Tưởng chừng sau năm 2022 với nhiều diễn biến bất ngờ, nhiều sự kiện “không thể nghĩ tới” thì thế giới năm 2023 sẽ diễn ra êm ả, dễ dự báo hơn. Nhưng năm 2023 tiếp tục minh chứng thế giới ngày nay vẫn đầy rẫy những bất định và ngày càng nhiều bất ngờ.
Kinh tế thế giới phục hồi khó khăn
Trên bình diện kinh tế, thế giới bước vào chu kỳ phục hồi với những tín hiệu lạc quan vào thời điểm cuối năm 2022, một phần vì đã thích ứng sau những cú sốc giá năng lượng, lương thực và sốc lạm phát năm 2022, một phần khác bởi triển vọng Trung Quốc phục hồi sau Covid-19 giúp vực dậy nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy đã không có sự phục hồi diệu kỳ nào trong năm 2023. Ngay từ đầu năm, các cuộc vỡ nợ ngân hàng dây chuyền ở Mỹ và Thụy Sỹ đã đẩy các nhà đầu tư, người tiêu dùng toàn cầu trở lại thế “phòng ngự”, khắc sâu tâm lý lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế diện rộng, nhất là ở Mỹ.
Các dự báo trước đó về xu thế phát triển của Trung Quốc trong năm 2023 cũng có phần chệch hướng. Viễn cảnh Trung Quốc sau Đại hội XX sẽ mạnh mẽ phục hồi sau hai năm kiểm toả bởi Covid chưa rõ ràng trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục đối mặt các khó khăn trên thị trường bất động sản, khủng hoảng nợ công ở các địa phương, nạn thất nghiệp trong giới lao động trẻ… khiến quá trình phục hồi kinh tế có nhiều khó khăn.
Mặc dù thế giới đã phải thích ứng với đứt gãy chuỗi cung năng lượng do xung đột Nga-Ukraine, song thị trường năng lượng không thể ổn định, khi xung đột bùng phát bất ngờ ở Dải Gaza, khoét sâu thêm các bất ổn vốn có ở vựa dầu Trung Đông. Trong khi đó, chuỗi cung lượng thực vẫn chưa thể phục hồi khi lương thực ngày càng bị an ninh hoá, khiến nhiều quốc gia phải xem xét lại chính sách xuất nhập khẩu lương thực của mình. Biến đổi khí hậu với nhiệt độ trái đất cao nhất trong 125.000 năm càng khiến mối lo ngại an ninh lương thực trở nên cấp bách, trầm trọng hơn.
Sự đột phá của Trí tuệ nhân tạo là một trong những sự kiện công nghệ đáng chú ý nhất trong năm 2023. Tuy nhiên, niềm hào hứng ở đầu năm rằng ChatGPT-4 sẽ làm động lực cho các lĩnh vực kinh tế mới đã nhanh chóng bị thay thế bởi các mối lo lắng về các tác động tiêu cực của nó, nhất là khả năng trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế nhiều việc làm trí tuệ trong tương lai, kể cả các lao động bậc cao trong lĩnh vực phân tích, sáng tác, thiết kế… Vì vậy, thay vì nhanh chóng tận dụng và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, thế giới lại đang tìm cách kiểm soát và xây dựng luật lệ cho lĩnh vực mũi nhọn này.
Dịch chuyển Tây-Đông, Bắc-Nam mạnh mẽ hơn
Năm 2023 thế giới tiếp tục chứng kiến sự chuyển dịch cán cân sức mạnh và “xoay trục” trên nhiều hướng, nhất là dịch chuyển Tây – Đông, Bắc – Nam và xoay trục về khu vực châu Á từ nhiều hướng. Châu Á vẫn dẫn đầu tăng trưởng toàn cầu, đạt mức từ 4.7-5%, cao hơn mức trung bình thế giới khoảng 3-3.2%. Nhiều nước tiếp tục ban hành hoặc cập nhật tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch hành động hướng về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đến nay trên 20 nước lớn và tầm trung đã có các chiến lược với khu vực này, trong đó thúc đẩy quan hệ với Đông Nam Á và ASEAN được coi là các cấu phần quan trọng.
Năm 2023 chứng kiến sự gia tăng vai trò của các nước phương Nam. Nguyên nhân chính do các nước phương Bắc đang cạnh tranh gay gắt, gây ra các “đại rạn nứt” toàn cầu mà Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guiteres nhiều lần cảnh báo. Sự phân cực giữa các nước phương Bắc làm dấy lên hy vọng các nước phương Nam sẽ vừa là động lực tăng trưởng kinh tế thế giới, đóng góp giải pháp cho các vấn đề toàn cầu, vừa là trung gian làm dịu đi phần nào cạnh tranh địa chiến lược vốn đã lan rộng toàn cầu.
