Thấy con chậm nói, thính lực có vấn đề, anh N.P.T (ở TP.HCM) đưa bé K. (4 tuổi, con trai anh) đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám bệnh.
Bé khóc ré khi bị đụng vào tai
Khi thạc sĩ – bác sĩ Trương Tấn Phát bắt đầu nội soi tai thì bé K. khóc thét, vùng vẫy, không cho bác sĩ chạm vào tai. Sau nhiều lần dỗ dành và ba mẹ giữ bé lại, cuối cùng bác sĩ cũng thực hiện nội soi tai cho bé thành công.
Màn hình nội soi hiển thị hình ảnh ráy tai đóng thành khối cứng chắc, bịt kín 2 ống tai bé K. nên không thể lấy được trong lần đầu khám. Bác sĩ chẩn đoán bé bị nút ráy tai, nghe kém.
Bác sĩ Tấn Phát cho biết ráy tai để lâu đóng thành khối nên khi chạm vào thành ống tai, bé rất đau, khóc to và vùng vẫy. Bác sĩ hướng dẫn vợ chồng anh T. phải dùng thuốc nhỏ vào tai bé mỗi ngày 3-4 lần để khối ráy tai này mềm ra và dặn đưa bé tái khám sau 1 tuần để bác sĩ lấy ráy tai.
Khi tái khám, ráy tai bé K. đã mềm hơn trước. Bác sĩ Tấn Phát sử dụng dụng cụ chuyên dụng hút ráy tai đã mềm qua nội soi cho bé. Thực hiện xong, bác sĩ kiểm tra và đo thính lực đồ nhận thấy sức nghe của bé cải thiện rõ rệt.
Để lâu trẻ chậm nói
Bác sĩ Tấn Phát giải thích, thông thường, ráy tai khi khô sẽ tự rơi ra khỏi tai cùng với bụi bẩn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ráy tai tiết ra quá nhiều, quá khô hoặc quá dính, kết thành khối thì phải lấy ráy tai, nếu không sẽ gây bít ống tai trẻ.
Nút ráy tai sẽ xảy ra khi ráy tai không được làm sạch, dính chặt và tích tụ làm tắc nghẽn ống tai. Lúc này, trẻ sẽ khó chịu, ngứa tai, nghe kém, ù tai, nghe có âm thanh rung chuông hoặc tiếng ồn trong tai…
Bác sĩ Tấn Phát cho biết nút ráy tai ở trẻ nếu không điều trị kịp thời và đúng cách có thể khiến chúng bị đẩy sâu vào bên trong, làm giảm cơ chế dẫn truyền âm thanh đến màng nhĩ, gây ảnh hưởng đến thính lực của trẻ. Đặc biệt, với trẻ ở giai đoạn tập nói, nút ráy tai làm giảm tiếp nhận âm thanh, trẻ không được tiếp xúc âm thanh đều và đủ cường độ nên chậm nói. Trường hợp bé K. đã bị suy giảm thính lực, nghe kém và ảnh hưởng đến việc chậm nói của bé.
Nút ráy tai còn có thể gây tình trạng ù tai, đau tai do viêm ống tai ngoài ở trẻ. Tùy tình trạng nút ráy tai ở trẻ mà có thể xử trí tại nhà hoặc đến các cơ sở y tế.
Bác sĩ Tấn Phát lưu ý, không dùng tăm bông ngoáy tai vì sẽ vô tình đẩy ráy tai vào sâu bên trong. Không được dùng que lấy ráy tai bằng sắt, chìa khóa hay nắp bút, que tăm để ngoáy tai cho trẻ vì rất dễ gây trầy xước – tác nhân gây viêm nhiễm ống tai của trẻ. Nguy hiểm hơn, nếu chẳng may lấy ráy tai quá tay dễ dẫn tới nguy cơ thủng màng nhĩ, điếc ở trẻ.
Theo bác sĩ Tấn Phát, nếu ráy tai của trẻ không quá nhiều thì ba mẹ có thể lấy ráy tai cho trẻ tại nhà bằng cách: Cho trẻ nằm nghiêng sang một bên, nhỏ dung dịch nước muối sinh lý natri clorid 0,9% với liều lượng khoảng 5 – 7 giọt/lần, lặp lại 3 – 5 lần/ngày, thực hiện 5 – 7 ngày để làm mềm ráy tai. Xoắn nhẹ một góc của chiếc khăn, từ từ đưa sâu vào bên trong tai của trẻ và tiếp tục xoắn lại. Ráy tai sẽ theo đường xoắn của chiếc khăn bông và ra ngoài. Tính chất mềm của khăn sẽ không làm hại đến màng tai của trẻ mà ráy tai vẫn được làm sạch.
Nếu sau 5 – 7 ngày nhỏ natri clorid 0,9% mà ráy tai vẫn còn bám chắc vào niêm mạc ống tai thì ba mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để lấy ráy tai cho trẻ.