Những tin tức mới nhất cho thấy, nền kinh tế thế giới đang trở nên xấu hơn. Khu vực Eurozone rơi vào suy thoái; kinh tế Trung Quốc giảm tốc mạnh; nền kinh tế lớn nhất thế giới “mấp mé bên bờ vực khủng hoảng”. Một cuộc khủng hoảng kinh tế khác đã thành hình?
“Khủng hoảng vĩnh cửu” dường như đang trở thành bình thường mới? Ảnh minh họa. (Nguồn:bond.org.uk) |
16 năm kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng 2007-2008 và trong suốt thời gian từ đó đến nay, cuộc khủng hoảng này nối tiếp khủng hoảng khác. Các nhà bình luận và kinh tế học thậm chí đã đặt ra một thuật ngữ mới, “permacrisis” (tạm dịch: khủng hoảng vĩnh cửu), để mô tả tình trạng bất ổn, không chắc chắn liên tục và kéo dài.
“Dọn đường” cho… khó khăn tiếp theo
Một số nhà phân tích cho rằng, nền kinh tế thế giới vẫn chưa tìm thấy trạng thái cân bằng mới. Suốt thời gian vừa qua, có thể thấy tất cả biện pháp mà phần lớn chính phủ và ngân hàng trung ương đã thực hiện để thoát khỏi các cuộc khủng hoảng trong quá khứ đơn thuần là “dọn đường” cho những khó khăn mới, thậm chí còn sâu sắc hơn. Kinh tế thế giới vẫn quẩn quanh “vật lộn” với tăng trưởng yếu, lạm phát cao.
Nền kinh tế toàn cầu trong năm 2023 được dự báo tăng trưởng chậm do bất ổn địa chính trị và tác động tiêu cực từ lãi suất cao, lạm phát leo thang…
Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng toàn cầu đã chậm lại đáng kể và nguy cơ căng thẳng tài chính tại các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi gia tăng trong bối cảnh cả lãi suất và lạm phát đều tăng cao. Chuyên gia kinh tế trưởng, kiêm Phó Chủ tịch cấp cao của WB Indermit Gill nhận định, nền kinh tế thế giới đang ở vị thế bấp bênh.
Trong cuộc họp điều hành lãi suất mới nhất của các nhà hoạch định chính sách tài chính Mỹ, dù Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đã quyết định tạm dừng tăng lãi suất, nhưng lại đánh tiếng về hai đợt tăng khác ngay trong năm 2023. Thế giới hy vọng, rồi lại thất vọng, các thị trường lại một phen “đi tàu lượn cao tốc” chao lên rồi lại lộn xuống.
Thế giới chưa đi hết nửa năm 2023, nhưng đã có dự báo rằng, thương mại sẽ tăng trưởng với tốc độ chưa bằng một phần ba so với những năm trước đại dịch Covid-19. Tại các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, áp lực nợ ngày càng lớn do lãi suất cao hơn. Những yếu kém về tài chính đẩy nhiều quốc gia có thu nhập thấp vào cảnh túng quẫn vì nợ nần.
Trong khi đó, nhu cầu tài chính để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững lớn hơn nhiều so với những dự báo lạc quan nhất về đầu tư tư nhân. Các cú sốc chồng chéo của đại dịch cùng với cuộc xung đột Nga – Ukraine và sự suy giảm mạnh trong bối cảnh các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt đã tạo ra trở ngại lâu dài đối với sự phát triển của nền kinh tế thế giới.
Cũng với quan điểm không lạc quan, Phó chuyên gia kinh tế trưởng của WB Ayhan Kose cảnh báo, nhiều nền kinh tế đang phát triển phải vật lộn để đối phó với tình trạng tăng trưởng yếu, lạm phát cao liên tục và mức nợ kỷ lục.
