Từ cách đây cả tháng, nghĩa là khi mùa hè mới chỉ bắt đầu, rất nhiều quốc gia châu Á đã phải vật lộn với nền nhiệt cao kỷ lục. Còn tại nhiều quốc gia châu Âu, vấn nạn nắng nóng thiêu đốt còn hoành hành từ trước đó. El Nino – hiện tượng nóng lên toàn cầu dường như đã không chỉ là nguy cơ như cảnh báo trước đó mà đã là “bóng ma” đang hiển hiện đe dọa toàn cầu.
2023: Năm của những kỷ lục nắng nóng mới?
Ngày 29/5, trong thông báo đăng trên tài khoản chính thức trên mạng xã hội Weibo, Cơ quan thời tiết Thượng Hải (Trung Quốc) nêu rõ: “Vào lúc 13h09, nhiệt độ tại ga metro Xujiahui đạt 36,1°C, phá kỷ lục các mức nhiệt độ cao nhất trong tháng 5 được ghi nhận trong 100 năm qua”. Điều đáng nói là Trung Quốc bắt đầu hứng chịu các đợt nắng nóng ở một số khu vực ngay từ tháng 3 năm nay. Thậm chí tại những địa phương như Vân Nam, Tây Nam Trung Quốc, nơi vốn được biết tới với thời tiết ôn hòa, gần đây đã trải qua mức nhiệt hơn 40°.
Tình hình tại nhiều quốc gia châu Á cũng không khác là bao. Từ tháng 4, tại Lào, nhiệt độ được ghi nhận tại thành phố Luang Prabang ngày 18/4 đã là 42,7°C. Nhiệt độ ở Thủ đô Thái Lan từng lên tới 42°C ngày 22/4 và chỉ số nhiệt (nhiệt độ cảm nhận thực khi kết hợp với độ ẩm) lên tới 54°C. Còn trước đó, phần lớn Thái Lan đã chịu cái nóng ở mức trên dưới 40°C kể từ cuối tháng 3. Myanmar cũng đã lập kỷ lục nhiệt độ vào ngày 17/4 khi Kalewa ở khu vực miền Trung Sagaing đạt nhiệt độ 44°C.
Nhiều vùng ở Ấn Độ đã ghi nhận mức nhiệt hơn 44°C trong khoảng giữa tháng 4 vừa qua và ít nhất 11 ca tử vong gần thành phố Mumbai được cho là do sốc nhiệt. Chính quyền các bang ở nước này đã phải đóng cửa trường học và các bộ trưởng kêu gọi trẻ em ở nhà để tránh đau đầu và mệt mỏi.
Tại Bangladesh, Thủ đô Dhaka cũng trải qua ngày nóng nhất trong gần 60 năm. Ngày 13/5, Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore đã ghi nhận nhiệt độ cao nhất trong 40 năm qua là 37°C.
Tại châu Âu, nghiên cứu vừa được công bố trong tháng 4/2023 cho thấy bức xạ Mặt trời trên khắp châu lục này đã ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua. Nhiều quốc gia Bắc Mỹ cũng đang vật lộn với nắng nóng. Một số thành phố ở British Columbia vào ngày 14/5 đã lập kỷ lục mới về nhiệt độ của tháng, trong đó có Lytton lên tới mức 36,1°C.
Khi El Nino trở lại
El Nino là từ được dùng để chỉ hiện tượng nóng lên bất thường của lớp nước biển bề mặt ở vùng xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài từ 8 – 12 tháng hoặc lâu hơn, thường xuất hiện với tần suất 3 – 4 năm một lần, song cũng có khi dày hơn hoặc thưa hơn.
Năm nay, ngay từ đầu năm, các chuyên gia cho biết, sau 3 năm của kiểu thời tiết La Nina, các mô hình khí hậu nhận thấy, thế giới sẽ chứng kiến sự quay trở lại của El Nino vào cuối năm nay. Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia (NOAA) dự đoán 80% khả năng El Nino xuất hiện vào cuối mùa hè năm 2023.
Mới đây nhất, ngày 3/5, Liên hợp quốc (LHQ) đã cảnh báo nguy cơ ngày càng cao hiện tượng El Nino sẽ diễn ra trong vài tháng tới, làm nhiệt độ toàn cầu tăng cao và có thể sẽ dẫn tới những kỷ lục nắng nóng mới. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đánh giá khả năng El Nino diễn ra vào cuối tháng 7 là 60% và cuối tháng 9 là 80%. LHQ cũng cảnh báo gần như chắc chắn giai đoạn 2023-2027 sẽ là thời gian 5 năm ấm nhất từng được ghi nhận, trong bối cảnh khí nhà kính và hiện tượng El Nino kết hợp làm nhiệt độ tăng mạnh. WMO dự báo nhiệt độ của năm 2023 có thể cao hơn mức trung bình của giai đoạn 1991-2020 ở hầu hết các vùng trên thế giới, ngoại trừ Alaska, Nam Phi, Nam Á và một số khu vực của Australia.
Các nhà khoa học khí hậu cũng cho biết, thế giới có thể phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trung bình mới vào năm 2023 hoặc 2024, do biến đổi khí hậu và sự trở lại dự kiến của hiện tượng thời tiết El Nino.
