Là một giáo viên phổ thông, thầy Lê Trọng Đức (Trường THPT Hậu Nghĩa, tỉnh Long An) gây ấn tượng khi có 6 bài báo khoa học, trong đó 4 công trình trên các tạp chí quốc tế uy tín.
Công bố 3 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế uy tín chỉ trong năm 2024
Thầy giáo sinh năm 1992 gây ấn tượng khi ngoài giảng dạy trên lớp còn tích cực nghiên cứu khoa học và hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi.
Từ năm 2020 tới 2024, thầy Lê Trọng Đức đã công bố 6 công trình khoa học, gồm 2 công trình trên các tạp chí trong nước và 4 công trình trên tạp chí quốc tế uy tín (SCIE, Scopus,…).
Chỉ riêng năm 2024, thầy giáo trẻ đã có 3 bài báo trên các tạp chí uy tín thuộc danh mục SCIE, ESCI.
Nghiên cứu của thầy là những bước đầu, thử nghiệm giúp ích cho việc thiết kế và phát triển thuốc điều trị tiểu đường. Hướng nghiên cứu chủ yếu là tổng hợp các hợp chất dị vòng có hoạt tính ức chế enzim α-glucosidase (một loại enzim có chức năng thủy phân tinh bột thành glucose). Nếu lượng đường glucose trong máu quá cao mà không đi vào được tế bào sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường. Việc ức chế enzim này là một trong các cơ chế kiểm soát lượng đường huyết và hướng nghiên cứu của thầy Đức nhằm phát triển thuốc điều trị tiểu đường.
Thầy Lê Trọng Đức, giáo viên Trường THPT Hậu Nghĩa, tỉnh Long An. Ảnh: NVCC
Việc theo đuổi nghiên cứu khoa học cũng tác động tích cực tới quá trình dạy học của thầy. “Càng nghiên cứu, tôi càng hiểu rõ hơn bản chất của các vấn đề, từ đó bổ trợ cho việc dạy học sâu sắc, trực quan hơn. Tôi cũng có thể chỉ cho học trò những kỹ năng của một người nghiên cứu khoa học, đó là tính kiên nhẫn, logic…”, thầy Đức nói.
Thầy giáo từng trực tiếp tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” cấp tỉnh đoạt giải Nhất với dự án “sản xuất xà phòng rửa tay thân thiện với môi trường từ lá cây chùm ruột”. Dự án này được Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bình chọn, ghi vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2019.
Thầy cũng hướng dẫn học trò tham gia dự án sản xuất nước rửa tay từ hoạt chất kháng khuẩn của lá và quả cây đủng đỉnh. Dự án được ứng dụng, sản xuất ra hơn 2.000 lít nước rửa tay kháng khuẩn (đạt tỷ lệ diệt khuẩn 99,99%), sử dụng trong 2 đợt phòng chống dịch Covid-19 (trong trường học, cơ quan của huyện, bệnh viện dã chiến).
Ngoài ra, thầy Đức hướng dẫn học trò 3 đề tài đạt giải Nhì cấp tỉnh và 1 đề tài đạt giải Nhì cấp quốc gia ở cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học hàng năm.
Theo thầy Đức, việc nghiên cứu khoa học không chỉ giúp phát hiện những điều mới mà còn là cách để học sinh phát huy tối đa tiềm năng. “Khi làm nghiên cứu khoa học, tôi thấy các em trưởng thành rõ rệt, không chỉ về kiến thức mà cả về khả năng tư duy và giải quyết vấn đề. Đó là động lực khiến tôi mê công việc này hơn”, thầy Đức nói.
Nhiều sáng kiến, giải pháp dạy học hiệu quả
Trong dạy học, thầy Đức có nhiều giải pháp, sáng kiến đạt hiệu quả cao. Đáng chú ý nhất là sáng kiến được UBND tỉnh công nhận năm 2024 về phát triển tính tự học môn Hóa của học sinh qua mô hình “lớp học đảo ngược”.
Thầy Đức cho hay “lớp học đảo ngược” là mô hình học tập với mục tiêu giúp học sinh chủ động hơn trong việc tiếp thu kiến thức. Thay vì hằng ngày lên lớp và giảng bài theo cách truyền thống, thầy yêu cầu học sinh nghiên cứu bài học qua tài liệu và video trước.
Khi lên lớp, thay vì giảng lý thuyết, thầy dành nhiều thời gian cho học sinh trình bày những hiểu biết; giải đáp điều các em thắc mắc; thảo luận nhóm, thực hành và hướng dẫn giải quyết bài tập. “Thông qua cách học này, tôi thấy không chỉ giúp các em tiếp thu kiến thức chủ động mà còn rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề. Khi được tự làm, được thực hành, chắc chắn các em sẽ nhớ lâu hơn so với việc thầy cô nói sao, biết vậy”, thầy Đức nói.
Học sinh được thầy Đức khuyến khích trải nghiệm thực hành, sáng tạo. Trong ảnh, học sinh thiết kế bình chữa cháy mini cho ra khí C02 để dập tắt đám cháy ở môn Hóa học. Ảnh: NVCC.
Thầy giáo thường xuyên cho học sinh thực hiện các dự án, qua đó tiếp thu kiến thức tự nhiên, dễ dàng hơn. Ví dụ, khi dạy về kiến thức liên quan phản ứng cháy, thầy cho các em tự chế bình chữa cháy mini.
“Học sinh được yêu cầu tìm chai nhựa hoặc vật dụng gần gũi xung quanh để làm mô hình bình chữa cháy. Sau đó, tôi hướng dẫn các em cho hóa chất vào (ví dụ baking soda và giấm ăn) để tạo ra khí CO2 và dập tắt đám cháy. Tôi cũng yêu cầu học sinh trình bày thiết kế bình chữa cháy để hiểu sau phản ứng, khí sẽ thoát ra bằng đường nào…”, thầy Đức chia sẻ.
Theo thầy Đức, từ việc bắt tay vào thực hành, các em có thể phản biện thầy tích cực hơn. “Các em có thể không làm theo cách tôi hướng dẫn mà tạo ra khí CO2 bằng phản ứng khác và vẫn chữa cháy được. Khi các em thực làm nhiều lần, có cơ sở để phản biện thì dù phương án đưa ra khác cách hướng dẫn, tôi vẫn ghi nhận. Điều tôi vui là nhiều nhóm học sinh đã đưa ra những phương án khác nhau, không quá phụ thuộc vào hướng dẫn của thầy”, thầy Đức nói.
Với năng lực và uy tín chuyên môn, thầy cũng là thành viên hội đồng ra đề và chấm thi học sinh giỏi cấp tỉnh hằng năm. Từ 2020 đến nay, cùng với giáo viên trong tổ Hóa học của trường, thầy Đức đã tham gia dạy bồi dưỡng 21 em đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh.
Với nỗ lực không mệt mỏi, thầy Đức được vinh danh “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” cấp tỉnh và cấp trung ương năm 2020; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục học sinh năm 2020; Nhà giáo tiêu biểu năm 2024.
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/thay-giao-pho-thong-co-4-cong-trinh-khoa-hoc-tren-tap-chi-quoc-te-uy-tin-2354704.html