Không chỉ có vậy, những nguy cơ mới – chẳng hạn như khả năng xảy ra tác động lan tỏa rộng hơn từ căng thẳng tài chính mới ở các nền kinh tế tiên tiến – có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Do đó, các nhà hoạch định chính sách cần hành động kịp thời để ngăn chặn sự lây lan bất ổn tài chính và giảm thiểu các tổn thương nội địa trong thời gian ngắn.
Lo ngại về lạm phát leo thang, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) kêu gọi các ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, cũng như thận trọng chống lạm phát. IMF cảnh báo các lỗ hổng hệ thống tài chính tiềm ẩn có thể bùng phát thành cuộc khủng hoảng mới và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay, khiến dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 của IMF chỉ còn 2,8%, thấp hơn 0,1% so với mức dự báo đưa ra trước đó.
“Khủng hoảng vĩnh cửu” là bình thường mới?
Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu công bố ngày 6/6, WB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 lên mức 2,1%, cao hơn so với mức dự báo 1,7% được đưa ra hồi tháng Giêng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 vẫn thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng năm 2022 (3,1%).
Về tăng trưởng kinh tế của Mỹ năm 2023 được WB dự báo đạt mức 1,1%, cao hơn gấp đôi so với mức 0,5% đưa ra vào tháng 1/2023. Tăng trưởng của Trung Quốc dự kiến đạt 5,6%, cũng cao hơn so với mức dự báo 4,3%. Trong khi đó, tăng trưởng của Eurozone được nâng lên mức 0,4%.
Tuy nhiên, Báo cáo lưu ý, tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ nay đến cuối năm sẽ chậm lại đáng kể do những tác động kéo dài và liên tục của chính sách thắt chặt tiền tệ cũng như các điều kiện tín dụng hạn chế. Những yếu tố này tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế trong năm 2024, khiến tăng trưởng toàn cầu thấp hơn so với các dự đoán trước đó.
Về triển vọng năm 2024, báo cáo của WB giảm mức dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống còn 2,4%, từ mức 2,7% đưa ra hồi tháng 1/2023. Nguyên nhân là những tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt và tình trạng suy giảm đầu tư, kinh doanh… khi các nền kinh tế cố gắng giải quyết các vấn đề này thì lại nảy sinh những rắc rối khác.
Cuối năm 2022, từ “permacrisis” được lựa chọn là thuật ngữ nổi bật nhất năm, phản ánh tình trạng mong manh, bất định của năm, với một cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn và tâm trạng “không chắc chắn, lo lắng” bao trùm.
Ông Alex Beecroft, người đứng đầu Nhà xuất bản từ điển nổi tiếng Collins Learning, cho hay, từ “permacrisis” đã lột tả một giai đoạn khủng khiếp diễn ra đối với rất nhiều người trong năm vừa qua. Thuật ngữ trên mô tả được cảm giác sống sót vượt qua nhiều biến động liên tiếp, từ đại dịch Covid-19, thiên tai khắc nghiệt, xung đột ở Ukraine, bất ổn chính trị ở nhiều nơi, năng lượng bị thắt chặt và khủng hoảng giá sinh hoạt…
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde cũng đề cập quan điểm này trong một bài phát biểu trước các nhà lãnh đạo doanh nghiệp rằng, “chúng ta đang sống trong thời kỳ khủng hoảng vĩnh viễn – nơi chúng ta dịch chuyển liên tục từ trường hợp khẩn cấp này sang trường hợp khẩn cấp khác.
Cụ thể, chỉ trong hơn một thập kỷ qua, chúng ta đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất kể từ những năm 1930, đại dịch tồi tệ nhất kể từ năm 1919 và giờ là cuộc khủng hoảng địa chính trị nghiêm trọng nhất ở châu Âu, kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”.
“Khủng hoảng vĩnh cửu” cũng được cho là đã thể hiện được cảm giác bất lực và bi quan sâu sắc trước tình hình kinh tế và chính trị mới hiện nay. Một bài báo của Trung tâm chính sách châu Âu từng viết: “Thế giới chúng ta đang sống sẽ tiếp tục được đặc trưng bởi mức độ bất ổn, mong manh và khó đoán định”.