Cùng với các đại chuyển dịch nói trên là các tập hợp lực lượng mới hoặc làm mới các tập hợp lực lượng đã tồn tại lâu năm. Nhiều tập hợp lực lượng mới, ba bốn bên với mục tiêu cụ thể, hình thức tập hợp linh hoạt đã và đang hình thành ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Một số tập hợp lực lượng mới xuất hiện lần đầu ở khu vực, như họp thượng đỉnh ba nước Mỹ-Nhật-Hàn ở trại David (Mỹ, 8/2023); hợp tác bốn bên Mỹ-Nhật-Australia-Philippines (được các nhà bình luận mệnh danh là “Bộ tứ” mới) cho thấy Mỹ đang tích cực củng cố chỗ đứng và vị thế ở trung tâm tăng trường toàn cầu này.
Trong khi đó, Trung Quốc nỗ lực thể hiện là một cường quốc toàn cầu khi liên tiếp cụ thể hoá các sáng kiến và tầm nhìn của mình bằng các kế hoạch và việc làm cụ thể. Sách trắng của Trung Quốc về “Cộng đồng toàn cầu chia sẻ tương lai” ban hành tháng 9/2023 là tài liệu rõ nhất, cụ thể nhất về trật tự thế giới mà Trung Quốc mong muốn và kêu gọi cộng đồng quốc tế chung tay xây dựng. Trung Quốc nỗ lực chứng minh rằng nước này có giải pháp cho các vấn đề an ninh và xung đột toàn cầu dựa trên triết lý và văn hoá riêng mang đặc sắc Trung Quốc.
Cạnh tranh nước lớn gay gắt nhưng không dẫn tới đối đầu trực diện
Cạnh tranh giữa các nước lớn, nhất là giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục là mối quan hệ quan trọng nhất tác động tới cục diện kinh tế – chính trị quốc tế năm 2023. Sự cố “bong bóng khinh khí cầu” ngay đầu năm đã làm xua tan hy vọng về việc nối lại giao thiệp cấp cao Mỹ – Trung để hai nước hàn gắn sau năm 2022 quan hệ sóng gió xung quanh vấn đề eo biển Đài Loan. Việc Mỹ công bố báo cáo cho thấy hai nước đã suýt “cọ xát” tới 300 lần kể từ 9/2021 (trung bình hai ngày một cuộc) cho thấy căng thẳng và nguy cơ cọ xát giữa hai nước đã ở mức rất cao.
Tuy nhiên, năm 2023 cũng cho thấy các nỗ lực và quyết tâm của hai nước kiểm soát cạnh tranh, không để cọ xát bùng phát thành đối đầu trực diện. Nhiều cuộc gặp giữa bộ trưởng ngoại giao, cố vấn an ninh quốc gia với đối tác của mình giữa hai nước đã diễn ra cả công khai và bí mật nhằm giữ cầu và kiểm soát quan hệ, không cho cạnh tranh, đối đầu đi quá xa. Vì vậy, cuộc gặp cấp cao giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden tại San Francisco bên lề Hội nghị cấp cao APEC diễn ra đúng kỳ vọng, giúp hai nước nối lại liên lạc quốc phòng, kiểm soát cạnh tranh chiến lược.
Tuy vậy, cạnh tranh Mỹ-Trung vẫn diễn ra sôi động, nhất là trên các không gian mới (như trên không, dưới mặt biển), và ngấm ngầm trong việc định hình các thiết chế toàn cầu. Trong khi Trung Quốc nỗ lực định hình các thiết chế mới như Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI), Tổ chức BRICS… với các thiết chế đa phương do phương Tây tạo ra sau Thế chiến II thì Mỹ dường như lại như cổ suy cho việc “đập đi, xây lại” các thiết chế mới, nhất là các thiết chế kinh tế. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sulivan, trong phát biểu tại Viện Brookings tháng 4/2023, thể hiện tầm nhìn về các cấu trúc mới chồng chéo, lộn xộn như kiến trúc của Frank Gehry chứ không ngay hàng, thẳng lối như hệ thống Breton Woods sau Thế chiến II.
2024 nhiều sóng to, gió lớn?
Thế giới “đa cực, đa trung tâm” đang hình thành. Quá trình chuyển dịch sang cục diện mới sẽ khó mà dễ dàng, êm thấm. Xoay chuyển cục diện, tương quan lực lượng giữa các nước lớn ắt tạo ra các thay đổi trong tính toán, chiến lược của các nước có liên quan, tạo ra các tập hợp lực lượng cũng như xung đột lợi ích mới. Trong quá trình dịch chuyển đó, các quy tắc, “luật chơi” mới có thể sẽ hình thành, song các quy tắc, luật lệ cũ vẫn sẽ chưa mất đi.
Năm 2024 sẽ là bước ngoặt quan trọng trong giai đoạn quá độ sang cục diện mới của thế giới, trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại, nhiều nước lớn như Nga, Mỹ bước vào kỳ bầu cử quan trọng, nhiều nước và vùng lãnh thổ trong khu vực có thể có chuyển giao quyền lực như Singapore, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc).
Trong thế giới bất định đó, Việt Nam cần hết sức đề cao cảnh giác, đề phòng các yếu tố bất ngờ song cũng cần bình tĩnh, tự tin và lạc quan một cách thận trọng để nhanh chóng nắm bắt các cơ hội, dù là nhỏ nhất để củng cố cục diện và môi trường hoà bình, thúc đẩy hợp tác phục vụ lợi ích quốc gia và lợi ích chung của khu vực và quốc tế.