Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam góp mặt trong Top 30 nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, đứng ở vị trí 23.
Xuất khẩu, nhập khẩu đều lọt Top 20, 30 nước hàng đầu thế giới
WTO chỉ rõ, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam trong năm 2023 đạt 354 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu, Việt Nam nằm trong Top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới.
Ở chiều nhập khẩu, trong 30 nền kinh tế nhập khẩu lớn nhất thế giới, Việt Nam đứng thứ 22 với 326 tỷ USD, chiếm 1,3% tỷ trọng nhập khẩu toàn cầu.
Xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam lọt Top đầu thế giới (Ảnh: Cấn Dũng) |
Tuy nhiên, năm 2023, do chịu ảnh hưởng mạnh sau đại dịch Covid-19, xuất nhập khẩu đã giảm mạnh so với năm 2022 – năm kim ngạch xuất nhập khẩu đạt mức kỷ lục với 730,28 tỷ USD. Năm 2024, tình hình xuất nhập khẩu lấy lại đà tăng trưởng, tiếp tục khởi sắc và được dự báo có thể tiếp tục đạt kỷ lục ở mức 780 – 800 tỷ USD.
Đặt trong bối cảnh những năm đầu đổi mới, thành tích này lại càng đáng ghi nhận, thể hiện sự nhất quán trong các chính sách, cũng như sự nỗ lực của doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương cho biết, với thành tích này, hiện nay, Việt Nam đã trở thành một trong những cường quốc về xuất nhập khẩu trên thế giới. Đây là nỗ lực vô cùng lớn, đồng thời cũng là thành tích lớn của Việt Nam.
Việt Nam đã trải qua những năm đầu đổi mới với những khó khăn lớn của hoạt động xuất nhập khẩu khi phải nhập khẩu rất nhiều mặt hàng, kể cả gạo. Song, ngay những ngày tháng khó khăn đó, Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986) xác định, xuất khẩu hàng hóa là 1 trong 3 mặt trận của nền kinh tế thời kỳ đổi mới (bên cạnh sản xuất lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng). Hội nghị giữa nhiệm kỳ (Khóa VII) của Đảng xác định, chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam là “Kiên trì hướng về xuất khẩu là hướng chính, đồng thời thay thế nhập khẩu một số sản phẩm trong nước sản xuất có hiệu quả”.
Nhờ những quyết sách mạnh mẽ và đúng đắn, trong giai đoạn đầu, từ năm 1991 đến 2010, tăng trưởng xuất khẩu hằng năm của Việt Nam luôn đạt tốc độ cao, ở mức 2 con số, thậm chí có những năm lên đến trên 15%. Giai đoạn từ năm 2011 đến 2022, tốc độ tăng của tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đạt trung bình 12,6%/năm.
Nếu năm 1991, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt 2,087 tỷ USD (nhập khẩu đạt 2,338 tỷ USD), thì đến năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu đã đạt 162,016 tỷ USD (nhập khẩu đạt 165,775 tỷ USD), tăng gấp 77,63 lần.
Đến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gấp 2,29 lần năm 2015 và 177,9 lần năm 1991.
Từ kết quả ấn tượng đó, soi chiếu vào hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước, có thể thấy, điểm sáng đối với hoạt động xuất nhập khẩu, Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao trong suốt hơn 3 thập kỷ, ngay cả thời gian đại dịch Covid-19 (2019 – 2021). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tính trong cả thời kỳ từ năm 1992 đến 2022 (31 năm) đạt trung bình 17,96%/năm. Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hàng đầu thế giới hơn 30 năm qua.
Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến 2022, nền kinh tế Việt Nam đã có 7 năm xuất siêu liên tục. Năm 2023, Việt Nam tiếp tục duy trì thành tích xuất siêu. Đối với một nước đang phát triển (nhu cầu nhập khẩu lớn, năng lực cạnh tranh sản phẩm chế biến ở thị trường quốc tế còn hạn chế), thì đạt được kim ngạch ngoại thương xuất siêu, là thành tích đáng ghi nhận, phản ánh nỗ lực và bước phát triển về chất của nền kinh tế.
