Lần đầu tiên, nhiệt độ trung bình toàn cầu vào 17/11 nóng hơn 2 độ C so với thời kỳ trước công nghiệp hóa, theo dữ liệu sơ bộ được chia sẻ trên X bởi Samantha Burgess, phó giám đốc Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus, có trụ sở tại châu Âu.
Ngưỡng này chỉ bị vượt qua tạm thời và không có nghĩa là thế giới đang ở trạng thái nóng lên vĩnh viễn trên 2 độ. “Ước tính tốt nhất của chúng tôi là đây là ngày đầu tiên nhiệt độ toàn cầu cao hơn 2°C so với mức 1850-1900 (hoặc tiền công nghiệp), ở mức 2,06°C”, bà Burgess viết.
Bà Burgess cho biết trong bài đăng của mình rằng nhiệt độ toàn cầu vào ngày 17/11 trung bình cao hơn 1,17 độ C so với mức của giai đoạn 1991-2020, khiến đây là ngày 17/11 ấm nhất trong lịch sử. Nhưng so với thời tiền công nghiệp, trước khi con người bắt đầu đốt nhiên liệu hóa thạch trên quy mô lớn và làm thay đổi khí hậu tự nhiên của Trái đất, nhiệt độ đã ấm hơn 2,06 độ C.
Việc vượt quá mức 2 độ C vào 17/11 diễn ra hai tuần trước khi bắt đầu hội nghị khí hậu COP28 của Liên hợp quốc tại Dubai, nơi các quốc gia sẽ đánh giá tiến trình của mình đối với cam kết của Thỏa thuận Khí hậu Paris nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ so với mức tiền công nghiệp.
Bà Burgess nói với CNN rằng một ngày nhiệt độ tăng trên 2 độ “không có nghĩa là Thỏa thuận Paris đã bị vi phạm”, “nhưng chúng ta có thể dự kiến sẽ có nhiều ngày vượt mốc này trong những tháng và năm tới”.
Dữ liệu của Copernicus là sơ bộ và sẽ cần nhiều tuần để được xác nhận bằng các quan sát thực tế.
Trung Kiên (theo Reuters)