Ngày 18/10, Kiểm toán nhà nước tổ chức hội thảo Chuyên đề 2 “Đầu tư công: Những nút thắt và giải pháp từ góc nhìn của Kiểm toán nhà nước” trong khuôn khổ Diễn đàn “Phát hiện những nút thắt trong thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – Vai trò của Kiểm toán nhà nước”.
Ông Doãn Anh Thơ, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, cho rằng: Trong giai đoạn hiện nay, với bối cảnh khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng tiêu cực tới các yếu tố cấu thành tăng trưởng GDP (như tiêu dùng, đầu tư tư nhân, xuất khẩu ròng), đầu tư công đang được xác định là một trong những trụ cột, động lực thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế thì tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, chậm hoàn thành công trình kéo dài nhiều năm qua, cần sớm được khắc phục.
Chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế trong đầu tư công, nhất là việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, ông Thơ đánh giá mỗi bộ, ngành, địa phương, mỗi dự án đều có những nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau.
Một số nguyên nhân có thể kể đến như thể chế pháp luật chưa đồng bộ giữa Luật Đầu tư công với Luật NSNN cũng như các pháp luật chuyên ngành, pháp luật hiện hành chưa bao phủ hết hoạt động đầu tư; quy trình, trình tự, thủ tục còn chồng chéo, phức tạp…
Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khách quan như các cấp, các ngành chưa thực sự tích cực, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, đâu đó vẫn còn tâm lý né tránh; năng lực một số chủ đầu tư, nhà thầu không đáp ứng được yêu cầu…
Bà Cao Thị Minh Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trung bình năm 2021, 2022 đạt khoảng 93,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó năm 2021 đạt 95,7%, năm 2022 đạt 91,42%.
“Đặc điểm của giải ngân vốn đầu tư công thông thường những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Bên cạnh tâm lý ngại giải ngân nhiều lần, ngại làm thủ tục thanh quyết toán vốn nhiều lần của cả chủ đầu tư, ban quản lý dự án và cả nhà thầu, chủ yếu thực hiện vào thời điểm kết thúc năm, thì xu hướng giải ngân tăng dần vào cuối năm còn do nguyên nhân cơ bản về tính chất đặc thù của chi đầu tư so với chi thường xuyên”, bà Nghĩa chia sẻ.
Theo Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV, năm 2023, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công với tổng số vốn hơn 700 nghìn tỷ đồng tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế
hoạch năm 2022. Đây cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội, vì vậy áp lực liên quan đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là rất lớn.
Vì vậy, theo đại diện Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, giải pháp quan trọng nhất trong thời gian tới cần điều chỉnh ngay các quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động đầu tư công, giảm thủ tục hành chính (cấp phép nguyên vật liệu, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất trồng lúa, rút vốn nhà tài trợ…) trong việc triển khai dự án để đẩy mạnh hơn việc giải ngân vốn đầu tư công và huy động nguồn ngoại tệ cho đất nước.