Gia đình đã đưa bé Đằng đến khám tại các bệnh viện nhi nhưng chưa mổ được vì mức độ nguy hiểm của bệnh. “Ca mổ tiên lượng rất khó, thậm chí bác sĩ không dám mổ nếu không có robot AI (trí tuệ nhân tạo) hiện đại hỗ trợ”, thầy thuốc ưu tú, bác sĩ CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Phẫu thuật thần kinh, Trung tâm thần kinh Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết.
“Con trai yêu, giỏi lên nào”
Đón lấy bé Đằng, thạc sĩ – bác sĩ CKII Lê Hoàng Quân, Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, nhẹ nhàng nói: “Con trai yêu, giỏi lên nào. Bác sẽ giúp con ngủ một giấc rồi con sẽ hết đau đầu, được nhìn rõ hơn và chạy nhảy, vui chơi với bạn bè. Con có thích không?”. Bé Phương Đằng như hiểu chuyện, nắm đôi bàn tay mẹ, ngoan ngoãn nghe lời. Cánh cửa phòng mổ khép lại, cậu bé nằm im, rồi chìm vào giấc ngủ dưới tác dụng của gây mê.
Bác sĩ Hoàng Quân cho biết, so với người lớn, gây mê mổ thần kinh cho trẻ nhỏ khó hơn nhiều lần, vì vừa đảm bảo cân bằng nội môi (homeostasis) cho hệ thần kinh chưa trưởng thành của trẻ, vừa đảm bảo các yêu cầu cho cuộc mổ. Đối với ca u não lớn và nằm sâu trong não ở trẻ em, nguy cơ chảy máu dẫn đến mất máu cao. Do đó, bác sĩ gây mê phải đánh giá kỹ các yếu tố rủi ro trước mổ, lên kế hoạch dự trù máu và lường trước mọi nguy cơ có thể xảy ra.
Bệnh nhi mổ u não còn có nguy cơ phù não, động kinh, đái tháo nhạt trong và sau mổ. Ê kíp phải tính toán phương án sử dụng thuốc, theo dõi sát lượng nước tiểu và xét nghiệm tại chỗ để đảm bảo an toàn. Phương án hồi sức sau mổ cần tỉ mỉ, chính xác.
Robot AI giúp mổ mô phỏng trước
Trước khi bắt đầu ca mổ, bác sĩ Tấn Sĩ xem lại bệnh án và các chẩn đoán hình ảnh. Bác sĩ cho biết nhờ có Robot AI Modus V Synaptive và hệ thống định vị Neuro-Navigation AI dẫn đường giúp ê kíp tự tin tiếp cận và loại bỏ khối u nằm sâu 8 cm trong não an toàn, tăng tỷ lệ thành công.
Trước khi phẫu thuật, Robot AI Modus V Synaptive hòa hình các hình ảnh chụp MRI, DTI, CT, DSA… của bé Đằng. Toàn bộ cấu trúc não, các bó sợi thần kinh và khối u hiện rõ trên cùng một hình ảnh 3D. Bác sĩ Tấn Sĩ mổ mô phỏng trên phần mềm chuyên dụng của robot, chọn vị trí mở hộp sọ, đường phẫu thuật tiếp cận khối u an toàn nhất, tránh cắt nhầm bó dẫn truyền thần kinh và mô não lành xung quanh. Đây là ưu điểm vượt trội của robot mà các kỹ thuật mổ não truyền thống không có.
Modus V Synaptive hiện là robot mổ não ứng dụng AI ở mức tinh vi đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.
Đúng 9 giờ, ca mổ thực bắt đầu. Trong suốt ca mổ thực tế, bác sĩ tiếp tục thấy rõ toàn bộ cấu trúc não. Robot “double check” bằng cách giám sát từng thao tác của bác sĩ nhằm đảm bảo tuân thủ đường mổ đã được xác lập. Robot sẽ cảnh báo bằng các tín hiệu đèn xanh, đỏ, vàng như đèn giao thông. Các bác sĩ còn phối hợp kính vi phẫu thế hệ mới có chức năng chụp huỳnh quang 3D, giúp bác sĩ nhìn rõ toàn diện cấu trúc não với góc nhìn rộng hơn.
