Gần 400 người khuyết tật từ 23 tỉnh thành trên cả nước đã tham gia tập huấn kiến thức kỹ thuật số thông qua một dự án do Đại học RMIT chủ trì, nhằm thúc đẩy hòa nhập xã hội về công nghệ thông tin và truyền thông.
Dự án “Nâng cao kiến thức kỹ thuật số cho cộng đồng yếu thế” được dẫn dắt bởi Tiến sĩ Abdul Rohman và Thạc sĩ Võ Thị Diễm Trang đến từ Khoa Truyền thông và thiết kế, Đại học RMIT Việt Nam.
Diễn ra từ tháng 6-12/2023 với sự tài trợ của Traveloka, mục tiêu chính của dự án là giúp người khuyết tật tiếp cận thế giới kỹ thuật số một cách bình đẳng, an toàn, đạt lợi ích tối đa.
Tiến sĩ Rohman nhấn mạnh: “Trong thời đại mà hầu hết chúng ta đều dán mắt vào điện thoại di động, máy tính xách tay, đồng hồ thông minh hay các công nghệ số khác, thật dễ dàng quên rằng có những người trong xã hội vẫn gặp nhiều hạn chế trong việc kết nối với thế giới xung quanh”.
Vị chuyên gia này nói thêm: “Người khuyết tật thường gặp khó khăn về tài chính khi mua sắm các thiết bị kỹ thuật số. Các ứng dụng và thiết bị cũng thường thiếu các tính năng giúp người khuyết tật dễ dàng sử dụng. Những vấn đề xung quanh quyền riêng tư và vi phạm an ninh cá nhân bắt nguồn từ thời đại AI càng làm mọi thứ trở nên phức tạp hơn”.
Trang bị kiến thức kỹ thuật số
Cải thiện cơ sở hạ tầng kết nối Internet và truy cập vào các thiết bị kỹ thuật số là điểm khởi đầu hợp lý để thu hẹp khoảng cách số hiện tại.
Một buổi tập huấn cho người hướng dẫn với sự tham gia của 12 người khuyết tật đến từ Hà Nội và các địa phương lân cận vào tháng 7/2023. (Ảnh: Nhóm dự án RMIT cung cấp) |
Tuy nhiên, một nhiệm vụ quan trọng không kém là trang bị cho người khuyết tật kỹ năng số để có thể bảo vệ bản thân trong không gian số.
Tiến sĩ Rohman cho biết: “Nhiều người có thể thờ ơ hoặc lơ là với việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong khi nhiều người khuyết tật thậm chí còn không thể tiếp cận những kỹ năng như vậy. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt với rủi ro do hoàn cảnh chứ không phải do lựa chọn của cá nhân”.
Trong khuôn khổ Dự án Nâng cao kiến thức kỹ thuật số cho cộng đồng yếu thế, 27 người khuyết tật đã được tuyển chọn tham gia các buổi tập huấn cho người hướng dẫn (Training of Trainers) để nâng cao kiến thức cũng như kỹ năng lãnh đạo và gắn kết cộng đồng, giúp họ có thể phổ biến kỹ năng sử dụng kỹ thuật số cho những người khuyết tật khác trong cộng đồng địa phương của họ.
Sau đó, những “đại sứ” này đã tiến hành các buổi tập huấn cộng đồng (Training of Communities) về kiến thức kỹ thuật số cho gần 400 người khuyết tật khác, giúp họ tự tin điều hướng trong không gian số, quản lý doanh nghiệp của mình một cách hiệu quả và bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của bản thân.
Nhiều người tham gia chia sẻ sự phấn khích và nhấn mạnh rằng buổi tập huấn giúp họ cảnh giác hơn khi tham gia vào không gian mạng.
Một người khiếm thị cho biết: “Nhờ tham gia tập huấn mà tôi đã học được nhiều kiến thức mới và cũng khá bất ngờ về các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến. Từ giờ trở đi tôi sẽ thận trọng hơn khi cài đặt các ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội”.
Định hình chính sách, thúc đẩy hòa nhập
Không chỉ bó hẹp trong hoạt động đào tạo, dự án còn thực hiện nghiên cứu dựa trên 35 cuộc phỏng vấn chuyên sâu với các lãnh đạo hội người khuyết tật và phỏng vấn nhóm tập trung với người khuyết tật sinh sống tại 23 tỉnh thành ở Việt Nam.
