng băng và làm rõ rằng, dầu của Kazakhstan vẫn có thể được gửi qua đường ống Druzhba đến châu Âu.
Dự thảo gói trừng phạt mới nhất này đã bổ sung thêm hơn 50 công ty Nga mà chính quyền EU không được cho phép chuyển giao hàng hóa và công nghệ lưỡng dụng.
Tại cả hai cuộc họp gần đây nhất, Đức và các thành viên khác một lần nữa cân nhắc việc nêu tên và cáo buộc các quốc gia khác, bởi lo ngại sẽ làm tổn hại đến các mối quan hệ ngoại giao hoặc khiến các quốc gia khác bị nghi ngờ đang tạo điều kiện cho các biện pháp trừng phạt vào vũ khí của Nga hoặc Trung Quốc.
Vẫn chưa rõ khi nào các đặc phái viên EU sẽ tiếp tục thảo luận lại về gói trừng phạt thứ 11 – có thể còn phải mất một thời gian nữa trước khi các nhà ngoại giao đạt được tiến bộ thực chất.
Vẫn còn nhiều vấn đề nhạy cảm khiến gói trừng phạt nhằm vào Nga chưa thể có nhiều tiến triển. Tuy nhiên, một số nhà ngoại giao EU tỏ ra khá nóng ruột, muốn sớm đẩy nhanh quá trình, để tránh làm EU phải bối rối.