Ngân hàng Heartland Tri-State ở bang Kansas, Mỹ hôm 28/7 đã bị các cơ quan quản lý buộc phải tạm dừng hoạt động sau khi mất khả năng thanh toán.
Văn phòng Ủy viên Ngân hàng Nhà nước Kansas đóng cửa ngân hàng Heartland Tri-State và chỉ định Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) tiếp nhận ngân hàng này. FDIC cho biết, thỏa thuận này sẽ gây thiệt hại 54,2 triệu USD cho Quỹ bảo hiểm tiền gửi, nhưng đây đã là giải pháp ít tốn kém nhất.
Để bảo vệ các khách hàng của Heartland, FDIC đã đồng ý tiếp nhận tất cả các khoản tiền gửi của ngân hàng này và chuyển nhượng lại cho ngân hàng Dream First, cũng ở Kansas.
Điều này có nghĩa là 4 chi nhánh của Heartland Tri-State sẽ mở cửa trở lại bình thường dưới tên Dream First vào ngày 31/7, và tài khoản của khách hàng sẽ tự động chuyển sang ngân hàng mới.
FDIC cho biết, ngân hàng Heartland Tri-State có tổng tài sản khoảng 139 triệu USD và tổng số tiền gửi là 130 triệu USD tính đến ngày 31/3/2023. Ngân hàng Dream First cũng đồng ý mua “về cơ bản tất cả” tài sản thất bại của Heartland Tri-State.
Các khách hàng cho vay cũng sẽ không bị ảnh hưởng phần lớn, bởi vì FDIC và Dream First Bank đang ký kết một thỏa thuận để chia sẻ các khoản lỗ, theo FDIC.
Theo Văn phòng Ủy viên Ngân hàng Nhà nước Kansas, việc mất khả năng thanh toán của Heartland Tri-State Bank là một sự cố riêng lẻ không ảnh hưởng đến lĩnh vực ngân hàng ở Kansas, và các ngân hàng của Kansas vẫn rất ổn định.
Sự sụp đổ của ngân hàng Heartland Tri-State là vụ sụp đổ ngân hàng thứ năm ở Mỹ trong năm 2023. Hôm 1/5, các nhà quản lý đã tịch thu ngân hàng First Republic và bán tất cả tiền gửi và tài sản của ngân hàng này cho JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. Đáng chú ý, First Repubic đã sụp đổ mặc dù đã nhận được khoản hỗ trợ trị giá 30 tỷ USD từ 11 ngân hàng lớn nhất trong cả nước vào giữa tháng 3.
Trước đó, ngân hàng tiền mã hóa Silvergate cũng công bố kế hoạch tự nguyện thanh lý vào ngày 8/3 do thua lỗ kéo dài do sự thất bại của sàn giao dịch tiền điện tử FTX.
Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), một ngân hàng nổi tiếng cho các công ty khởi nghiệp công nghệ và đầu tư mạo hiểm ở Khu vực Vịnh San Francisco, cũng bị các cơ quan quản lý Mỹ đóng cửa 2 ngày sau đó.
Ngày 12/3, các quan chức New York đã đóng cửa Ngân hàng Signature để dập tắt cuộc khủng hoảng tài chính gia tăng do việc đóng cửa ngân hàng Thung lũng Silicon.
Sau khi Washington Mutual thất bại trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và được mua lại bởi JPMorgan, First Republic, Silicon Valley Bank và Signature Bank lần lượt là ngân hàng lớn thứ hai, thứ ba và thứ tư sụp đổ trong lịch sử nước Mỹ.
Sự sụp đổ của ngân hàng Heartland Tri-State gây ít tổn thất cho Quỹ bảo hiểm tiền gửi (DIF) so với các ngân hàng thất bại đầu năm nay. Ngân hàng Thung lũng Silicon và ngân hàng Signature đã gây ra khoản lỗ ước tính 15,8 tỷ USD cho DIF. Trong khi đó, First Republic gây ra khoản lỗ 13 tỷ USD.
Nguyễn Tuyết (Theo Cryptopolitan, American Banker, CNN)