Friederike Otto – Giảng viên cao cấp tại Viện Grantham của Đại học Hoàng gia London cho hay, nhiệt độ do El Nino gây ra có thể làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu mà các quốc gia đang trải qua bao gồm các đợt nắng nóng nghiêm trọng, hạn hán và cháy rừng. “Nếu El Nino phát triển, rất có thể năm 2023 sẽ còn nóng hơn năm 2016 – xét đến việc thế giới tiếp tục nóng lên khi con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch” – ông Otto nói.
El Nino lớn gần đây nhất xảy ra vào năm 2016 và khiến năm đó trở thành năm nóng nhất trong lịch sử được ghi lại. Kể từ đó suốt 7 năm qua, sự nóng lên toàn cầu chỉ ngày một gia tăng.
Theo người đứng đầu cơ quan dự báo khí hậu theo vùng của WMO, Wilfran Moufouma Okia, hiện tượng này sẽ dẫn tới sự thay đổi các hình thái thời tiết và khí hậu trên toàn thế giới. Báo cáo mới đây từ Ủy ban liên Chính phủ của LHQ về biến đổi khí hậu cảnh báo “mỗi khi khí hậu toàn cầu ấm lên sẽ làm gia tăng nhiều nguy cơ cùng lúc”.
Và thực tế những năm trước đó đã cho thấy, khi El Nino xuất hiện thì hệ luỵ mà hiện tượng này gây ra, không chỉ là nắng nóng mà còn cả những hệ luỵ khủng khiếp về người và của. Giai đoạn El Nino 1982-1983, kinh tế toàn cầu thiệt hại 4.100 tỷ USD và giai đoạn El Nino 1997- 1998, toàn cầu mất 5.700 tỷ USD. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng El Nino được dự đoán riêng cho năm 2023 có thể kìm hãm nền kinh tế toàn cầu tới 3.000 tỷ USD. Hiện tượng El Nino đã từng là nguyên nhân cho thảm họa cháy rừng tại Indonesia năm 2015, khói độc từ các đám cháy đã lan đến các nước láng giềng như Singapore và Malaysia, và được cho là nguyên nhân tử vong sớm cho hơn 100.000 người.
Chuẩn bị kỹ càng để đối phó
Khi El Nino quay trở lại thì việc duy nhất nhân loại có thể làm được là tìm phương cách đối phó với nó và giảm thiểu những thiệt hại do El Nino gây ra. “Thế giới nên chuẩn bị cho sự phát triển của El Nino – hiện tượng thường liên quan đến nhiệt độ tăng cao hay hạn hán. Nó có thể mang lại thời gian nghỉ ngơi sau hạn hán ở vùng Sừng châu Phi và các tác động khác do La Nina, nhưng cũng có thể gây ra các hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt hơn. Điều này nhấn mạnh Liên Hợp Quốc cần cảnh báo sớm để giúp mọi người giữ an toàn” – Tổng Thư ký WMO, giáo sư Petteri Taalas, cảnh báo.
Cũng theo khuyến cáo của WMO, việc cảnh báo sớm không chỉ giúp người dân tự phòng chống trước thiên tai, mà còn tạo điều kiện cho các chuyên gia điều chỉnh các khuyến nghị trồng trọt, giải phóng hoặc duy trì mực nước đập nếu có thể, hoặc chỉ đơn giản là dự trữ vật tư cứu trợ thiên tai.
Trước tình hình này, một số quốc gia đã lên cho mình kế hoạch ứng phó cụ thể. Đơn cử như Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã chủ trì một cuộc họp cấp cao để xem xét công tác chuẩn bị của chính phủ trong vài tháng tới, trước dự đoán nắng nóng sẽ diễn ra gay gắt. Trong đó, có việc yêu cầu các bệnh viện và cơ sở y tế tiến hành kiểm tra nguy cơ hỏa hoạn và thực hiện các cuộc diễn tập an toàn phòng cháy chữa cháy.
Ngoài ra, Thủ tướng Modi yêu cầu các kênh truyền thông thường xuyên đưa tin và giải thích rõ cho người dân hiểu về tình hình thời tiết để có những biện pháp ứng phó phù hợp. Theo Dileep Mavalankar – Giám đốc Viện Y tế Cộng đồng Ấn Độ có trụ sở tại Gujarat, cho biết đã lập kế hoạch hành động chống nắng nóng đầu tiên của Ấn Độ, trong đó bao gồm các giải pháp đơn giản như hướng dẫn mọi người phải làm gì trong trường hợp nhiệt độ cao và chuẩn bị hệ thống y tế để đối phó với các trường hợp khẩn cấp về nhiệt.
Tại Philippines, các cơ quan chính phủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng nước tiềm ẩn do El Nino gây ra để tránh lặp lại sự cố năm 2019, khi khoảng 10.000 hộ gia đình ở khu vực Metro Manila bị mất nước do mực nước trong các hồ chứa chính của thủ đô cạn khô. Tại Indonesia, chính phủ cũng đã khuyến khích nông dân và các công ty đồn điền đề phòng hỏa hoạn ở Sumatra và Kalimantan trước sự kiện El Nino.
Hà Anh