Thế hệ trẻ cần sẵn sàng thử nghiệm và thích nghi với những thay đổi trong thời đại số

Báo Quốc TếBáo Quốc Tế04/02/2025

Thế hệ trẻ hiện nay có tư duy cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm và thích nghi với những thay đổi. Họ không ngại phá vỡ quy tắc cũ để tạo ra cái mới. Đó chính là tiền đề cho những sáng tạo, thể nghiệm mới của những người trẻ.


Giáo dục
PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, thách thức lớn mà thế hệ trẻ hiện nay đang phải đối mặt đó là sự quá tải thông tin và khó khăn trong việc chọn lọc. (Ảnh: NVCC)

Nhân dịp đầu năm mới, PGS. TS. Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam những góc nhìn về cơ hội và thách thức của thế hệ trẻ trong thời đại số.

Theo ông, thế hệ trẻ hiện nay có những cơ hội gì lớn nhất trong việc học hỏi và phát triển trong kỷ nguyên số?

Người trẻ hiện nay đang sống trong một thời đại mà thế giới thực và thế giới ảo tồn tại song song. Một thời đại mà các phương tiện tự lái, thiết bị đeo thông minh và công nghệ học tập thực tế ảo tích hợp AI trở nên phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Chúng sẽ mở ra rất nhiều cơ hội.

Cơ hội học tập cá nhân hóa dựa trên AI cho phép người học tiếp cận nội dung học tập được thiết kế riêng theo nhu cầu, tốc độ và sở thích của họ. Điều này giúp tối ưu hóa quá trình học tập và tăng cường hiệu quả.

Internet sẽ cung cấp quyền truy cập không giới hạn vào các nguồn tài liệu, tri thức nhân loại và các khóa học từ các trường đại học hàng đầu thế giới, các cộng đồng nhà khoa học quốc tế. Điều này giúp thế hệ trẻ mở rộng kiến thức vượt ra khỏi rào cản ngôn ngữ và biên giới địa lý.

Sự hỗ trợ từ công nghệ AI, thực tế ảo và thực tế tăng cường cung cấp nền tảng để họ thử nghiệm ý tưởng, phát triển sản phẩm mô phỏng và kết nối sản phẩm với thị trường để khởi nghiệp với chi phí thấp.

Nhờ công nghệ, người trẻ dễ dàng tạo ra những mạng lưới kết nối toàn cầu để tìm kiếm cơ hội hợp tác và xây dựng mối quan hệ phát triển sự nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ dễ dàng hơn trong việc tự định hướng và phát huy tính tự chủ học tập và phát triển sự nghiệp theo sở thích và năng lực bản thân thay vì bị bó hẹp trong các khuôn khổ truyền thống.

Bên cạnh cơ hội, thế hệ trẻ phải đối mặt với những thách thức nào trong quá trình học tập và trưởng thành trong môi trường số hóa ngày nay?

Những thách thức lớn mà giới trẻ hiện nay đang phải đối mặt đó là sự quá tải thông tin và khó khăn trong việc chọn lọc. Lượng thông tin khổng lồ trên Internet khiến việc phân biệt đâu là nguồn đáng tin cậy và đâu là thông tin sai lệch trở nên khó khăn. Điều này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn và xu hướng tiếp thu những kiến thức nhanh, kiến thức "mỳ ăn liền", kiến thức rác và không chính xác.

Việc sử dụng công nghệ quá mức có thể gây ra các vấn đề phụ thuộc và nghiện mạng xã hội, nghiện Internet, nghiện game online, nghiện mua sắm online. Từ khóa “brain rot” (não mục rữa) được xem là từ của năm 2024 chỉ rõ ảnh hưởng của việc nghiện Internet và lướt tin rác quá nhiều dẫn đến suy giảm nhận thức, khó tập trung chú ý, giảm trí nhớ khả năng xử lý thông tin, khó đưa ra những suy nghĩ sâu sắc có ý nghĩa, mất phương hướng dẫn đến khả năng ra quyết định kém và tâm trạng tồi tệ. Có một thực tế là bộ phận thanh thiếu niên cảm thấy lo âu và trống rỗng khi không có điện thoại bên cạnh.

Khi ranh giới địa lý bị xóa nhòa bởi công nghệ, thế hệ trẻ Việt Nam đang phải cạnh tranh không chỉ với bạn bè cùng lứa trong nước mà còn với cả những người trẻ tài năng từ khắp nơi trên thế giới. Điều này có thể dẫn đến căng thẳng và áp lực tâm lý với vị trí công việc tương lai và nguy cơ tụt hậu, thất nghiệp khi vẫn trong độ tuổi lao động.

Họ cũng căng thẳng và gặp nguy cơ lớn hơn với các vấn đề bảo mật dữ liệu cá nhân, quyền riêng tư và hành vi thiếu đạo đức trên mạng xã hội cũng như bản thân họ phải rất cẩn trọng với vấn đề liêm chính khi sử dụng AI trong công việc, sự nghiệp và cuộc sống.

Ông đánh giá như thế nào về khả năng thích ứng của thế hệ trẻ với những thay đổi nhanh chóng của kỷ nguyên số, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục?

