LỨA TRẺ CHƯA SẴN SÀNG
Trong danh sách U.23 VN dự giải U.23 châu Á 2024 (cũng là giải đấu tầm cỡ gần nhất của lứa trẻ VN cấp độ U.22/U.23), chỉ còn 13 cầu thủ đủ điều kiện dự SEA Games 33. Tức là, HLV Kim Sang-sik cần làm mới tối thiểu một nửa lực lượng U.22 VN, để nhào nặn nên lứa cầu thủ sẽ đóng vai trò kế cận ở đội tuyển quốc gia trong vài năm tới.
Tuy nhiên, ông Kim đã sớm nhìn thấy thực tế với chia sẻ: "Cầu thủ trẻ VN có rất ít cơ hội thể hiện ở V-League". Khi còn tại vị, cựu HLV Philippe Troussier của đội tuyển VN nhấn mạnh: "Cầu thủ VN, đặc biệt là các tài năng trẻ, cần đá tối thiểu từ 40 đến 50 trận mỗi năm. Đồng thời, hệ thống giải vô địch quốc gia nên kéo dài 10 tháng trong năm". Tần suất thi đấu liên tục là bệ phóng để từ "ngọc thô" trở thành "ngọc quý". Chẳng phải ngẫu nhiên, các cầu thủ trẻ U.15 hay U.17 VN có thể đá ngang ngửa các đối thủ đến từ những nền bóng đá mạnh. Nhưng đến cấp độ U.20 hay U.22, vẫn là những cầu thủ ấy đã bỏ xa cầu thủ VN. Câu trả lời nằm ở chất lượng môi trường thi đấu, dinh dưỡng, cơ địa và cách thức huấn luyện. Chỉ một vài năm khác biệt là đủ để những cầu thủ có tiềm năng như nhau lại đi những con đường hoàn toàn khác.
Vậy các cầu thủ U.22 VN mà ông Kim Sang-sik chuẩn bị chăm bẵm hiện được trao cơ hội thế nào? Trong số 13 cầu thủ dự giải U.23 châu Á 2024 còn đủ tuổi đá SEA Games năm nay, có thể chia thành 3 nhóm. Nhóm đầu tiên gồm những gương mặt có suất đá chính ở V-League, gồm Nguyễn Thái Sơn (11 trận, 990 phút), Bùi Vĩ Hào (11 trận, 907 phút) và Khuất Văn Khang (10 trận, 703 phút). Nhóm thứ hai gọi tên những cầu thủ dự bị hoặc chưa được vào sân ở V-League, trong đó có Nguyễn Đình Bắc (9 trận, 554 phút), Hồ Văn Cường (6 trận, 372 phút), Lê Nguyên Hoàng (5 trận, 443 phút), Nguyễn Văn Trường (10 trận, 482 phút), Nguyễn Hồng Phúc (1 trận, 63 phút), Nguyễn Mạnh Hưng (chưa thi đấu). Số còn lại nằm trong nhóm thứ ba, với những cầu thủ đang đá ở hạng nhất, gồm Đoàn Huy Hoàng (Bình Phước), Nguyễn Đức Phú (PVF-CAND), Nguyễn Đức Việt, Nguyễn Quốc Việt (Ninh Bình).
Như vậy, chỉ có khoảng 5 đến 6 cầu thủ U.22 (căn cứ vào danh sách triệu tập cho giải đấu gần nhất) mon men đến gần ngưỡng trưởng thành. Số còn lại, trong đó có những cái tên rất quen thuộc ở giải trẻ châu lục như Văn Trường, Quốc Việt hay Đình Bắc đều đang chật vật tìm chỗ đứng. Ở kỳ SEA Games 33, nơi cầu thủ U.22 VN không còn được đàn anh hậu thuẫn, vốn kinh nghiệm mỏng là trở ngại với đội bóng của HLV Kim Sang-sik. Nên nhớ, các cầu thủ trẻ Indonesia đã được trải mình tại AFF Cup 2024 (khiến đội hình mạnh nhất của VN phải vất vả), Thái Lan cũng có lứa kế cận được lên tuyển từ sớm, trong khi Malaysia, Singapore hay thậm chí Campuchia cũng không yếu. Để vô địch, U.22 VN cần nhiều hơn vốn liếng hiện tại.
SÀNG LỌC NHÂN TỐ MỚI
Khi mới tiếp quản đội tuyển VN, HLV Kim Sang-sik gọi lại bộ khung cũ, rồi sau đó mới từ từ thay thế bằng những con người mới do chính ông và trợ lý lựa chọn từ sân chơi V-League. Ở cấp đội tuyển, khi sự ổn định cần được ưu tiên, ông Kim chọn cách tiếp cận thận trọng và tính toán. Còn ở cấp độ trẻ, cuộc thanh lọc có thể đến ngay từ bây giờ.
Bên cạnh những tài năng trẻ đã có chỗ đứng như Vĩ Hào, Thái Sơn, Văn Khang hay Đình Bắc, đợt tập trung tới đây của U.22 VN sẽ có nhiều gương mặt mới.
Trong đó, bộ đôi thủ môn Trần Trung Kiên (10 trận, 900 phút) và Phạm Lý Đức (11 trận, 990 phút) của HAGL đã sớm lọt vào "mắt xanh" của ông Kim. Dù chỉ sắm vai thủ môn dự bị số ba của đội tuyển VN, nhưng Trung Kiên đã có gần 2 tháng tập luyện cùng đàn anh để tích lũy kinh nghiệm và chứng minh tiềm năng với HLV Kim Sang-sik. Còn với Lý Đức, trọn vẹn 11 trận ra sân (không lần nào bị thay ra) cùng 1 bàn thắng biến cầu thủ trẻ của HAGL trở thành hậu vệ trẻ ra sân nhiều nhất ở V-League.
Lựa chọn đôn thêm 4 cầu thủ từ Học viện HAGL (sinh từ 2005 - 2007) lên đội một nằm trong chiến lược trẻ hóa triệt để, mà HAGL đang thực hiện để mài giũa thêm "ngọc thô" cho U.22 VN. Cùng với đội bóng phố núi, CLB Hà Tĩnh cũng có tiền vệ Việt kiều triển vọng mang tên Viktor Lê. Cầu thủ mang hai dòng máu Việt - Nga đã chơi 9 trận ở V-League mùa này (3 trận đá chính). Dù chưa thích nghi được với cường độ ở V-League, và chưa hoàn thiện khâu thể lực, song ở tuổi 22, Viktor Lê còn "dư địa" để bay cao. Ngoài ra còn có "mỏ" cầu thủ ở hạng nhất từ các đội như Ninh Bình, PVF-CAND, Bình Phước.
Dù bất lợi của các cầu thủ đá hạng nhất là môi trường kém cạnh tranh hơn V-League, nhưng các sao trẻ đang chơi tại đây lại có cơ hội thi đấu nhiều hơn nhằm duy trì phong độ. Nhìn chung, HLV Kim Sang-sik phải "đãi cát tìm vàng" để chọn ra đội U.22 VN ưng ý. Khó, nhưng không phải là không thể.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thay-kim-phai-tro-tai-dai-cat-tim-vang-cho-u22-viet-nam-185250204214545651.htm
Bình luận (0)