Việc bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo chính là “liều thuốc” cần kíp để người bệnh bớt khổ, tăng thêm động lực để chống chọi với bệnh tật.
Mẹ tôi mắc bệnh hiểm nghèo suốt 7 năm qua. Gia đình ở một tỉnh lẻ, trong khi bệnh tình phải chữa trị ở tuyến trên nên những năm qua, ngoài nỗi lo tiền bạc để chăm lo cho người bệnh, thủ tục chuyển viện là rào cản khiến gia đình tôi cảm thấy mệt mỏi.
Mẹ tôi phải điều trị tuyến trên là Bệnh viện Huyết học truyền máu TP.HCM. Mỗi lần có giấy hẹn từ bệnh viện là đúng ngày giờ, gia đình tôi phải đưa mẹ từ Quảng Ngãi vào đó để làm thủ tục nhập viện. Trễ hẹn thì phải làm lại giấy chuyển viện.
Và việc trễ hẹn diễn ra thường xuyên vì không phải lúc nào mẹ tôi cũng khỏe và đủ sức cho hành trình dài 1.000km. Có khi thuận lợi về sức khỏe thì đến viện đúng hẹn, nhưng có thời điểm gần đến ngày tái khám, sức khỏe mẹ giảm sút, sốt, không thể đi được.
Vậy là trễ lịch tái khám. Muốn nhập viện điều trị tiếp theo phác đồ thì gia đình phải làm giấy chuyển viện, chuyển tuyến.
Nghe thì đơn giản, song thủ tục phải qua ít nhất 2 cấp và đằng sau đó là một hành trình không mấy thuận lợi cho người nhà và người bệnh. Bởi nguyên tắc căn bản để làm giấy chuyển viện từ cơ sở khám chữa bệnh kê khai trong thẻ BHYT (tuyến huyện) lên tuyến tỉnh bắt buộc phải có người bệnh đi cùng.
Một khi đã mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo thì việc đi đứng rất bất tiện, nguy hiểm. Dẫu bệnh viện có “tạo điều kiện” thì vẫn theo quy trình là bốc số, làm thủ tục nhập viện, đi từng khoa, từng phòng để… khám.
Nhưng thực ra bác sỹ chỉ cần chứng nhận có bệnh nhân là “có thật” và ký xác nhận nhằm đảm bảo hồ sơ chuyển tuyến lên bệnh viện tỉnh để được hưởng BHYT. Nhanh thì 2 giờ đồng hồ, chậm thì cả buổi.
Tiếp đến ở bệnh viện tuyến tỉnh, hành trình cũng tương tự.
Không chỉ mất thời gian, công sức cho người bệnh mà quá trình làm giấy chuyển viện, chuyển tuyến ở các bệnh viện lúc nào cũng đông đúc bệnh nhân, ồn ào và môi trường không thật sự an toàn đối với người mắc bệnh hiểm nghèo. Nỗi lo bị lây thêm bệnh khác và nhiều vấn đề phát sinh trong không gian bệnh viện khiến người bệnh sợ.
Chúng ta thừa biết nhiều bệnh viện tuyến huyện, tuyến tỉnh không đủ chuyên môn để điều trị bệnh hiểm nghèo. Song, Luật Bảo hiểm y tế hiện hành quy định quy trình cho người bệnh là vậy, nên để chuyển tuyến điều trị không còn cách nào khác.
Việc này vừa làm người bệnh mệt mỏi, tăng thủ tục hành chính rườm rà, vừa lãng phí nhân lực khi nhân viên y tế, bác sỹ lẽ ra trong khoảng thời gian hỗ trợ làm thủ tục chuyển tuyến, họ có thể dành thời gian đó để khám bệnh, điều trị cho bệnh nhân khác.
Bác sỹ Huỳnh Thị Thuận, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho rằng, dự thảo Luật Bảo hiểm y tế cho phép bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo… là rất cần thiết. Việc này giúp bệnh nhân rút ngắn thời gian, tránh phiền hà và các thủ tục hành chính liên quan. Từ đó, bệnh nhân tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh nhanh nhất để điều trị bệnh.
Bác sỹ Thuận cũng đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể đối với người bệnh, tránh tình trạng đổ dồn lên bệnh viện tuyến trên, dẫn đến áp lực quá tải.
Thiết nghĩ, một khi bất cập đã được nhận diện thì cần phải sớm thay đổi.
Thời gian sống với người mắc bệnh hiểm nghèo không dài. Cuộc chiến đấu với bệnh tật giành giật sự sống là hành trình gian nan. Thế nên, bớt đi một thủ tục cũng đồng nghĩa với việc đem lại động lực, tăng cơ hội sống cho họ.
Sáng 24/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
Dự án luật lần này tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận.
Trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Cụ thể, dự luật sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.
Bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo… được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.
Theo đó, dự luật quy định người bệnh được tự đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật cơ bản hoặc chuyên sâu trong trường hợp chẩn đoán xác định, điều trị một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao theo danh mục bệnh, kỹ thuật quy định của bộ trưởng Bộ Y tế: thanh toán 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế nội trú và ngoại trú theo tỉ lệ phần trăm mức hưởng quy định.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/them-co-hoi-cho-nguoi-mac-benh-hiem-ngheo-192241024150208024.htm