Hiện, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt tại gần 200 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới, trong đó có các thị trường lớn và khó tính, như Mỹ, Nhật Bản và EU.
Đặc biệt, hiện nay, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có sự chuyển dịch căn bản, từ thâm dụng sản phẩm nguyên liệu, hàng sơ chế, sang các sản phẩm chế biến, chế tạo. Đối với hàng nông sản, sản lượng xuất khẩu các sản phẩm giá trị cao cũng ngày càng tăng lên.
Đơn cử, với mặt hàng gạo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, 5 năm trở lại đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với các tỉnh, thành và nông dân, DN đã thay đổi hoàn toàn cơ cấu về nâng chất lượng gạo lên. Nhờ đó, gạo Việt Nam giá cao nhưng các quốc gia vẫn chấp nhận.
Thêm vào đó, chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được cải thiện, đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường khó tính như EU, Mỹ, và Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu hơn. Dự báo, từ nay đến hết năm, khả năng các doanh nghiệp tiếp tục xuất khẩu với khối lượng tăng và giá trị tốt hơn.
Hướng đến xuất khẩu bền vững
Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá đến năm 2030 đang đề ra những mục tiêu về xuất khẩu xanh, xuất khẩu bền vững. Đây được coi là xu thế không thể đảo ngược của thế giới.
TS Lê Quốc Phương nhấn mạnh, nhiều mặt hàng của Việt Nam đứng Top đầu xuất khẩu như: Gạo, hạt tiêu, dệt may… tức là đã có thể xếp Việt Nam vào một trong những cường quốc về xuất khẩu. Cho nên cần phải có sự ứng xử xứng với vị trí cường quốc. Đó là không thể chậm trễ trong việc đưa sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường.
Do đó, đầu tiên, doanh nghiệp phải tìm hiểu thông tin về sản xuất xanh chuyển đổi xanh, xuất khẩu bền vững như thế nào. Nó đã thể hiện trong các quy định mới các nước đưa ra và ta phải đáp ứng, phải tìm hiểu kỹ.
Sau khi tìm hiểu kỹ thông tin về sản xuất xanh, chuyển đổi xanh là gì, doanh nghiệp phải rà soát trong quy trình sản xuất, kinh doanh xem có những gì chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh? Khâu nào cần chuyển đổi, những bước chuyển đổi như thế nào?
Tiếp theo đó, doanh nghiệp phải đầu tư cho chuyển đổi xanh. Việc đầu tư này rất tốn kém song doanh nghiệp đã tham gia cuộc chơi thì phải chấp nhận.
Doanh nghiệp cũng phải tìm kiếm sự hỗ trợ bên ngoài, từ tư vấn, hướng dẫn, kết nối, cung cấp tín dụng tài chính… Nguồn hỗ trợ có thể đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế ở Việt Nam, các quốc gia tiên tiến như EU… Phải tìm kiếm và tận dụng những hỗ trợ này.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần phải xem việc chuyển đổi xanh không chỉ là thách thức và khó khăn mà nó là cơ hội lớn để doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư quy trình sản xuất, thay đổi thiết bị, nguyên liệu đầu vào. Sự thay đổi sẽ kích thích đổi mới sáng tạo và về lâu dài thúc đẩy chuyển đổi tốt hơn.
Về phía Bộ Công Thương bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương chia sẻ, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các vấn đề chủ yếu liên quan đến công tác phát triển thị trường, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp. Trong đó, Bộ đã chỉ đạo mạng lưới thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá nỗ lực của doanh nghiệp Việt trong việc thích ứng, đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh của các nước.
Các nội dung hướng dẫn, thông tin liên quan đến quy định của nước ngoài, các sổ tay cũng sẽ được triển khai thực hiện để đưa đến cho hiệp hội, doanh nghiệp các thông tin kịp thời, nhanh nhất để doanh nghiệp có thể chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Nguồn: https://congthuong.vn/thay-gi-tu-viec-viet-nam-lot-top-30-nuoc-xuat-khau-hang-dau-the-gioi-361858.html