Nhiều nông dân ở Long An đã trở thành “doanh nhân nông nghiệp” nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thương mại điện tử.
Biến vườn bưởi thành “mỏ vàng”
Xuất thân trong gia đình làm nghề nông, từ nhỏ, bà Nguyễn Thị Xiệt – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Nhơn Thạnh Trung (ấp Bình Trung 1, xã Nhơn Thạnh Trung, TP. Tân An, tỉnh Long An) thường xuyên gắn bó với ruộng vườn. Tuy nhiên, gia đình bà nói riêng, nông dân trồng lúa nói chung thường gặp tình trạng được mùa, rớt giá hoặc ngược lại. Trăn trở trước những khó khăn này, chị bắt đầu tìm kiếm nhiều mô hình trồng trọt khác nhau và “bén duyên” với mô hình trồng bưởi sạch.
Bà Xiệt nhớ lại, thời điểm năm 2014, nhiều người chuyển từ trồng lúa sang trồng thanh long, thế nhưng, bà quyết định chọn hướng đi mới là trồng bưởi để tạo đầu ra ổn định cho nông sản, tránh tình trạng cung vượt cầu.
Bà Nguyễn Thị Xiệt mạnh dạn chuyển từ đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng bưởi và chiết xuất tinh dầu bưởi để kinh doanh, tạo thu nhập – Ảnh: Lê Ngân |
“Tôi chuyển 1ha đất trồng lúa cho năng suất thấp sang trồng bưởi. Ban đầu, các thành viên trong gia đình còn e ngại, vì sợ cây bưởi sẽ không phù hợp thổ nhưỡng dẫn đến không có trái hoặc trái nhỏ, không đạt trọng lượng”, bà nói.
Tuy nhiên, nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật cùng sự quyết tâm, vườn bưởi phát triển tốt, cho năng suất ổn định, bình quân thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
Bà Xiệt cho biết thêm, gia đình có truyền thống nấu rượu nên đã nảy ra ý tưởng tận dụng vỏ bưởi để chưng cất và chiết xuất tinh dầu. Sau nhiều lần thử nghiệm, những mẻ tinh dầu bưởi đầu tiên ra đời và được đánh giá cao.
Ban Giám đốc Hợp tác xã Nhơn Thạnh Trung mạnh dạn đầu tư hệ thống chưng cất tinh dầu và sản xuất, đưa ra thị trường một số sản phẩm chăm sóc tóc: Tinh dầu bưởi nguyên chất chăm sóc tóc, nước cất tinh dầu bưởi,… được thị trường đón nhận.
“Hiện tại, mỗi ngày, hợp tác xã sản xuất được khoảng 750ml tinh dầu từ 100kg vỏ bưởi. Sản phẩm được bán trên các kênh thương mại điện tử và cung cấp cho khách sỉ. Ngoài ra, chúng tôi còn nhận gia công tinh dầu hoa bưởi”, bà Xiệt nói.
Từ khi hợp tác xã Nhơn Thạnh Trung mở rộng sang lĩnh vực sản xuất tinh dầu bưởi, toàn bộ bưởi non sau khi tuyển chọn được thu mua, nông dân có thêm nguồn thu nhập. Việc sản xuất tinh dầu bưởi của hợp tác xã còn tạo việc làm thường xuyên cho một số lao động tại địa phương.
“Dự kiến hợp tác xã sẽ đầu tư thêm 1 hệ thống chưng cất nữa để tăng năng suất. Chúng tôi đang làm hồ sơ để sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, từng bước mở rộng vào các thị trường khác”, bà Xiệt chia sẻ.
Cánh cửa mới để nông dân làm giàu
Trong thời đại công nghệ số hiện nay, việc tận dụng các nền tảng thương mại điện tử để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trở nên đặc biệt quan trọng. Nhận thức rõ điều này, hợp tác xã Nhơn Thạnh Trung đã linh hoạt ứng dụng các kênh bán hàng trực tuyến và mạng xã hội nhằm mở rộng thị trường, nâng cao giá trị thương hiệu cho các sản phẩm địa phương.
Những năm gần đây, thay vì bán hàng theo phương thức truyền thống tại một số điểm bán lẻ như trước thì nay hợp tác xã đã được hỗ trợ đầu tư máy tính để thực hiện chuyển đổi số nhằm quảng bá, tiếp thị và bán hàng trên môi trường mạng. Nhờ đó, các sản phẩm của hợp tác xã Nhơn Thạnh Trung hiện đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử lớn trong đó có Sàn Việt. Sau khi được hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số đã giúp hợp tác xã mở rộng thị trường, thu hút nhiều khách hàng.
“Trong quá trình bán hàng trên các kênh thương mại điện tử đã giúp hợp tác xã nắm bắt được thông tin khách hàng, kiểm soát được sản phẩm hàng hóa, không mất tiền thuê mặt bằng làm kho bãi, cửa hàng… từ đó giảm chi phí. Do đó, tới đây hợp tác xã tiếp tục phát triển sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử lớn và đầu tư chạy quảng cáo để nhiều khách hàng tiếp cận được với sản phẩm hơn”, bà Xiệt nói.
Bà Châu Thị Lệ – Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, công tác quảng bá, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu luôn được tỉnh chú trọng. Đây không chỉ là giải pháp ngắn hạn mà còn là chiến lược dài hơi để thúc đẩy sự phát triển bền vững của các sản phẩm nông sản địa phương, đồng thời kết nối thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Trong đó, địa phương tập trung đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử với hàng trăm sản phẩm của địa phương được cập nhật lên sàn thương mại điện tử; kết nối cung cầu trao đổi, tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng; hỗ trợ phát triển bộ thương hiệu trực tuyến; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến bán hàng online bằng phương pháp tiếp thị đa kênh…
Sàn thương mại điện tử Sàn Việt – Ảnh chụp màn hình |
Để hỗ trợ các doanh nghiệp địa phương, Sở Công Thương tỉnh Long An đã hợp tác với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, xây dựng sàn thương mại điện tử Long An (www.hoabinh.sanviet.vn). Sàn này là một phần trong hệ sinh thái sàn thương mại điện tử hợp nhất (Sanviet.vn), được quản lý bởi Bộ Công Thương.
Sàn Việt là một nền tảng thương mại điện tử do Bộ Công Thương quản lý, đã trở thành kênh phân phối chiến lược cho các sản phẩm OCOP. Người tiêu dùng giờ đây có thể dễ dàng tiếp cận sản phẩm chỉ với vài thao tác đơn giản. Đồng thời, các tính năng như so sánh giá, chương trình khuyến mãi và đánh giá sản phẩm trên sàn đã tạo thêm sự thuận tiện, minh bạch trong giao dịch, gia tăng lòng tin của người mua.
Nhờ tận dụng thương mại điện tử, các sản phẩm nông sản địa phương không chỉ tiết kiệm được chi phí vận hành mà còn mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường, từ trong nước đến quốc tế. Đối với người tiêu dùng, họ không chỉ khám phá được nhiều sản phẩm chất lượng mà còn có cơ hội hưởng các ưu đãi hấp dẫn, mua sắm tiện lợi mọi lúc mọi nơi.
Nguồn: https://congthuong.vn/thuong-mai-dien-tu-thoi-luong-sinh-khi-moi-cho-hop-tac-xa-366622.html