Những hiểu biết sâu sắc thu được là cơ sở cho chuỗi đối thoại chính sách tại Hà Nam, Đà Nẵng, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của đại diện các bộ ngành chính phủ và các tổ chức liên kết với hội người khuyết tật ở từng địa phương.
Tại các buổi đối thoại này, đại diện các bên liên quan khác nhau đã thảo luận về những quan ngại và thách thức về công nghệ cũng như tác động của chúng đến người khuyết tật.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Trung tâm thông tin và giám sát điều hành thông minh TP. Đà Nẵng chia sẻ quan sát rằng một số trang web và nền tảng trực tuyến của các sở, cơ quan trực thuộc thành phố đã tích hợp tính năng thân thiện với người khuyết tật như điều chỉnh cỡ chữ, chuyển đổi văn bản thành giọng nói và sách nói được thiết kế riêng cho người khiếm thị.
Tuy nhiên, các cổng thông tin như vậy vẫn còn rất ít. Do vậy, ông Quốc kêu gọi các bên liên quan không được bỏ qua những thách thức cần giải quyết để người khuyết tật có thể khai thác công nghệ thông tin và số hóa hiệu quả hơn.
Các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp khả thi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật tiếp cận thông tin và sử dụng công nghệ thông tin để cải thiện chất lượng cuộc sống của chính mình.
Chị Nguyễn Thu Phương, trợ lý nghiên cứu Đại học RMIT, đồng thời là thành viên của một hội người khuyết tật ở Hà Nội, nêu bật kết quả tích cực từ buổi đối thoại chính sách tại Đà Nẵng.
Sau buổi đối thoại này, UBND thành phố đã nhanh chóng có công văn gửi các sở liên quan để tìm hiểu và triển khai thực hiện các kiến nghị được đề ra.
Những kiến nghị này bao gồm việc lập danh sách thống kê các cơ sở khách sạn, bệnh viện và nhà hàng dễ tiếp cận với người khuyết tật, tích hợp phần mềm bệnh viện với các tính năng hỗ trợ người khuyết tật như đọc màn hình hoặc khuếch đại âm thanh…
Chị Phương nói: “Điều này cho thấy các cuộc đối thoại chính sách mở đang góp phần thúc đẩy tiến bộ. Đây có thể là diễn đàn hiệu quả để tiếng nói của người khuyết tật được lắng nghe và chuyển thành hành động nhằm tạo ra thay đổi tích cực”.
Một buổi đối thoại chính sách tại TP. Đà Nẵng vào tháng 10/2023. (Ảnh: Nhóm dự án RMIT cung cấp) |
Bước tiếp theo: Chinh phục AI
Mặc dù đã có bước tiến nhất định nhưng hành trình thúc đẩy tiến bộ vẫn phải tiếp diễn. Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng trở nên phổ biến, nhóm nghiên cứu RMIT nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm rằng công nghệ này không làm trầm trọng thêm sự phân biệt đối xử đối với người khuyết tật.
“Giống như nhiều công nghệ khác, các công nghệ dựa trên AI thường khó tiếp cận và có giá cao đối với người khuyết tật. Những người có thể truy cập và đủ khả năng chi trả cho những công nghệ này thì thường không nhận thức được mình phải đánh đổi bằng dữ liệu cá nhân ra sao”, Tiến sĩ Rohman nói.
Ông đánh giá rằng nhiều công nghệ dựa trên AI ra đời mà không hề cân nhắc đến khả năng tiếp cận cho người khuyết tật từ giai đoạn thiết kế đến giai đoạn người dùng cuối. Chúng còn dựa trên các quy chuẩn thông thường để xử lý dữ liệu, khiến người khuyết tật càng trở nên yếu thế hơn.
Vị chuyên gia kết luận: “Mặc dù cách giải quyết dễ nhất là đa dạng hóa nguồn dữ liệu đầu vào để phát triển ứng dụng, giải pháp ý nghĩa hơn cả là mời người khuyết tật tham gia vào từng giai đoạn phát triển sản phẩm – thay vì chỉ hỗ trợ họ như một yêu cầu phát sinh sau này”.