Phải khẳng định, với cái tên “thế hệ công dân số” (Digital natives) nên khả năng tiếp thu công nghệ và thích ứng với chuyển đổi số của giới trẻ hiện nay rất nhanh. Họ dễ dàng làm quen với các công cụ AI, phần mềm mới và xu hướng công nghệ. Điều này giúp họ tận dụng hiệu quả các phương tiện hỗ trợ học tập mới nhất.

Có tư duy cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm và thích nghi với những thay đổi, người trẻ không ngại phá vỡ quy tắc cũ để tạo ra cái mới, làm tiền đề cho những sáng tạo, thể nghiệm mới của những người trẻ.

Việc học tập của thế hệ trẻ hiện nay không còn giới hạn trong một không gian giảng đường hay sách giáo khoa hàn lâm nữa mà họ đã biết cách kết hợp nhiều nguồn tài liệu khác nhau từ video, podcast, các bài giảng cộng đồng, cuộc nói chuyện chuyên gia, thậm chí là các trợ lý AI.

Tuy nhiên, họ cần những "ngọn hải đăng" định hướng để không bị lạc trong “biển thông tin” và để không bị mắc kẹt trong thế giới ảo mà quên mất đi thế giới thực. Đó là những "người thầy” mới của thời đại số.

Thế hệ trẻ
Thế hệ trẻ hiện nay có tư duy cởi mở, sẵn sàng thử nghiệm và thích nghi với những thay đổi. (Nguồn: VGP)

Theo ông, những kỹ năng và phẩm chất nào là cần thiết để thế hệ trẻ có thể thành công và phát triển trong kỷ nguyên số?

Các nhà tuyển dụng trong phiên thảo luận về tương lai việc làm (Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2025) đã liệt kê 26 kỹ năng cốt lõi để một cá nhân thành công và phát triển trong kỷ nguyên số. Những kỹ năng này chia làm 8 lĩnh vực: kỹ năng nhận thức, kỹ năng làm việc nhóm, đạo đức, kỹ năng quản lý, khả năng tự hiệu chỉnh, kỹ năng công nghệ, kỹ năng thể chất và khả năng giao tiếp.

Trong đó, 5 kỹ năng quan trọng hàng đầu được các nhà sử dụng lao động đưa ra là: Tư duy phân tích (69%); Khả năng thích nghi, linh hoạt và phục hồi nhanh sau thất bại (67%); Khả năng lãnh đạo và ảnh hưởng xã hội (61%); Tư duy sáng tạo (57%); Tự tạo động lực và nhận thức bản thân (52%).

Có thể nói, thị trường lao động hiện nay đánh giá cao tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề phức tạp; sự thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, sức sáng tạo và cộng tác xã hội. Thị trường không đánh giá cao những năng lực như khả năng cảm nhận và xử lý cho vừa lòng người khác hay sự khéo léo của đôi bàn tay, sức bền về thể lực nữa.

Thế hệ trẻ ngày nay cần ý thức và rèn luyện để sớm để sở hữu những kỹ năng trên, bảo đảm một sự nghiệp thành công. Tất nhiên, bên cạnh kỹ năng thì phẩm chất đạo đức và trách nhiệm xã hội luôn là yếu tố nền tảng để sự thành công của các bạn là bền vững.

Ông có lời khuyên nào dành cho các bậc phụ huynh, nhà trường và những người làm giáo dục để giúp thế hệ trẻ tận dụng tối đa cơ hội và vượt qua thách thức trong kỷ nguyên số?

Phụ huynh cần tạo môi trường giáo dục lành mạnh và giàu trải nghiệm để khuyến khích con cái tự tìm hiểu, khám phá và đặt câu hỏi thay vì chỉ học thuộc lòng những vấn đề lý luận. Cần nêu gương sử dụng công nghệ một cách hữu ích, lành mạnh, hỗ trợ con sử dụng công nghệ một cách cân bằng, tránh nghiện mạng xã hội, trò chơi điện tử và tiếp xúc với những nguồn thông tin độc hại, rác.

Nhà trường có trách nhiệm chính trong việc nâng cao năng lực số, năng lực AI cho người học. Sử dụng các công cụ số để tăng tính tương tác và cá nhân hóa trải nghiệm học tập phát huy tiềm năng. Giáo dục nâng cao đạo đức số (ý thức về quyền riêng tư, bảo mật thông tin và trách nhiệm trích dẫn khi sử dụng các nguồn tin trên internet). Nhà trường cũng phải là nơi gieo mầm cho các năng lực tư duy phản biện, tinh thần đổi mới sáng tạo, thấu hiểu người khác và tinh thần doanh nhân, khởi nghiệp.

Những nhà quản lý giáo dục cần có chính sách hỗ trợ và nâng cao năng lực số, năng lực sư phạm số cho người giáo viên để thích ứng với môi trường dạy học 4.0. Cung cấp các cơ chế chính sách và trang thiết bị để người học và giáo viên thực hành, thử nghiệm, sáng tạo ra các sản phẩm hữu hình thay vì chỉ học lý thuyết. Người làm giáo dục cần tạo cơ chế chính sách để có sự kết nối giữa nhà trường – viện nghiên cứu – các doanh nghiệp công nghệ để cung cấp cơ hội thực tập, học bổng, tài trợ các dự án và chuyển giao các sản phẩm nghiên cứu tiềm năng ra thị trường.



Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

Happy VietNam

Tác phẩm Ngày hè

No videos available