Mức thuế quan sắp áp dụng của Mỹ có thể sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn Trung Quốc. Chuyên gia nhận thấy, Bắc Kinh có nhiều công cụ để đáp trả mức thuế quan từ Washington.
Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ kiện Mỹ lên WTO sau khi ông Trump thông báo áp thuế đối với hàng hóa của Bắc Kinh. (Nguồn: Getty Images) |
Ngày 1/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ thị áp thuế 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc bắt đầu từ ngày 4/2 nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia về fentanyl và người nhập cư bất hợp pháp vào nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mức thuế suất chung 10% sẽ được áp dụng ngoài mức thuế hiện hành lên tới 25% mà ông Trump đã áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của mình.
Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs cho rằng, mức thuế quan bổ sung 10% sẽ làm giảm 0,5% trong tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Trung Quốc trong năm nay.
Ngân hàng trên dự kiến, tăng trưởng GDP thực tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ ở mức 4,5% trong năm nay, khi tăng trưởng giá trong nước vẫn chịu áp lực do nhu cầu yếu và lạm phát tiêu dùng dự kiến chỉ tăng 0,4% vào năm 2025.
Chờ phản ứng từ đồng Nhân dân tệ
Đồng Nhân dân tệ sẽ chịu sự chi phối của quyết định áp thuế. Các thị trường ở Trung Quốc đại lục đang đóng cửa nghỉ Tết Nguyên đán và sẽ tiếp tục giao dịch vào ngày 5/2.
Ông Ding Shuang, nhà kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc và Bắc Á tại Ngân hàng Standard Chartered cho biết, mức tỷ giá Nhân dân tệ ngày 5/2 sẽ là một chỉ báo quan trọng để đánh giá phản ứng của Bắc Kinh đối với việc tăng thuế quan.
Ông nói thêm: “Chúng tôi dự đoán Trung Quốc sẽ chủ yếu dựa vào các biện pháp kích thích để thúc đẩy nhu cầu trong nước, thay vì phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ để bù đắp tác động của thuế quan”.
Kể từ năm ngoái, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã giới hạn tỷ giá hối đoái ở mức dưới 7,20 đổi 1 USD - động thái được coi là tín hiệu cho thấy quyết tâm bảo vệ đồng nội tệ.
Goldman Sachs cho hay, khi thuế quan tăng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có thể cho phép đồng Nhân dân tệ trong nước tăng dần ở mức từ 7,40 đến 7,50 so với USD. Đồng thời, sẽ ưu tiên ổn định tỷ giá hối đoái trước khi nới lỏng chính sách tiền tệ.
Kỳ vọng chính sách tài khóa mở rộng hơn
Công ty Barclays chuyên điều hành dịch vụ tài chính cho biết trong một ghi chú rằng, đất nước tỷ dân đã thành công "né" tác động của mức thuế quan cao trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Trump, nhưng lần này thì khác.
Trước bối cảnh này, các nhà kinh tế kỳ vọng, chi tiêu tài chính sẽ tăng lên để bù đắp áp lực giảm phát của Trung Quốc và thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng.
Quang cảnh cảng hàng hóa tại tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. (Nguồn: Tân Hoa xã) |
Trong khi đó, xuất khẩu trở thành động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Thậm chí, số liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, năm 2023, xuất khẩu đã đóng góp gần 20% GDP của đất nước.
Năm 2024, xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ tăng 4,9%, lên 524,6 tỷ USD, chiếm gần 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này. Thặng dư thương mại của Bắc Kinh với Washington đạt hơn 360 tỷ USD vào năm 2024, cao hơn so với 336 tỷ USD vào năm 2023.
Kể từ khi Bắc Kinh đưa ra hàng loạt biện pháp kích thích vào cuối năm ngoái như cắt giảm lãi suất và gói tài chính 5 năm trị giá tổng cộng 10 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 1,4 nghìn tỷ USD), hoạt động kinh tế của một số lĩnh vực đã ổn định.
Trong năm nay, chính phủ đã cam kết sẽ ưu tiên cho việc thúc đẩy tiêu dùng.
Thị trường đang theo dõi các bước đi chính sách tiếp theo của Bắc Kinh khi căng thẳng thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới dự kiến sẽ gia tăng. Ban lãnh đạo cấp cao của đất nước dự kiến sẽ công bố các biện pháp kích thích tiếp theo và đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm tại các cuộc họp quốc hội thường niên vào tháng 3 tới.
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs kỳ vọng, các nhà hoạch định chính sách sẽ công bố nhiều chính sách tài khóa mở rộng hơn.
Phản ứng của Trung Quốc
Ngày 2/2, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Bộ này cho rằng, việc Mỹ áp thuế "vi phạm nghiêm trọng" các quy định của WTO, đồng thời kêu gọi Washington "tham gia đối thoại thẳng thắn và tăng cường hợp tác".
Ông Lynn Song, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng ING nhận thấy, phản ứng của Bắc Kinh cho đến nay có vẻ “nhẹ nhàng”.
Dù vậy, vị chuyên gia này khẳng định: “Nếu bị 'dồn vào chân tường', sự trả đũa của Trung Quốc có thể mạnh hơn dự đoán của nhiều người. Bắc Kinh có nhiều công cụ để đáp trả, bao gồm tăng cường kiểm soát xuất khẩu hoặc cấm đất hiếm hay các biện pháp nhắm vào các tập đoàn Mỹ phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc".
Nguồn: https://baoquocte.vn/kho-ne-tac-dong-thue-quan-tu-my-trung-quoc-co-the-tra-dua-manh-hon-du-doan-neu-bi-don-vao-chan-tuong-303065.html
Bình luận (0)