Các quan chức của chính quyền Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden đang tìm cách làm những gì có thể trước khi rời nhiệm sở để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
Quan hệ Mỹ-Ukraine có thể sẽ biến động đáng kể khi ông Donald Trump thay thế ông Joe Biden. (Nguồn: Reuters) |
Theo hãng tin Reuters, tháng 4 vừa qua, Quốc hội Mỹ đã thông qua một dự luật tài trợ, trong đó bao gồm điều khoản có thể xóa các khoản vay trị giá hơn 9,4 tỷ USD để hỗ trợ kinh tế và ngân sách cho chính phủ Ukraine. Sau ngày 15/11, Tổng thống có thể xóa một nửa trong số đó, tức 4,7 tỷ USD.
Dự luật này đã phân bổ tổng cộng 61 tỷ USD để giúp Ukraine đối phó với chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga phát động hồi tháng 2/2022.
Ngày 20/11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện bước đi được nêu trong luật để hủy bỏ các khoản vay đó”, đồng thời cho biết, bước đi này đã được thực hiện trong những ngày gần đây, dù Quốc hội vẫn có thể có hành động ngăn chặn.
Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ bỏ phiếu vào cuối ngày 20/11 về việc không chấp thuận xóa nợ cho Ukraine theo đề xuất của Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul, một người thường xuyên chỉ trích sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine. Phần lớn các thượng nghị sĩ từ cả hai đảng đều ủng hộ viện trợ cho Ukraine.
Tổng thống Biden đã chỉ thị cho các quan chức nhanh chóng viện trợ cho Ukraine càng nhiều càng tốt trước khi ông rời nhiệm sở vào ngày 20/1 tới trong bối cảnh lo ngại Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể hạn chế sự hỗ trợ của Mỹ cho quốc gia Đông Âu này.
Một trong những động thái này là việc Mỹ quyết định cung cấp mìn sát thương cho Ukraine. Mỹ sẽ cung cấp loại mìn “không tồn tại lâu”, có khả năng tự hủy hoặc trở nên vô hiệu hóa sau khi hết thời gian hoạt động.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin, quyết định này được đưa ra do sự thay đổi trong chiến thuật của Nga, khi họ ưu tiên sử dụng lực lượng bộ binh thay vì lực lượng cơ giới để có thể tiếp cận và mở đường.
Ông Austin nhấn mạnh rằng, Ukraine cần những công cụ để làm chậm lại nỗ lực của Nga. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền đã chỉ trích quyết định trên, cho rằng việc Kiev sử dụng vũ khí này sẽ vi phạm Hiệp ước cấm mìn và đặt ra nguy cơ cho dân thường.
Ngay trước đó, Washington cũng đã cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa do Mỹ sản xuất để tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Nga, điều mà Kiev đã yêu cầu từ lâu.
Nguồn: https://baoquocte.vn/chinh-quyen-tong-thong-biden-vot-vat-vi-ukraine-truoc-khi-man-nhiem-thay-doi-chinh-sach-vien-tro-vu-khi-xoa-no-hang-ty-usd-294502.html