Bác sĩ CKII Mai Hoàng Vũ, thành viên ê kíp mổ, cho biết khi vào bên trong nội sọ, tiếp cận thấy khối u lan tỏa nhiều nhánh, mỗi nhánh được bao bọc bởi lớp màng nhện dày. U mềm, dai, có chỗ bở, dễ chảy máu. Bác sĩ tiến hành loại bỏ từng nhánh u theo kiểu găng tay (vén màng nhện từng lớp để lấy từng nhánh u). Để lấy u an toàn, bác sĩ dùng máy siêu âm CUSA chuyên dụng để đánh nhỏ u và hút ra từng miếng nhỏ, tránh lấy nguyên khối gây va chạm não.
Ca mổ kéo dài 3 giờ, bác sĩ cắt được 90% khối u. Một số phần u nhỏ dính vào cuống tuyến yên và động mạch cảnh sẽ được điều trị bổ sung bằng phương pháp xạ phẫu bắn tia gamma knife. Sau mổ, bệnh nhân hết đau đầu, nhìn rõ hơn, giải phóng được tình trạng tăng áp lực nội sọ, bảo tồn dây thần kinh thị giác, hết nguy cơ chèn ép tuyến yên và cuống tuyến yên. Mẫu bệnh phẩm được gửi đi phân tích tế bào và định hướng điều trị bổ sung.
Vỡ òa hạnh phúc
Ngồi ở phòng chờ tin, chị Thu Vân mong ngóng, hồi hộp. Chị kể, cách đây hơn một năm, thấy con thường xuyên kêu đau đầu, mắt nhìn mờ. Ở trường, cô giáo nói bé nhìn gần mới thấy, đi lại không tự tin. Đi khám nhiều nơi nhưng chỉ cắt kính rồi đâu lại vào đó. Sốt ruột, chị Vân tìm hiểu, đưa con đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh khám, phát hiện khối u não lớn, phải mổ.
“Ca mổ bé Đằng thành công, 10 phút nữa gia đình được gặp”, khoảnh khắc lúc 13 giờ cùng ngày, tiếng cô điều dưỡng vang lên phá tan bầu không khí im ắng. Cả nhà bệnh nhân vỡ òa trong niềm vui và hạnh phúc.
“Hơn 5 giờ chờ đợi, hồi hộp, cầu trời khấn phật, có những lúc tôi như ngạt thở. Khi được vào nhìn con, gọi con, thấy con tỉnh, nghe được và phản ứng lại bằng cách quẫy đạp chân. Nước mắt 2 mẹ con cùng rơi”, chị Thu Vân nghẹn ngào trong vui sướng.
Bác sĩ Tấn Sĩ chia sẻ, ca mổ thành công, không chỉ thân nhân vui mừng mà các bác sĩ cũng vô cùng hạnh phúc. Đây là một ca u não khó, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất từng được mổ bằng robot tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM. Ca mổ tiềm ẩn các nguy cơ cao về mất máu, phù não… nên thử thách bác sĩ rất nhiều. Đây cũng là một trong khoảng 40 ca gần đây được Bệnh viện đa khoa Tâm Anh dùng robot AI trong mổ u não, u tuyến yên, u dây thần kinh, u cột sống, đột quỵ xuất huyết não.
“Nếu mổ bằng các phương pháp truyền thống như định vị Navigation, kính vi phẫu… thì khối u vẫn được loại bỏ nhưng nguy cơ làm tổn thương các bó sợi thần kinh và mô não lành có thể cao. Robot giúp khắc phục hạn chế này”, bác sĩ Tấn Sĩ nói.
Robot mổ não AI duy nhất tại Việt Nam
Hiện chỉ có 10 nước ứng dụng Robot mổ não Modus V Synaptive (đa phần là các nước Âu, Mỹ). Tại Việt Nam, Robot Modus V Synaptive duy nhất được Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM đưa vào hoạt động. Bác sĩ Chu Tấn Sĩ và cộng sự là ê kíp duy nhất tại Việt Nam có chuyên môn vận hành, làm chủ công nghệ robot này.