Trung Quốc – khách hàng lớn nhất của nông sản Việt
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2023, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, ASEAN tiếp tục duy trì là 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam.
Thêm cơ hội, gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc |
Tuy nhiên, năm vừa qua, trừ thị trường Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng dương, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các thị trường chủ lực đều tăng trưởng âm.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc tăng 17% so với năm 2022 và chiếm 23% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp của nước ta năm 2023.
Theo đó, Trung Quốc chính thức vượt Hoa Kỳ trở thành khách hàng lớn nhất của các mặt hàng nông lâm thuỷ sản Việt Nam. Trong năm 2023, Trung Quốc chi tới 12,2 tỷ USD để nhập nông lâm thuỷ sản Việt Nam.
Đến hết năm 2023, Việt Nam đã có 3.013 mã số doanh nghiệp xuất khẩu vào Trung Quốc được cấp. Trong số đó, có 1.570 mã số (chiếm 52%) là những nhóm ngành hàng có nguy cơ cao do 5 cơ quan thẩm quyền quản lý.
Số còn lại 1.443 mã số (chiếm 48%) do doanh nghiệp tự đăng ký theo Lệnh 248. Các nhóm ngành hàng nông sản thực phẩm được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc chủ yếu là các sản phẩm thủy sản và sản phẩm có nguồn gốc thực vật.
Ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam – cho biết, thị trường Trung Quốc là một trong những thị trường trọng điểm về xuất khẩu nông sản của Việt Nam, gần đây Trung Quốc đã ban hành các quy định về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật đối với từng ngành hàng.
Đối với Việt Nam có những ngành hàng đã xuất khẩu truyền thống sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên có những ngành hàng hiện nay đã ký thoả thuận qua các Nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc nhằm thúc đẩy như sản phẩm thuỷ sản, sản phẩm trái cây tươi, sản phẩm có nguồn gốc thực vật, sản phẩm có nguồn gốc động vật như tổ yến nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản thực phẩm.
Đặc biệt từ 2021, Trung Quốc đã ban hành Lệnh 248, 249 về đăng ký doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thực phẩm và quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu, trong thời gian vừa qua Trung Quốc đã phê duyệt cho Việt Nam hơn 3.000 mã sản phẩm cho các nhà máy chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc. Vì vậy, trong thời gian vừa qua việc thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc tương đối thuận lợi.
Tạo điều kiện để tôm hùm bông sớm trở lại thị trường Trung Quốc
Theo các chuyên gia, năm 2024, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiềm năng và còn nhiều cơ hội rộng mở cho nông sản Việt tăng thị phần và giá trị xuất khẩu. Bởi theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa đồng ý sẽ hoàn chỉnh, bổ sung một số nội dung trong 3 Nghị định thư về xuất khẩu thủy sản khai thác tự nhiên, xuất khẩu cá sấu nuôi và xuất khẩu khỉ nuôi từ Việt Nam.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đồng ý mở cửa thị trường và đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục nhập khẩu cho các loại trái cây chủ lực của Việt Nam, trong đó có bơ và chanh leo. Đây có thể xem là một tin mừng cho những người nông dân đang trồng các nông sản này tại Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cũng đồng ý xem xét hồ sơ cho Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm gia cầm vào thị trường Trung Quốc. Đây là thành quả cho sự tích cực, chủ động của Việt Nam sau khi xây dựng được nhiều vùng an toàn dịch bệnh và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đi những thị trường khó tính trước đây.
Ngoài ra, để tăng cường hợp tác giữa các đơn vị kiểm dịch tại khu vực biên giới, sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn, hai bên sẽ tổ chức một cuộc họp giao ban giữa các lực lượng chức năng dọc tuyến biên giới để các đơn vị tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và tháo gỡ những vướng mắc nảy sinh trong quá trình triển khai nhiệm vụ tại cửa khẩu.
Thông tin về chuyến làm việc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc, Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Chính quyền tỉnh Quảng Đông, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – cho biết, với cá tầm, theo luật pháp của quốc tế và các Nghị định thư, đây là sản phẩm được phép trao đổi, mua bán miễn là không nằm trong danh mục hạn chế của CITES. Việt Nam cam kết sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước thực hiện mua bán sản phẩm, kể cả giống.
Với tôm hùm bông, vừa qua phía bạn đã sửa đổi một số quy định, đặc biệt là nghiêm cấm việc khai thác sản phẩm trong tự nhiên, thuộc danh mục bảo tồn động vật hoang dã. Tuy nhiên, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp đã thông tin cho bạn, hàng năm Việt Nam có trên 1.000 tấn tôm hùm bông được nuôi trong lồng bè. Mỗi chu kỳ nuôi khoảng 13 – 18 tháng mới thu hoạch. Vì vậy, đề nghị bạn quan tâm, tháo gỡ khó khăn cho bà con ngư dân nuôi biển.
Về việc này, Trung Quốc cơ bản thống nhất và sẽ tạo điều kiện cho tôm hùm bông của Việt Nam có điều kiện trở lại thị trường Trung Quốc. Cùng với vấn đề cá tầm, hai bên sẽ bổ sung những nội dung liên quan vào Nghị định thư về yêu cầu vệ sinh thú y và kiểm dịch các sản phẩm thủy sản khai thác tự nhiên, nhằm đẩy mạnh kim ngạch hai nước.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, năm 2023 chứng kiến sức tăng trưởng ngoạn mục của sầu riêng, sản phẩm mới được xuất khẩu chính ngạch hơn một năm. Hiện nay, sầu riêng là trái cây có giá trị xuất khẩu, đạt hơn 2 tỷ USD/năm. Do đó, chúng ta có quyền kỳ vọng vào những sản phẩm sắp được Trung Quốc mở cửa.
Với gia cầm, chúng ta có trên 500 triệu con, đã xuất khẩu thành công sang Nhật Bản, Nga, và Hàn Quốc. Nếu thâm nhập được thêm thị trường tỷ dân của Trung Quốc, đó sẽ là cơ sở đề ngành chăn nuôi phát huy hơn nữa quy mô nuôi trang trại và xây dựng các vùng an toàn sinh học.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc cũng lưu ý chúng ta nên quan tâm hơn nữa đến chất lượng, mẫu mã, quy cách đóng gói sản phẩm, tránh tình trạng một số lô hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi giá trị ngành hàng.
Để đứng vững và khẳng định được thương hiệu tại thị trường Trung Quốc, ông Trần Thanh Nam cho hay, sản phẩm phải đáp ứng cả 3 yếu tố: chất lượng, mẫu mã và giá cả hợp lý. Phía bạn đã cơ bản nhất trí về việc tạo điều kiện cho hàng hóa nông sản Việt Nam tiếp cận chợ đầu mối lớn tại tỉnh Quảng Đông, thậm chí dành riêng một không gian để trưng bày.
“Hy vọng thông qua những kết quả trên, các địa phương sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng các nguồn cung nông sản, thực phẩm chất lượng, an toàn đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của phía bạn. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ phối hợp xây dựng được những chuỗi logistics để lưu thông hàng hóa một cách thường xuyên, nhanh chóng, giảm được chi phí trước khi đến tay người tiêu dùng”, ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh.